Nhà giáo tâm huyết với sách hay cho học sinh tiểu học

Thứ tư, 30/03/2022 16:21

Gần 6 năm qua, bước chân cô giáo Hoàng Thị Thu Hiền đã lặn lội đến 79 huyện vùng sâu, vùng xa, miền núi trên khắp cả nước để mang những đầu sách hay đến với học sinh bậc tiểu học. Hành trình không mệt mỏi của nữ nhà giáo lớn tuổi đã truyền cảm hứng về sách đến cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh, thiết thực xây dựng văn hóa đọc ở những địa bàn còn gặp nhiều khó khăn.

Từ ý tưởng để học sinh vùng lũ có sách

Sau vài lần hẹn, chúng tôi gặp được cô Hoàng Thị Thu Hiền (nguyên là giáo viên Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, TP Hồ Chí Minh), Trưởng Dự án sách hay dành cho học sinh tiểu học. Cô Hiền đang cùng các thành viên dự án tất bật chuẩn bị cho các chuyến đi đưa sách về Nghệ An, An Giang ngay khi tình hình dịch bệnh cho phép.

lhk-8085.jpg

Cô Hoàng Thị Thu Hiền giới thiệu "Cẩm nang danh cho giáo viên" do cô biên soạn để giúp giáo viên đưa sách đến học sinh. Ảnh: HỒNG GIANG

Cô Hiền phấn khởi cho biết: “Lúc mới thành lập dự án, tôi nghĩ đi được vài chuyến là thành công lắm rồi nhưng dự án đã đạt kết quả ngoài mong đợi. Tính từ tháng 10-2016 đến nay, chúng tôi đã đi đến được 79 huyện thuộc 27 tỉnh, thành phố trong cả nước với gần 450.000 đầu sách, tạp chí được đưa đến học sinh của gần 2.000 trường tiểu học”.

Kể lại chuyến đi đầu tiên của dự án, cô Hiền nhớ thời điểm đó là xảy ra lũ lụt lớn ở Quảng Bình và Hà Tĩnh vào năm 2016. Trước hậu quả lớn của lũ lụt, qua hỏi thăm đồng nghiệp tại địa phương, cô biết các học sinh đang rất cần sách. “Tôi biết tập vở, sách giáo khoa thì nhiều đơn vị đã hỗ trợ nhưng sách tham khảo, sách về khoa học cơ bản, văn hóa du lịch, kỹ năng sống, văn học, danh nhân… đang rất thiếu. Vì vậy, tôi đã kêu gọi bạn bè, đồng nghiệp và nhận được sự hỗ trợ từ các trường ở TP Hồ Chí Minh để có kinh phí mua sách đưa đến học sinh vùng lũ” – cô Hiền nhớ lại.

Cô Hiền nghĩ rằng, nếu đọc sách từ nhỏ thì dễ xây dựng nền tảng ngay từ đầu giúp hình thành nên sở thích, nhân cách nên cô quyết định lựa chọn đối tượng là học sinh tiểu học. Vừa vận động nguồn lực, cô vừa tìm các đầu sách phù hợp. Cô đã gõ cửa các nhà xuất bản như: Fahasa, First News, Phương Nam, Phụ nữ, Thái Hà… để tuyển chọn những cuốn sách dạy về kỹ năng sống, dạy cách hình thành những thói quen tốt, nhận biết về thế giới xung quanh, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn cho học sinh. Đơn vị đạt được nhiều đầu sách phù hợp nhất là Nhà xuất bản Kim Đồng. Sau thời gian chuẩn bị tích cực, khẩn trương, cô Hiền đã có 100 đầu sách, 100 tạp chí với tổng khối lượng hàng hóa gần 2 tấn cho chuyến đi đầu tiên.

