Mạo danh cơ quan công an, tòa án
Thủ đoạn lừa đảo phổ biến nhất là giả danh công an, tòa án gọi điện thông báo người dân có liên quan đến vụ án hoặc xử phạt nguội vi phạm giao thông, yêu cầu nạn nhan chuyển tiền vào tài khoản mà các đối tượng lừa đảo đưa ra để phục vụ công tác điều tra, xử lý. Khi người dân do lo sợ và chuyển tiền vào tài khoản các đối tượng yêu cầu, thì các đối tượng chuyển tiếp số tiền đó vào nhiều tài khoản khác để chiếm đoạt.
Theo ghi nhận của các cơ quan chức năng, hiện đã xảy ra nhiều vụ với số tiền bị chiếm đoạt rất lớn, từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng.
Mạo danh nhà mạng
Một hình thức khác là kẻ tấn công giả danh các nhà mạng gọi điện thông báo số thuê bao điện thoại của người dùng đã trúng thưởng tài sản có giá trị lớn, để nhận được tài sản đó người dùng phải mất phí. Nếu đồng ý mua thẻ cào nạp vào số tài khoản mà các đối tượng lừa đảo cung cấp, người dùng đã bị lừa đảo.Ngay sau khi người dùng đóng tiền vào để nhận thưởng, các đối tượng chặn liên lạc và chiếm đoạt số tiền đó.
Mạo danh cơ quan điện lực, nước sạch
Một thủ đoạn cũng được nhiều đối tượng sử dụng thời gian qua là giả danh cơ quan điện lực, cấp nước sạch, thông báo người dân còn thiếu hóa đơn điện, nước và yêu cầu họ chuyển tiền vào tài khoản các đối tượng lừa đảo đưa ra, nếu không sẽ bị cắt điện nước. Khi người dân nhẹ dạ, thực hiện chuyển tiền theo yêu cầu, số tiền này ngay lập tức bị các đối tượng chiếm đoạt.
Mạo danh ngân hàng
Thủ đoạn thứ tư là kẻ tấn công mạo danh cán bộ ngân hàng gọi điện cho người dân thông báo có người chuyển tiền vào tài khoản nhưng do bị lỗi nên chưa chuyển được hoặc thông báo phần mềm chuyển tiền Internet Banking của khách hàng bị lỗi… và yêu cầu khách hàng cung cấp mã số thẻ và mã OTP để kiểm tra. Các đối tượng sử dụng những thông tin người dùng cung cấp để truy cập vào tài khoản và rút tiền của nạn nhân.
Lừa đảo tuyển cộng tác viên cho các sàn thương mại điện tử
Đáng chú ý, thời gian gần đây, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin và nhu cầu kiếm tiền nhanh của nhiều người, các đối tượng giả mạo tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Bằng thủ đoạn lập các trang Facebook giả mạo các nhãn hàng, trang thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Shopee… và chạy quảng cáo, khi bị hại nhắn tin hỏi cách thức làm cộng tác viên, các đối tượng sẽ gửi các thông tin về công ty, nhân viên chăm sóc khách hàng… và yêu cầu gửi thông tin cá nhân, kết bạn Zalo để tư vấn.
Ban đầu là những nhiệm vụ có giá trị nhỏ chỉ vài trăm nghìn, cộng tác viên sẽ được hoàn tiền hàng và hoa hồng về tài khoản ngân hàng. Sau đó, cộng tác viên được yêu cầu thực hiện các bước như xác thực đơn hàng, chuyển tiền vào tài khoản công ty.
Ngay khi cộng tác viên đã cảm thấy hấp dẫn, dễ kiếm tiền, đối tượng sẽ mời chào làm nhiệm vụ với những đơn hàng có giá trị cao. Sau khi thực hiện 1 giao dịch sẽ được thông báo cần phải thực hiện 2 đến 3 giao dịch mới được hoàn lại tiền, lúc đó nạn nhân không còn khả năng chuyển tiền nữa và nhận ra mình bị lừa đảo. Một số cộng tác viên khác khi thực hiện theo đủ các giao dịch thì bị thông báo hệ thống đang bảo trì, tiếp theo bị chặn đầu mối liên hệ và bị chiếm đoạt tài sản.
Để tránh không bị lừa đảo dẫn đến mất mát tài sản, người dùng thường xuyên cập nhật các thông tin mới nhất về hình thức lừa đảo mạo danh trên các phương tiện truyền thông. Trường hợp nhận được các thông tin không chắc chắn, người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin của các cơ quan, doanh nghiệp qua các kênh thông tin chính thống để được kiểm chứng.