Trưởng bản Phan Thanh Tuyền dạy tiếng Mường cho người dân.
Qua mấy đời phát nương làm rẫy, kết hôn, sinh hoạt với người Kinh, cùng sự phát triển, hội nhập của xã hội, đồng bào người Mường ở Lòi Sim đã mất dần tiếng nói của mình. Những năm trước đây cả bản chỉ có một số rất ít người cao tuổi nói được tiếng Mường. Hầu hết lớp trẻ không nói tiếng mẹ đẻ của mình, đặc biệt là các em tuổi học sinh.
Đã gần 65 tuổi nhưng Trưởng bản Phan Thanh Tuyền vẫn săn chắc, ông tâm sự: “Ngoài thừa hưởng cốt cách từ cha mẹ, thời gian trong quân ngũ, trên 30 năm tham gia công an xã rèn luyện cho tôi sức khỏe và sự hoạt bát như hôm nay”. Khi nói về khôi phục tiếng Mường ông bộc bạch: “Tôi chừng này tuổi rồi nhưng có nghe ai nói, ai bàn đến việc gìn giữ tiếng nói của dân tộc mình đâu. Cả bản chỉ có mấy người cao tuổi nói một số tiếng Mường với nhau thôi. Vài năm nay, khi được quý thầy bên ngành giáo dục động viên tôi thấy nếu không khôi phục lại thì thế hệ chúng tôi không còn là tiếng Mường ở bản này cũng mất. Hội đồng già bản bàn bạc và quyết tâm khôi phục và giữ lấy tiếng nói, bản sắc của dân tộc-Tiếng mẹ đẻ của người Mường ở bản này”.
Là người đứng đầu, dẫn dắt dân bản ông như bừng tỉnh trách nhiệm của mình đối với tổ tiên, với thế hệ trẻ người Mường ở Lòi Sim, với văn hóa dân tộc. Ông cùng Hội đồng già bản bàn bạc, xây dựng kế hoạch, vận động những người nhiều tuổi cùng khôi phục và bảo tồn tiếng nói. Ông chủ trì cùng những cụ ông, cụ bà còn biết tiếng Mường để xây dựng bản phiên âm tiếng Mường-Việt .
“Chúng tôi ngồi lại, người nói, người viết ra tiếng Việt, rồi đọc phát âm, lại chỉnh sửa, rồi lại đọc… nhiều lần như thế. Để có bản phiên âm hôm nay tôi đã sửa đi, in lại rất nhiều lần sau khi được nhiều người góp ý chỉnh sửa”, Trưởng bản Phan Thanh Tuyền nói về việc làm bản phiên âm.
Ngoài việc tổ chức làm bản phiên âm tiếng Mường-Việt ông còn đến tận các gia đình trong bản tuyên truyền vận động nói tiếng Mường trong sinh hoạt hằng ngày. Để hỗ trợ cho truyền dạy nói tiếng Mường trong các gia đình, ông và các già bản tổ chức lớp học nói tiếng Mường tập trung tại hội quán của thôn một vài tuần/1 lần vào chiều chủ nhật cho tất cả thế hệ từ đứa bé, thanh thiếu niên đến người nhiều tuổi.
“Từ lâu, hầu như không ai nói tiếng Mường, từ khi Trưởng bản đến vận động phải dạy cho con cháu nói tiếng Mường, mấy đứa cháu nhà tôi từ nhỏ đến lớn tôi dạy cho nó nói tên đồ dùng, cây cối, con vật, mời gọi, xưng hô trong gia đình…, đứa nào nói sai tôi bắt nói lại, nói cho được mới thôi, giờ các cháu nói tốt lắm, tôi thấy rất mừng”, niềm vui ánh lên trong khóe mắt trên khuôn mặt nhăn nheo của cụ bà Cao Thị Liễu (nay đã 85 tuổi) khi nói về việc truyền dạy tiếng Mường cho con cháu.