Do thời điểm năm 2016, cô Hiền còn đang làm việc nên chuyến đi đầu tiên đưa sách đến học sinh ở Hà Tĩnh được tính toán chỉnh chu giúp cô và các thành viên khác bảo đảm công việc. “Ấn tượng sâu sắc của chuyến đi với tôi là mọi thứ đều bỡ ngỡ từ liên hệ vận chuyển hàng qua đường hàng không, đường di chuyển đến địa phương… Chúng tôi vừa trao sách, vừa truyền lửa, tập huấn về quản lý sách, phương thức để học sinh tiếp cận và đọc sách, rồi quay về TP Hồ Chí Minh ngay trong đêm để sáng hôm sau trở lên lớp dạy học.

Chuyến đi đầu tiên khá vất vả nhưng lại vô cùng hạnh phúc vì mọi khó khăn đều vượt qua, địa phương nhận rất trân trọng, tha thiết với sách. Từ đó thôi thức tôi và các cộng sự có thêm động lực để quyết định thực hiện các chuyến đi tiếp theo” – cô Hiền nhớ lại.

Đến khơi dậy văn hóa đọc cho học sinh vùng cao, vùng sâu

Từ ý tưởng hỗ trợ sách cho học sinh thời điểm gặp thiên tai, Dự án sách hay dành cho học sinh tiểu học của cô Hoàng Thị Thu Hiền đã đến với ngày càng nhiều các bản làng xa, vùng quê còn khó khăn. Chia sẻ về cách vận động cho nguồn sách, cô Hiền cho biết dự án may mắn kết nối với các nhóm từ thiện, các công ty, đơn vị, nhà hảo tâm với tấm lòng tất cả vì học sinh. Ngoài ra, dự án nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình từ các trường học ở TP Hồ Chí Minh thông qua cùng thực hiện những công trình thanh niên về sách.

z3244248307655-f966c573e82867bb024c993d70cdc9ec.jpg

 Cô Hiền giới thiệu những đầu sách tâm đắc của dự án. Ảnh: HỒNG GIANG

Năm 2018, cô Hiền nghỉ hưu ở Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, dù nhận nhiều lời mời làm việc thêm ở các trường quốc tế với thu nhập cao nhưng cô đều từ chối, quyết định dành toàn bộ lương hưu, thời gian, tâm huyết cho Dự án sách hay dành cho học sinh tiểu học. Càng đi, cô càng nhận thấy, học sinh ở vùng sâu, vùng xa rất thích đọc sách, vì vậy cần giải quyết hai vấn đề là đưa sách đến học sinh và cách học sinh tiếp cận sách. Từ đó, trong mỗi chuyến đi của dự án đến các trường, cùng với trao tặng sách, cô Hiền tăng thời lượng chương trình tập huấn, trao đổi và truyền cảm hứng về sách đến giáo viên và học sinh. Theo cô, các công đoạn vận động kinh phí, mua sách, viết tài liệu, mang sách đến trường mới chỉ được 10% kết quả, 90% còn lại phải do giáo viên đưa sách đến học sinh và học sinh đọc được sách mới là đích cuối cùng.

Để luôn giữ vững ý nghĩa của dự án, bên cạnh trao sách, dự án còn nhận về các bài viết cảm nhận, tranh vẽ, clip của học sinh về những đầu sách đã đọc. Dự án triển khai đến đâu, các thầy cô ở trường đó trở thành cánh tay nối dài của dự án thông qua kết nối tương tác trên trang cộng đồng của dự án. Không chỉ vậy, cô Hiền còn trở lại một số trường đã nhận sách từ dự án để khảo sát chất lượng quản lý sách, đọc sách của học sinh làm cơ sở để nâng cao hiệu quả các chuyến đi tiếp theo của dự án.

Càng đi nhiều, uy tín của cô Hiền và ý nghĩa dự án đã lan tỏa sâu rộng đến các cấp, nhà hảo tâm. Cùng với sách, cô vận động thêm học bổng, xe đạp, lương thực thực phẩm, quần áo… tặng học sinh ở các điểm trường đặc biệt khó khăn. Đến nay, cô đã vận động 2.500 bộ đồng phục, gần 2.500 chiếc áo ấm, hơn 500 chiếc chăn, 95 chiếc xe đạp, gần 300 triệu đồng học bổng, cùng hàng trăm chiếc ba lô, hàng nghìn quyển vở, bút viết trao đến với học sinh và đồng bào các vùng khó khăn.

