Nhà mạng tìm cách vượt khó

Thứ sáu, 10/07/2020 14:01

Đại dịch Covid-19 đã, đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam, với từng ngành hàng, dịch vụ cụ thể. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng doanh thu dịch vụ viễn thông tính đến đầu tháng 6-2020 giảm 4,85% so với cùng kỳ năm trước. Một trong những giải pháp được kỳ vọng giúp nhà mạng vượt khó là đẩy mạnh cung cấp dịch vụ số, điển hình như Mobile Money...

20200710-Nam-3.jpg
Ứng dụng Viettel Pay đã có 9 triệu khách hàng.
Doanh thu thoại, tin nhắn sụt giảm
 
Vấn đề nhà mạng bị sụt giảm doanh thu không mới, khi hồi đầu tháng 4-2020 cả 3 doanh nghiệp lớn: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Viễn thông MobiFone thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh. 
 
Đáng chú ý, cả 3 nhà mạng đều cho biết doanh thu dịch vụ thoại, tin nhắn sụt giảm, chẳng hạn Viettel giảm 9,4% lưu lượng thoại trong tháng 3 so với cùng kỳ; VNPT giảm doanh thu thoại, tin nhắn 17%; MobiFone có doanh thu thoại giảm 20%...
 
Về nguyên nhân sụt giảm doanh thu, theo các nhà mạng là do thực hiện cách ly nên nhu cầu về thoại giảm khiến doanh thu thoại (chiếm trên 72% doanh thu di động) giảm mạnh; cùng với đó là doanh thu roaming (chuyển vùng quốc tế) giảm theo vì các nước và Việt Nam tạm dừng xuất, nhập cảnh...
 
Phân tích cụ thể về sự sụt giảm doanh thu dịch vụ di động, ông Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông VNPT VinaPhone (thuộc Tập đoàn VNPT) nêu rõ, trung bình mỗi năm các nhà mạng toàn cầu sụt giảm doanh thu thoại, tin nhắn 10-15%.
 
Tuy nhiên, thực tế thị trường thì Việt Nam có xu hướng doanh thu dịch vụ cơ bản này giảm nhanh hơn, chẳng hạn VNPT năm 2019 giảm tới 17%. Doanh thu thoại, tin nhắn sụt giảm nhưng dịch vụ data lại chưa thể bù đắp vì mặc dù người dùng data nhiều, lưu lượng tăng trưởng cao song vì cạnh tranh giá rẻ nên doanh thu từ nguồn này không thể đủ bù đắp.
 
Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước áp dụng các biện pháp chặt chẽ về đăng ký thông tin thuê bao, thu hồi sim kích hoạt sẵn trên kênh phân phối, dừng phát hành sim mới nhằm ngăn chặn nạn tin nhắn rác. Dù việc này khiến các nhà mạng giảm doanh thu khoảng 7-8%, song lãnh đạo VinaPhone và MobiFone đều khẳng định, việc thắt chặt chính sách quản lý nhằm xây dựng thị trường viễn thông trong nước phát triển bền vững. Đây cũng là cách để định danh khách hàng, từ đó là căn cứ để nhà mạng được cấp phép triển khai dịch vụ Mobile Money (tiền trên di động hay còn gọi là thanh toán hàng hóa có giá trị nhỏ).
 
Các dịch vụ số là "phao cứu sinh"
 
Các nhà mạng sẽ phải làm gì để tăng thêm nguồn thu? Vấn đề này cũng đã được đặt ra từ những năm gần đây khi các nhà mạng lần lượt chuyển đổi, trở thành nhà cung cấp dịch vụ số.
 
Thực tế, bên cạnh các dịch vụ viễn thông truyền thống, nhà mạng đã trở thành doanh nghiệp cung cấp các giải pháp viễn thông - công nghệ thông tin với các ứng dụng cho phát triển chính phủ điện tử, thành phố thông minh và cho các ngành, lĩnh vực tài chính - ngân hàng, giao thông, giáo dục, y tế, du lịch...
 
Trong số dịch vụ đã và sẽ triển khai thì dịch vụ Mobile Money được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá mới cho nhà mạng. Nói như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thì việc cấp phép triển khai Mobile Money cho các nhà mạng viễn thông sẽ khiến vùng phủ dịch vụ thanh toán điện tử mau chóng đến 100% người dân. Điều này sẽ thúc đẩy thương mại điện tử, các sàn giao dịch hàng hóa nông nghiệp, nhất là vùng xa, thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến, thúc đẩy các công ty fintech (công nghệ tài chính), công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giúp tăng trưởng kinh tế.
 
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho nhà mạng triển khai dịch vụ này và cơ quan chức năng đang xem xét thủ tục cấp phép cho nhà mạng.
 
Vậy Mobile Money sẽ mang lại cơ hội như thế nào cho nhà mạng? Trả lời câu hỏi này của phóng viên Báo Hànộimới, ông Trương Quang Việt, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel (thuộc Tập đoàn Viettel) và ông Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông VNPT VinaPhone (thuộc Tập đoàn VNPT) đều khẳng định, trước tiên, triển khai dịch vụ này mang lại lợi ích cho người dùng, hình thành thói quen không dùng tiền mặt và đó là lợi ích của xã hội.
 
Về lợi ích cho nhà mạng, ông Bùi Sơn Nam, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Viễn thông MobiFone nêu rõ, cung cấp Mobile Money đồng thời là mở rộng phương thức thanh toán tiện lợi giúp người dùng gắn bó với điện thoại, số điện thoại nhiều hơn, ắt sẽ trung thành với nhà mạng nhiều hơn và điều này bổ trợ cho phát triển dịch vụ viễn thông.
 
Bên cạnh đó, việc thanh toán tài khoản giá trị nhỏ trong giai đoạn đầu không thu phí, nhưng sau khi thị trường đủ lớn, nhiều người dùng, có thể áp dụng hình thức thu phí. Mức phí chỉ là rất nhỏ nhưng quy mô thị trường lớn sẽ là một nguồn thu không hề nhỏ, thêm nữa nếu quy mô dòng tiền lớn cũng sẽ là điểm lợi cho nhà mạng...
 
Việt Nga (HNM)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top