Em Ngọc Ánh học sinh lớp 5 Trường tiểu học Hương Trạch cho biết: “Từ khi được ông bà và bác Tuyền dạy cho nói tiếng Mường em thích lắm, ở trường chúng em cũng được thầy cô hướng dẫn thành lập câu lạc bộ nói tiếng Mường, chúng em thường tập nói với nhau những tiếng giao tiếp hằng ngày, tiếng nào chưa được lại về hỏi các cụ rồi trao đổi với nhau ngoài giờ học”.
Em Mai Nhật Trung lớp 1 Trường tiểu học Hương Trạch tự tin nói rằng: “Cháu được bà dạy cho nói bằng tiếng Mường như: gọi bố, mẹ, ăn cơm, uống nước, chào hỏi trong nhà và nói tên đồ dùng… cháu thấy thích lắm, tiếng này chỉ bọn cháu trong bản nói với nhau chứ lên lớp những bạn khác không hiểu”. Em Cao Quỳnh Như lớp 6 Trường trung học cơ sở Hương Trạch rất hồ hởi: “Em được học nói tiếng Mường lớp do ông Tuyền dạy, về nhà được cha mẹ hướng dẫn em đã nói được nhiều và thích lắm; tiếng Mường nói nhẹ hơn tiếng Việt”.
Em Mai Quỳnh Hương học sinh lớp 7 Trường Phổ thông dân tộc nội trú Hà Tĩnh cho biết: “Ở trường, ngoài tìm hiểu văn hóa các dân tộc, chúng em được thầy cô hướng dẫn thành lập nhóm “Em yêu tiếng Mường” và tự học nói, trao đổi với nhau qua bản “Từ điển Mường-Việt” để học lẫn nhau. Cuối tuần về nhà cha mẹ hướng dẫn và nhắc nhở xuống trường tranh thủ thời gian tự học và nói tiếng dân tộc mình với bạn bè cùng bản. Trước đây nghe ông bà nói tiếng mình thấy xấu hổ nhưng giờ thấy tự hào vì mình, dân tộc mình còn có một tiếng nói riêng”.
“Mới gần 2 năm bước vào khôi phục lại tiếng Mường, số người Mường đã nói được tiếng thông dụng trong gia đình tăng rõ rệt, đặc biệt là các em tuổi học trò. Bà con dân bản khi được động viên, khơi dậy lòng tự hào dân tộc đã hưởng ứng mạnh mẽ. Các vị còn nói được tiếng Mường đã hướng dẫn cho những gia đình khác để cùng học nói, truyền dạy tại nhà. Đặc biệt là ông Tuyền, trưởng bản rất tâm huyết lăn lộn vận động bà con truyền dạy, chủ trì làm bản phiên âm, đến việc mở lớp để dạy cho các lứa tuổi; xin hỗ trợ chăn ấm, quần áo cho những hộ gia đình khó khăn. Chúng tôi sẽ đồng hành hành và phải có trách nhiệm giúp các thế hệ con cháu giữ được tiếng nói của mình, để không hổ thẹn với tổ tiên”, ông Phan Hồng Lý, Chủ tịch Hội đồng già bản bộc bạch khi nói về việc khôi phục và truyền dạy tiếng Mường tại bản Lòi Sim.
Ông Trưởng bản thổ lộ tâm huyết: “Tiếng nói của dân tộc mình thì bà con dân bản phải lo mà giữ lấy, người ngoài không ai làm thay được cả. Trước đây mình xem nhẹ việc này nên làm phai nhạt và mất dần tiếng mẹ đẻ, nay cần dốc lực cùng bà con, vận động con cháu hãy yêu quý và thường xuyên nói tiếng Mường trong sinh hoạt gia đình, cộng đồng thôn bản. Chúng tôi tiếp tục điều chỉnh bản phiên âm Mường-Việt bảo đảm trong sáng, ít bị lai tạp. Mong trời thương cho sức khỏe, cùng Hội đồng, cùng các vị cao niên, cùng mỗi gia đình truyền dạy, thổi lòng yêu thương tiếng Mường vào lớp trẻ để người Mường ở bản Lòi Sim vẫn có tiếng nói của mình. Tôi rất mong được các ban, ngành, các tổ chức, cá nhân chung tay hỗ trợ bà con khôi phục, truyền dạy và giữ gìn tiếng Mường tại bản Lòi Sim”.