Chọn người tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất
Ðại hội đảng bộ nào cũng vậy, trong bốn nội dung theo yêu cầu, thì công tác nhân sự cấp ủy bao giờ cũng được quan tâm nhất. Câu hỏi, nhiệm kỳ tới những ai vào cấp ủy, ai làm bí thư, đặt ra trước đại hội cả năm trời không chỉ đối với cấp ủy đương nhiệm, cấp ủy cấp trên mà cả với cán bộ, đảng viên và nhân dân. Sự quan tâm ấy hoàn toàn có lý, bởi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội có thể điều chỉnh nếu trong quá trình thực hiện có biến động mà không thể lường trước được. Nếu bầu "nhầm" một vài người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, sẽ ảnh hưởng đến uy tín, năng lực của cấp ủy và niềm tin của nhân dân, song không dễ thay giữa chừng.
Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Ðất nước đang trên đường đổi mới, thời cơ, vận hội có nhiều, nhưng thách thức cũng không nhỏ, nhất là việc thích ứng với xu thế toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, v.v.. Thực tế đó đòi hỏi, cấp ủy nhiệm kỳ tới phải thật sự là những cán bộ "tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, uy tín, thật sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới,…" như Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Ðại hội XIII của Ðảng đã nêu.
Ðể lựa chọn được người tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, cần có cách nhìn mới, để đánh giá toàn diện hơn, phù hợp xu thế phát triển chung và điều kiện cụ thể của đất nước, của từng đảng bộ. Người tham gia cấp ủy không chỉ nắm vững chủ trương, đường lối đổi mới, các nguyên tắc hoạt động của Ðảng mà còn phải có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng thời kỳ mở cửa, hội nhập quốc tế và phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ. Cấp ủy viên phải là người vừa mẫu mực về phẩm chất đạo đức, lối sống, vừa có năng lực cụ thể hóa và lãnh đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Ðảng và Nhà nước; đồng thời là hạt nhân đoàn kết, quy tụ toàn đảng bộ. Cấp ủy phải là bộ não, là niềm tin, làm động lực cho đảng bộ trong quá trình hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của đại hội đề ra.
Xuất phát từ thực tiễn, yêu cầu mới đối với mỗi cấp ủy viên cao hơn, như phải có năng lực phân tích tổng hợp với tầm nhìn chiến lược, có tư duy đổi mới, dám đột phá, có khả năng phát hiện, giải quyết những mâu thuẫn, thách thức mới,... Trước những hạn chế yếu kém, dám nhìn thẳng vào sự thật để tìm ra nguyên nhân, phát hiện sai ở khâu nào thì tập trung giải quyết ở khâu đó. Cấp ủy viên phải là người dám đấu tranh với những hành vi vụ lợi cá nhân, lợi ích nhóm, dám can ngăn việc làm sai trái, bất kể người đó là ai. Ðây là bài học quý rút ra từ số vụ việc, vụ án mà hơn 90 cán bộ diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật từ đầu nhiệm kỳ Ðại hội XII đến nay. Nếu tập thể cấp ủy ở đó dám đấu tranh, mạnh dạn chỉ ra những cái sai của người đứng đầu thì tin rằng hậu quả không thể như vậy.
Loại bỏ người tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền
Ðây là yêu cầu mà đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc nhở; là kỳ vọng của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Qua xử lý các vụ việc gần đây, cho thấy, vẫn còn một số trường hợp lọt vào cấp ủy, kể cả ở Trung ương, nhưng sau đó mới phát hiện nhiều sai phạm, yếu kém, có khi xảy ra từ trước. Vì lạm dụng quyền lực, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thậm chí làm ẩu, bất chấp, dẫn đến những sai phạm trong quản lý kinh tế, thực hiện dự án, trong bổ nhiệm cán bộ, gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra ở nhiều cơ quan, địa phương và đơn vị của các lực lượng vũ trang.
Ðể loại bỏ người tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, thiết nghĩ trước hết cần đổi mới mạnh mẽ khâu đánh giá cán bộ, nhất là trong quá trình làm nhân sự cấp ủy; đánh giá cần căn cứ vào nhiều kênh thông tin, thông qua kết quả công tác, đặc biệt là xác định rõ động cơ, làm việc vì mục đích chung hay chỉ để mưu lợi cá nhân. Không thể chấp nhận những người cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh. Thực tế có trường hợp, khi được giới thiệu để bầu vào cấp ủy thì nói và làm chỉn chu, hăng hái, nhưng không trúng cử thì bất mãn, nói khác, làm khác. Cứ đến thời điểm chuẩn bị đại hội, có cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, có khi cả người đứng đầu cấp ủy còn đủ điều kiện tái cử, thường "giữ mình", né tránh, ngại va chạm, để lấy phiếu bầu; không chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận; thiếu quyết đoán trong lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là đối với những việc khó, nhạy cảm, phức tạp vì sợ "mất phiếu". Ðó là biểu hiện của cơ hội, nếu phát hiện ra, cần loại khỏi danh sách ngay từ khi làm quy trình giới thiệu nhân sự cấp ủy.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói, chúng ta không thiếu cán bộ có trình độ, tâm huyết, trách nhiệm với Ðảng, với dân. Nhưng để lựa chọn những người xứng đáng vào cấp ủy tuyệt đối không được đơn giản; nếu rà soát kỹ, làm thận trọng từng bước chắn chắn, công tâm, khách quan, khoa học, chắt lọc thông tin nhiều chiều thì không khó để "chọn mặt gửi vàng". Cấp ủy, cơ quan tham mưu về công tác cán bộ tập hợp được thông tin đầy đủ, toàn diện, chính xác, khách quan về nhân sự, như kết quả quá trình công tác, nhất là trong xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, thực hiện trách nhiệm nêu gương, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nắm chắc dư luận của cơ quan, đơn vị, địa phương mà cán bộ đó công tác, cư trú,… sẽ là cơ sở tốt nhất cho đại hội dân chủ thảo luận, lựa chọn và quyết định.
Công tác nhân sự bao giờ cũng là việc khó và nhạy cảm. Vì thế, rất cần sự tiến hành đồng bộ, chặt chẽ giữa các cấp, các cơ quan có thẩm quyền; cấp ủy cấp trên thường xuyên chỉ đạo sát sao; cấp ủy đương nhiệm làm hết trách nhiệm và phát huy tốt vai trò của người đứng đầu; các cơ quan tham mưu làm đúng chức năng, không lệ thuộc hay bị bất kỳ ai chi phối thì tin rằng sẽ chọn được những người tiêu biểu về đức, tài vào cấp ủy khóa mới.