Nhắc về kỷ niệm đáng nhớ, cô Hiền không thể quên được chuyến đi đến bản Huồi Pủng, xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương, Nghệ An. Đây làn bản rất đặc biệt khi không có điện, không có internet, không đường đường giao thông, đi vào bản bằng thuyền và đường rừng. Trước khó khăn của địa phương, cô Hiền đã vận động 8 bộ đèn năng lượng mặt trời cho nhà văn hóa của bản, cùng hơn 2.000 đầu sách và nhiều vật dụng khác trao tặng cho học sinh.

z3289282695713-45801f8c4c5e7d00156f349526256a2f.jpg

Cô Hoàng Thị Thu Hiền giao lưu, truyền cảm hứng với học sinh Trường Tiểu học Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ, Long An. Ảnh: THU HOÀNG

Trong những chuyến đi của cô Hiền, cũng không ít lần gặp nguy hiểm, đã từng “say sóng, say nắng, say gió…” nhưng vẫn giữ vững niềm “say sách”. Cô nhớ năm 2020, khi đi thực hiện dự án ở huyện Nam Trà My, Quảng Nam thì gặp sạt lở nghiêm trọng, mưa lớn, phương tiện bị sa lầy liên tục. Đoàn mang theo sách, áo ấm, lương thực thực phẩm gần 6 tấn hàng hóa để đưa đến 8 điểm trường. Cứ đến được một điểm trường, thấy được niềm vui của giáo viên và học sinh là cả đoàn có thêm động lực đi đến điểm tiếp theo. Tuy vậy, khi đến xã Trà Lèng, huyện Nam Trà My, do các vụ sạt lở lớn xảy ra liên tục nên đoàn phải quay đầu vì quá nguy hiểm, gửi hàng hóa vào sau. Bước chân của cô Hiền và các thành viên còn băng qua những cung đường rừng núi hiểm trở ở Điện Biên, Lai Châu hay vượt sóng đến với huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)…

Cô Võ Thị Tuyết Chinh, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương, Nghệ An đánh giá rằng: “Dự án Sách hay dành cho học sinh tiểu học của cô Hoàng Thị Thu Hiền khởi xướng là một hoạt động thiết thực và ý nghĩa, góp phần xây dựng nền tảng văn hóa đọc cho học sinh, phát huy vai trò của thư viện, nâng cao chất lượng dạy và học. Cùng với đó là xây dựng tinh thần sẻ chia, trách nhiệm trong cộng đồng, ví như là một món quà mang đậm tính giáo dục sâu sắc. Sự nhiệt tình của cô Hiền và dự án đã thổi một luồng sinh khí mới, làm thay đổi nhận thức và khơi dậy phong trào đọc sách ở các trường vùng sâu, vùng xa”. 

Qua những chuyến đi đưa sách đến học sinh tiểu học, cô Hiền cũng trăn trở rằng, đội ngũ cán bộ thư viện ở vùng sâu, vùng xa quá ít và hầu hết là kiêm nhiệm, vẫn còn số ít thầy cô chưa mặn mà về vai trò của sách trong bổ sung kiến thức cho học sinh…

Tiếp tục hành trình nhân văn

Gần 6 năm qua, hình ảnh chiếc áo xanh của các thành viên dự án khi thì đẫm mồ hôi trong ngày hè nóng bức, lúc thì ướt sũng vì những trận mưa lớn, bão lũ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng học sinh và người dân các địa phương. Với cô Hiền và các thành viên khác, niềm vui của học sinh khi được nhận sách, đọc sách chính là “liều thuốc” giúp quên đi mệt mỏi. Những hành trình không được trả lương và cũng không thể trả bằng lương của cô Hiền đã gieo những hạt mầm yêu thương cho các cộng sự. Những người tham gia dự án đều tự túc mọi chi phí ăn ở, đi lại, sinh hoạt…

