Anh Trần Văn Quyết (bên trái) đang hướng dẫn công nhân chế tạo máy cắt kính bán tự động.
Tôi không phải là kỹ sư
Hẹn gặp chúng tôi tại xưởng, không khó để nhận ra anh giám đốc Trần Văn Quyết đang tất bật hướng dẫn công nhân làm việc. Thấy khách, anh Quyết hồ hởi khoe về chiếc máy cắt kính bán tự động phiên bản mới nhất. Phiên bản này được tích hợp với rô-bốt tự động, nâng kính lên bằng mô-tơ khí với trọng lượng 350kg, cắt kính mịn và phẳng hơn. Đặc biệt, máy bảo đảm an toàn cho công nhân và năng suất gấp 3 lần so với phương pháp thủ công.
Khi tôi gọi anh là kỹ sư, anh cười và xua đi, nói: “Tôi có bằng kỹ sư đâu mà dám nhận là kỹ sư”. Kể về quá trình chọn nghề, anh cho biết: Làng Đỗ Xá vốn là làng nghề mộc truyền thống. Tuy nhiên, anh muốn đi một con đường riêng. Năm 13 tuổi anh học nghề trồng hoa, 17 tuổi học điện dân dụng, rồi làm nghề cửa nhựa lõi thép, cắt nhôm, kính. Sau đó, để nâng cao hiệu quả cắt kính, anh đã mày mò “chế” ra máy cắt.
“Ban đầu, tôi chỉ nghĩ chế ra cái máy nào hỗ trợ việc cắt kính nhanh hơn. Mỗi ngày tôi chế một chút, chế cả trăm lần mới ra một cái gọi là máy. Bây giờ, bảo tôi vẽ thiết kế lại từ đầu, có lẽ tôi không còn nhớ được nữa. Ưu điểm lớn nhất của máy là cắt kính cả hai mặt trên - dưới và có hệ thống tự bẻ, tiết kiệm được nhiều sức lao động cũng giảm như tỷ lệ vỡ”, anh Quyết cho biết.
Thời điểm anh mới lập gia đình (năm 2005), hai vợ chồng khởi nghiệp bằng đôi bàn tay trắng. Vốn cứ vay chỗ này vá hàng chỗ kia. Lúc nói rằng sẽ chế tạo máy, bố anh đã gàn. Bởi anh không được đào tạo về cơ khí, chế tạo không “ra hồn” sẽ đổ xuống sông xuống biển không ít tiền.
Để chế ra được chiếc máy, anh Quyết không chỉ “vắt óc” nghiên cứu ngày đêm, mà còn tốn khá nhiều tiền thử nghiệm. Chưa kể việc kết nối các chi tiết, hàn, lắp đặt điện không chính xác sẽ “mất tiền oan”, ngay như mua kính về cắt thử cũng tiêu tốn cả chục triệu đồng mỗi ngày. Chia sẻ về những ngày đầu dấn thân vào công việc nghiên cứu, anh Quyết nói: “Khó khăn rất nhiều, nhiều lúc bế tắc không có ai để mà tham khảo”. Và vào đúng năm 2011, khi anh vừa thành lập công ty TNHH Một thành viên sản xuất và kinh doanh cửa sổ Window Linh Sơn, thì do khủng khoảng tài chính, nhiều người cho anh vay vốn rút lại tiền. Anh buộc phải trả họ. Công việc kinh doanh trì trệ. Rồi lại phải đầu tư chế tạo máy, những món nợ lớn lúc nào cũng treo lơ lửng trên đầu. Không nản chí. Với sự cố gắng và chăm chỉ, cuối cùng “kiến tha lâu đầy tổ”, trong gần 2 năm, anh đã hoàn thiện chiếc máy cắt kính bán tự động đầu tiên vào giữa năm 2013.
Cuối năm 2013, sau nhiều lần chạy thử nghiệm, anh cho ra thị trường chiếc máy đầu tiên. Khách hàng là một chủ xưởng nhôm kính tại quận Hà Đông (Hà Nội). Sản phẩm được khách hàng đánh giá rất cao về công dụng và độc nhất trên thị trường lúc bấy giờ. Tháng 3-2016, sản phẩm Máy cắt kính bán tự động, nhãn hiệu Linh Sơn của anh Quyết được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận sáng chế - giải pháp hữu ích.
