Người dân Yên Bái được cung cấp miễn phí chữ ký số từ xa

Thứ bảy, 20/05/2023 21:11

Sau lễ ký hợp tác cung cấp miễn phí chữ ký số cho người dân tỉnh Yên Bái, các CA công cộng sẽ triển khai cấp phát chữ ký số cá nhân cho người dân trên địa bàn, giúp họ thuận tiện trong giao dịch trực tuyến.

2023506-m05.jpg 

Ảnh minh họa

Ngày 18/5, tại Nghĩa Lộ, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC), Bộ TT&TT phối hợp với Sở TT&TT tỉnh Yên Bái tổ chức hội nghị “Tuyên truyền về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số năm 2023”.

Đây là sự kiện được NEAC tổ chức định kỳ nhằm góp phần đẩy mạnh sử dụng chữ ký số trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đồng thời tuyên truyền cho người dân và toàn xã hội hiểu rõ hơn về lợi ích và cách thức sử dụng chữ ký số để có thể tự tin tham gia vào nền kinh tế số, xã hội số.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Đặng Đình Trường, Phó Giám đốc NEAC cho biết, một nhiệm vụ quan trọng và rất thiết thực đã được Chính phủ giao Bộ TT&TT là thúc đẩy người dân sử dụng dịch vụ chữ ký số để thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. 

Hiện nay, cùng với sự phát triển như vũ bão của Internet và công cuộc chuyển đổi số diễn ra ở khắp nơi, giao dịch điện tử đã và đang phát triển mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội. 

“Việc triển khai áp dụng chữ ký số rộng rãi sẽ gia tăng sự tin tưởng của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức khi thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của các dịch vụ công do Chính phủ cung cấp tới người dân, doanh nghiệp”, ông Đặng Đình Trường nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Phó Giám đốc Sở TT&TT Yên Bái Nguyễn Thúc Mạnh khẳng định, trong bối cảnh cách mạng 4.0, chuyển đổi số, chữ ký số giữ vai trò rất quan trọng trong việc phục vụ tổ chức, cá nhân bao gồm cả bộ máy nhà nước cũng như doanh nghiệp và người dân giao dịch trên môi trường mạng. 

Tầm quan trọng của chữ ký số, theo ông Nguyễn Thúc Mạnh, có thể thấy qua các khía cạnh như: Xác minh tính toàn vẹn, độ tin cậy của các giao dịch trực tuyến như ngân hàng trực tuyến, mua sắm online, hay ký kết hợp đồng trực tuyến.

Cùng với đó, chữ ký số cũng đảm bảo xác định rõ nguồn gốc, bảo vệ tính toàn vẹn của tài liệu điện tử, email, văn bản, hợp đồng và các báo cáo trong quá trình giao dịch trên môi trường mạng; xác định được danh tính cá nhân, tổ chức trong các hoạt động giao dịch trực tuyến; đồng thời cho phép người dùng chứng thực và phê duyệt các tài liệu điện tử, giúp tăng tính chính xác và độ tin cậy trong quá trình giao dịch.

 Đại diện Sở TT&TT Yên Bái cũng cho biết, tỉnh đã sử dụng chữ ký số trong việc lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền từ khá sớm. Đến nay, người đứng đầu và cấp phó các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã được cấp chữ ký số chuyên dùng để ký, phát hành văn bản điện tử, và điều hành công việc trên địa bàn. Số lượng công chức được cấp chữ ký số cũng ngày càng tăng hơn. 

Thời gian qua, UBND tỉnh Yên Bái đã có những chỉ đạo về phát triển chữ ký số công cộng phục vụ cá nhân, doanh nghiệp để phát triển công dân số, xã hội số. Mặc dù đã có các giải pháp tuyên truyền, vận động và hướng dẫn, song hiện tỷ lệ tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước được cấp và sử dụng chữ ký số còn thấp, chưa đến 2%. 

Theo thống kê, hiện 100% doanh nghiệp Việt Nam đã sử dụng chữ ký số chủ yếu trong các dịch vụ như kê khai thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội… Trong khi đó, tỷ lệ người dân sử dụng chữ ký số còn rất khiêm tốn. Tính đến tháng 5/2023, trên toàn quốc, số lượng chứng thư số đang hoạt động là hơn 2 triệu, tăng trên 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Song trong đó, có gần 1,6 triệu chứng thư số của cơ quan, tổ chức và chỉ có 483.675 chứng thư số cá nhân đang hoạt động. 

Một số nguyên nhân chính dẫn đến số lượng sử dụng chữ ký số cá nhân còn thấp, theo phân tích của các diễn giả tham gia hội nghị, có thể kể đến như người dân, doanh nghiệp chưa biết lợi ích, cách thức sử dụng chữ ký số hoặc đã biết nhưng vẫn còn e ngại khi sử dụng, quy định về áp dụng chữ ký số chưa phủ rộng đến khắp các loại hình giao dịch điện tử... 

Các chuyên gia cũng thống nhất rằng, sự ra đời của giải pháp ký số từ xa chính là điều kiện thuận lợi cho mục tiêu phổ biến chữ ký số đến từng người dân, doanh nghiệp, góp phần đảm bảo tính xác thực, an toàn và minh bạch khi người dân tham gia vào các dịch vụ số. 

Vì thế, trong khuôn khổ hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở TT&TT tỉnh Yên Bái cùng đại diện Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam và 7 nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác cung cấp miễn phí chữ ký số cho người dân tỉnh Yên Bái.

Cùng với đó, tỉnh Yên Bái cũng chính thức công bố việc hoàn thành tích hợp dịch vụ chứng thực chữ ký số theo mô hình ký số từ xa vào cổng dịch vụ công của tỉnh. Việc này sẽ góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tại Yên Bái khi sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.

Trao đổi tại hội nghị, Phó Giám đốc NEAC Phạm Quốc Hoàn khuyến nghị, khi triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình (cấp độ 4), tiếp nhận tài liệu điện tử ký số của người dân, doanh nghiệp, các đơn vị cung cấp dịch vụ trực tuyến cần tuân thủ quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật về chữ ký số để đảm bảo tính pháp lý hồ sơ điện tử của người dân, doanh nghiệp. 

Vân Anh (vietnamnet.vn)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top