Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn
Thưa Bộ trưởng, ông có ý kiến gì về thông tin 2 phóng viên thuộc chương trình Chuyển động 24 giờ của VTV bị hành hung trong quá trình tác nghiệp vào ngày 8.5 vừa qua tại huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên?
Tình tiết vụ việc ban đầu chúng tôi nắm thông tin qua báo chí. Nếu đúng Trung tâm tin tức 24h của VTV xác nhận hai người nói trên là phóng viên của VTV thì quy trình quản lý tác nghiệp phóng viên của VTV có vấn đề.
Thứ nhất, khi vụ việc xảy ra hai người nhận là phóng viên của VTV chỉ trình cho cơ quan công an được thẻ ra vào cổng rồi ngày hôm sau mới gửi qua hộp thư điện tử của cơ quan công an giấy giới thiệu (hoặc công văn) cử phóng viên làm việc tại huyện Đại Từ. Luật quy định, phóng viên hoặc nhà báo tác nghiệp phải có giấy giới thiệu hoặc thẻ nhà báo, không có loại giấy tờ nào thay thế cả.
Thứ hai, phóng viên điều tra phải có kiến thức pháp luật, văn hoá pháp luật, đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng nghiệp vụ.
Việc tự tiện xông vào nhà người ta ghi hình mà không xác định được động cơ nhiệm vụ, mục đích tác nghiệp thì có thể vi phạm quyền nhân thân về hình ảnh theo Luật dân sự.
Tất nhiên, chủ cơ sở sản xuất chè nếu có sử dụng hoá chất, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng thì đấy là hành vi đáng lên án và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cũng như việc hành hung người khác là vi phạm pháp luật.
Vậy thưa Bộ trưởng, phóng viên điều tra thực sự sẽ được bảo vệ như thế nào trong khi tác nghiệp?
Tiếng nói của cơ quan ngôn luận đóng vai trò rất quan trọng và có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với đời sống xã hội. Chính vì vậy, Luật báo chí có những quy định về quyền cũng như trách nhiệm của nhà báo trong việc tác nghiệp.
Các phóng viên điều tra và cơ quan báo chí khác có thể lấy vụ việc nói trên làm bài học khi thâm nhập thu thập tài liệu để viết tin bài cho báo. Cụ thể quy trình tác nghiệp ít nhất là cơ quan báo chí phải có kế hoạch cử phóng viên tác nghiệp theo nhiệm vụ. Nhà báo hoặc phóng viên tác nghiệp phải có thẻ nhà báo, giấy giới thiệu để chứng minh tư cách hợp pháp. Luật báo chí 2016 (sửa đổi và bổ sung) vừa được Quốc hội thông qua bảo hộ quyền tác nghiệp của nhà báo rất mạnh.
Thưa Bộ trưởng, gần đây có nhiều vụ việc phóng viên bị hành hung, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và Hội nhà báo bảo vệ nhà báo như thế nào khi tác nghiệp?
Như tôi đã nói, nhà báo tác nghiệp được coi là hợp pháp phải làm đúng quy trình, nhiệm vụ. Chúng tôi khuyến khích cơ quan báo chí có những điều tra, phát hiện vấn đề tiêu cực để cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý, chấn chỉnh. Tuy nhiên, cơ quan báo chí cần phải có kế hoạch bảo vệ phóng viên khi tham gia điều tra thu thập tin tức những vấn đề có thể phát sinh xung đột nguy hiểm.
Trong thời gian qua, chúng tôi đã yêu cầu, đề nghị cơ quan điều tra làm rõ nhiều vụ việc cũng như đề nghị cơ quan tố tụng xử lý nghiêm minh theo pháp luật các vụ xâm hại nghiêm trọng sức khoẻ, tính mạng của nhà báo. Điển hình là vụ việc nhà báo Nguyễn Ngọc Quang của Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Thái Nguyên bị hành hung vào cuối năm 2015.
Pháp luật bảo vệ nhà báo, chúng tôi luôn ở bên cạnh các nhà báo nên hoàn toàn có thể yên tâm tác nghiệp với điều kiện là phải làm đúng và hợp pháp.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!