Trong năm 2021 vừa qua, do dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, dự án không thể đi về các địa phương. Cô Hiền đã đứng ra vận động nguồn lực được 3,5 tỷ đồng để tặng trang thiết bị y tế, lương thực thực phẩm, quà an sinh đến cơ sở điều trị, người dân, học sinh…

z3289278931777-1b35f94176a96b2b57917f3ed34563ff.jpg

 Các thành viên của dự án thâm gia hành trình đưa sách đến học sinh tiểu học tại huyện Mộc Hóa, Long An. Ảnh: THU HOÀNG

Điều tâm đắc của cô Hiền là dự án đã kết nối được nhiều thế hệ với nhau. Từ lúc ban đầu có một mình cô Hiền phải lo toan mọi việc thì đến nay, đã có 19 thành viên cơ hữu của dự án. Các thành viên dù ở nhiều lứa tuổi, nghề nghiệp khác nhau nhưng cùng chung tâm huyết mong muốn phát huy văn hóa đọc cho học sinh ở địa bàn còn nhiều khó khăn. Anh Lê Văn Thắng, giáo viên Trường Tiểu học Châu Văn Liêm (Quận 6, TP Hồ Chí Minh) bộc bạch: “Cô Hiền luôn gương mẫu, tiên phong trong mọi hoạt động. Ở cô lúc nào cũng toát lên nguồn năng lượng trẻ, năng lượng tích cực, gắn kết các thành viên với nhau đi bước trên hành trình đưa sách đến với học sinh. Khi tham gia cùng dự án, tôi thật sự hạnh phúc và cảm thấy tuổi trẻ rất ý nghĩa”.

Với vai trò là đơn vị đồng hành tích cực của dự án, ông Lê Văn Thành, Phó giám đốc Chi nhánh Nhà xuất bản Kim Đồng tại TP Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng tôi vẫn hay nói vui Dự án sách hay cho học sinh tiểu học là dự án 6G. Đó là những giáo viên, giỏi kết nối, gan dạ… Trong đó, vai trò của cô Hiền là rất quan trọng, ví như linh hồn của cả dự án. Điều đáng quý là dự án không chỉ trao tặng sách mà còn tổ chức những chương trình hội thảo, tọa đàm hướng dẫn giáo viên, nhà trường vận hành thư viện hiệu quả nhất, trực tiếp để khơi gợi, truyền cảm hứng đọc sách đến học sinh. Chính những dự án ý nghĩa như thế này là cánh tay nối dài của các đơn vị xuất bản để sách có thể đi xa nhất, đến đúng đối tượng cần sách nhất”.

Nói về dự định tương lai, cô Hiền cho biết dự án là con đường lâu dài, cần sự kiên trì bền bỉ. Những yếu tố tác động là phải có sách đẹp, sách hay, sách hấp dẫn. Các trường phải tạo điều kiện cho học sinh đọc sách ở trường có thể mượn về nhà. Hiện nay, cô Hiền đã xây dựng được tiêu chuẩn một chuyến đi của dự án thì bảo đảm khoảng 175 đầu sách/trường. Cô còn trực tiếp biên soạn “Cẩm nang dành cho giáo viên” là tài liệu quý để các giáo viên sử dụng phương thức phù hợp để đưa sách, truyền cảm hứng đọc sách cho học sinh.

Cô Hoàng Thị Thu Hiền chia sẻ tâm huyết: “Tôi vẫn tiếp tục hành trình nhân văn của mình khi sức khỏe vẫn cho phép. Tôi mong muốn dự án sẽ kết nối nguồn lực nhiều hơn để có thể mở rộng đối tượng tiếp cận sách, góp phần thay đổi mặt bằng văn hóa đọc cơ bản cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn. Từ đó, cộng hưởng tình thương, tinh thần sống đẹp, chung sức vì thế hệ trẻ tương lai”.

 

Theo: qdnd.vn
banner
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top