Sáng chế hữu ích
Tuy sản phẩm ra đời nhận được sự ưng ý của khách hàng nhưng anh Quyết với bản tính cầu tiến, luôn trăn trở cải tiến máy có tốc độ cắt nhanh hơn, gọn hơn và rẻ tiền hơn. Đặc biệt, trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, năm 2018 anh đã tiếp tục nghiên cứu và nâng cấp thiết bị để phù hợp với các nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Anh Quyết đang ngắm nhìn trẻ con bơi lội trong hồ nước của thôn mà anh bỏ tiền ra nạo vét, cải tạo.
Dẫn chúng tôi thăm xưởng, anh Quyết cho biết: "Hiện tại, tôi đã thiết kế được 4 phiên bản và 3 loại kích cỡ, tổng cộng 12 mẫu máy phù hợp với nhiều loại kính khác nhau. Đặc biệt, giá thành đã giảm mạnh. Nếu như những chiếc máy đời đầu có giá từ 200 – 300 triệu đồng thì nay chỉ dao động từ 100 – 200 triệu đồng". Trong quá trình nghiên cứu, anh Quyết mất 6 tháng để xong quy trình công nghệ cắt kính. Nhưng công đoạn bẻ kính sau cắt thì anh mất gần 1 năm. Trên thị trường Việt Nam, các loại máy cắt vẫn phải bẻ bằng tay, còn máy của anh đã tạo ra sự khác biệt lớn.
Ngoài ra, Anh Quyết còn tích hợp phần mềm trên máy tính để công nhân tính toán, phân chia các mặt cắt trên những tấm kính lớn, đảm bảo bề mặt kính thừa thấp nhất. Máy cắt kính bán tự động Linh Sơn sử dụng tới 70% linh kiện trong nước nên giá thành chỉ rẻ bằng một nửa so với máy nhập khẩu.
Từ những ngày đầu cả tháng mới làm xong một chiếc máy, đến nay, mỗi tháng anh Quyết cho ra thị trường trung bình 10 máy cắt kính. Quy mô xưởng gần 1.000m2 với hơn 20 công nhân, kỹ thuật viên làm việc. Anh Quyết cho biết: “Họ hầu hết là những công nhân đã gắn bó với tôi từ những ngày đầu. Tôi không yêu cầu họ phải qua trường lớp cơ khí nào cả, chỉ cần họ say mê, tôi sẽ dậy nghề. Mức lương của họ dao động từ 10 – 20 triệu đồng/tháng”.
Trông dáng người nhỏ nhắn, miệng luôn mỉm cười và trò chuyện cởi mở của anh Quyết, tôi cảm thấy anh là người hiền và từ tốn. Nhưng anh kinh doanh cũng rất “mát tay” và xông xáo. Anh cho biết, hiện máy cắt kính bán tự động Linh Sơn đã có mặt trên mọi miền đất nước. Thậm chí, đã có một số máy xuất khẩu thành công sang thị trường Sơn Đông, Trung Quốc. “Tính đến nay, trên 600 máy cắt của tôi đã được đưa ra thị trường và có thể đạt con số 1.000 máy trong năm tới”, anh Quyết chia sẻ.
Là người đi lên từ hai bàn tay trắng, anh Quyết thấu hiểu sự khó khăn của các doanh nghiệp nhỏ nên khi những doanh nghiệp này mua máy, anh đều tạo điều kiện để họ trả góp. “Tôi luôn ấy uy tín làm hàng đầu. Sản phẩm ra thị trường được bảo hành đúng theo quy định. Bất kỳ trục trặc kỹ thuật nào đều được chúng tôi khắc phục kể cả ngoài thời gian bảo hành. Tôi thường hỗ trợ tài chính cho những xưởng còn nhiều khó khăn khi mua máy”, anh Quyết cho biết.
Nhìn cơ ngơi khang trang rộng 3.000m2 của anh Quyết, tôi nghĩ rằng, công việc sản xuất và kinh doanh của anh đã đi vào ổn định từ lâu. Nhưng anh bảo: “Tôi vừa mới trả nợ xong cách đây mấy năm thôi. Cao điểm có lúc vay tới 5 tỷ đồng, lúc đó, lo nghĩ bạc cả đầu. Giờ thì cũng ổn hơn rồi, nợ cũng đã trả xong”.
