Một thống kê mới đây cho thấy đa số thanh toán không dùng tiền mặt được thực hiện bởi người ở độ tuổi đi làm. Cụ thể, 80% thanh toán điện tử do người ở độ tuổi 18 - 34 thực hiện. Tuy vậy, nhóm người dùng lớn tuổi cũng bắt đầu sử dụng hình thức thanh toán không tiền mặt khi mua sắm trực tuyến.
Người dùng Việt tăng cường thanh toán điện tử ở mọi giới, mọi độ tuổi
Thứ năm, 01/10/2020 09:05
Số liệu cho thấy thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh ở nữ giới, đồng thời người lớn tuổi cũng tăng cường thanh toán kỹ thuật số.
Nền tảng của Shopee ghi nhận số lượng giao dịch qua ví AirPay của người dùng trên 50 tuổi tăng 15%. Người dùng lớn tuổi thường khó thích nghi với hình thức thanh toán số hóa, chính vì vậy xu hướng phổ biến này chứng tỏ ưu điểm về tính tiện lợi, dễ sử dụng của ví điện tử.
Không chỉ vậy, thống kê cũng cho thấy tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt của nữ giới tăng mạnh trên Shopee. Trong năm qua, tốc độ tăng trưởng trong việc áp dụng thanh toán không tiền mặt ở người dùng nữ giới cao hơn 30% so với nam giới.
Xu hướng thanh toán phi tiền mặt tăng mạnh do tác động của Covid-19. Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam cho biết, trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội, người dùng tăng cường sử dụng các hình thức thanh toán số bởi tính tiện ích và an toàn.
Số liệu chỉ ra rằng, Hà Nội, Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế là các thành phố có tỷ lệ người dùng sử dụng thanh toán không tiền mặt cao nhất, do các thành phố lớn thường có khả năng kết nối tốt hơn và cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin phát triển hơn so với khu vực khác. Người dân sinh sống tại các thành phố lớn cũng có nhiều cơ hội tiếp cận với điện thoại thông minh hơn, qua đó nhanh chóng áp dụng các hình thức thanh toán không tiền mặt.
Một nghiên cứu công bố hồi tháng 5 của Visa cũng chứng minh rằng người Việt đang giảm thanh toán bằng tiền mặt. Theo đó, khảo sát thái độ thanh toán của người tiêu dùng do Visa thực hiện cho thấy 74% người tiêu dùng tại Việt Nam kỳ vọng sẽ tăng cường thanh toán không tiền mặt trong 12 tháng tới.
Số liệu từ mạng lưới xử lý thanh toán của Visa cho hay, tổng giá trị giao dịch của người tiêu dùng Việt Nam bằng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ Visa tăng 39% và tổng số giao dịch tăng 54% so với năm trước.
Sáu tháng đầu năm 2020, tổng số lượng và tổng giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống NAPAS tăng lần lượt 138% và 140,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lý do người Việt tăng cường dùng thẻ thanh toán và ví điện tử là do tính dễ sử dụng, nhanh chóng và thuận tiện. Có 70% người tham gia khảo sát cho biết sử dụng thanh toán di động ít nhất một lần một tuần, trong đó 21% sử dụng mỗi ngày, theo khảo sát của Chimigo.
Bên cạnh các yếu tố tiện lợi về mặt công nghệ, chỉ đạo thúc đẩy tăng cường thanh toán không tiền mặt của Chính phủ cũng là một động lực của xu hướng này.
Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ nêu rõ 7 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020, trong đó có việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Theo đó, yêu cầu các cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện, công ty điện lực, các công ty viễn thông,... cung cấp những giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân, khách hàng.
Đến nay, rất nhiều tỉnh thành và các dịch vụ công đã có giải pháp thanh toán điện tử cho người dân.
Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) hồi cuối tháng 5 cho biết, khoảng 50 ngân hàng đã kết nối thanh toán điện tử với hải quan, thuế tính đến cuối năm 2019. Hơn 95% số thu của hải quan và 90% tiền điện được đóng qua ngân hàng. Tại một số bệnh viện, lượng giao dịch viện phí phi tiền mặt đạt đến 35%.