Hết lòng xây dựng quê hương giàu đẹp
Anh Quyết dẫn tôi đi tham quan khuôn viên nhà, tôi có cảm giác như lạc trong một công viên công cộng. Trước nhà là hồ nước rộng thênh thang của thôn, xung quanh rất nhiều cây cối, hoa và ghế đá. Đặc biệt, trẻ con chạy ra chạy vào khuôn viên nhà anh Quyết rất đông và tự nhiên.
Hồ nước trong vắt, trẻ con nô nức tập bơi. Anh Quyết kể, mấy năm trước, hồ nước rất ô nhiễm, tù đọng, lan can không có, lại thêm một số hộ lấn chiếm làm mất mỹ quan. Sau khi xin chủ trương của thôn, năm 2020, anh Quyết đã bỏ ra 2,2 tỷ đồng để nạo vét lòng hồ, đổ cát sạch theo từng nấc, xây hệ thống thoát nước – lan can. Cây xanh được phủ kín xung quanh bờ hồ, hệ thống chiếu sáng đầy đủ. Đặc biệt, hồ chỉ lấy nước mưa, đảm bảo vệ sinh cho trẻ em bơi lội.
Thấy anh Quyết ngắm nhìn lũ trẻ vui đùa tập bơi, tôi thấy đôi mắt anh chất chứa rất nhiều tình yêu với trẻ thơ. Thỉnh thoảng, anh lại nhắc các cháu chỉ tập bơi sát bờ. Anh bảo, niềm vui của anh ngoài công việc chính là ngắm nhìn lũ trẻ làng vui đùa, “yêu trẻ, trẻ mới đến nhà”. Anh mong đứa trẻ nào trong thôn, từ trai đến gái đều sẽ biết bơi – một kỹ năng rất cần thiết. Dự định vào đầu hè, anh sẽ mời thầy dậy bơi về dạy bơi cho trẻ em trong thôn.
Kể về các đóng góp với quê hương, anh Quyết tỏ ra “ngại” và nói: “Mình đóng góp bằng tấm lòng, không kể nhiều hay ít, chỉ mong sao làm đẹp cho quê hương. Kể lể ra nhiều khi lại không hay”. Tuy nhiên, tôi vẫn “nịnh” được anh kể về một số đóng góp chính, như: Vào năm 2017, con đường từ trung tâm UBND xã Vạn Điểm đến ngã ba thôn Đỗ Xá bị xuống cấp trầm trọng.
Thấy vậy, anh xin chủ trương xã, rồi tự mua nguyên liệu, thuê nhân công nâng cấp đoạn đường với tổng số tiền gần 400 triệu đồng. Hay như thường xuyên chứng kiến các vụ tai nạn giao thông tại ngã tư cầu chui Vạn Điểm - đường cao tốc Pháp Vân Cầu Giẽ, trong đó, có một vụ tai nạn vào buổi tối, khiến một thanh niên phải sống thực vật. Ám ảnh. Trăn trở. Năm ngoái, anh Quyết đã đầu tư hệ thống đèn chiếu sáng và đèn cảnh báo tại cầu chui khoảng 50 triệu đồng. Từ lúc có hệ thống đèn, chưa có thêm vụ tai nạn giao thông nào tại cầu chui.
Sắp tới, anh Quyết có dự định đầu tư để nâng cấp đoạn đường từ xóm Trại chạy thẳng ra quốc lộ 1A. “Đoạn đường chạy thẳng ra quốc lộ 1A dài khoảng 100 mét và đang rất xấu. Tôi dự định sẽ báo cáo UBND xã chủ trương, sau đó huy động thêm nguồn lực để nâng cấp đoạn đường”, anh Quyết cho biết.
Nhận xét về nhà sáng chế chân đất, giàu lòng yêu quê hương, ông Nguyễn Văn Khải, Phó chủ tịch UBND xã Vạn Điểm cho biết: Anh Quyết vốn xuất thân nông dân nhưng bằng nghị lực và trí tuệ đã làm giàu từ sáng chế máy cắt kính bán tự động, tạo công việc thường xuyên cho nhiều lao động tại địa phương. Ngoài ra, anh Quyết luôn đi đầu, đóng góp xây dựng quê hương tươi đẹp hơn nên được mọi người rất yêu quý. Đặc biệt, anh Quyết là người rất khiêm tốn, điềm đạm, nên có nhiều việc làm ý nghĩa của anh tại địa phương, anh làm rất âm thầm, không màng tới sự khen ngợi hay ca tụng của ai.