Ngược dòng số phận trên đôi chân tật nguyền

Thứ ba, 05/04/2022 11:11

Cuộc sống luôn công bằng. Hay nói một cách dân dã khác là ông trời lấy đi của ai đó cái này sẽ bù lại cho họ cái khác. Trường hợp của Tiến sĩ Đỗ Tấn Khang, Trưởng Bộ môn Công nghệ sinh học phân tử, Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ sinh học, Trường Đại học Cần Thơ là một điển hình. 3 tuổi, cơn sốt quái ác đã cướp đi đôi chân vốn lành lặn của cậu bé Khang, nhưng bù lại, tạo hóa đã cho Khang một trí óc thông minh và cuộc sống cơ cực, tình thương yêu, đùm bọc của người thân, bạn bè cho Khang một ý chí, nghị lực phi thường để lội ngược dòng số phận trên chính đôi chân tật nguyền ấy.

2.jpg

Tiến sĩ Đỗ Tấn Khang hướng dẫn cho các em sinh viên tại Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ sinh học, Trường Đại học Cần Thơ.

Vượt lên hoàn cảnh

Tôi đến tìm gặp thầy Khang tại Bộ môn Công nghệ sinh học phân tử, các giảng viên ở đây bảo thầy đang dạy, phải gần 20 phút nữa mới xong. Tôi hỏi thăm và đi bộ đến giảng đường phần vì muốn trò chuyện với thầy mà không làm ảnh hưởng đến người khác, phần vì muốn tận mắt chứng kiến phong cách của một vị tiến sĩ từ lâu được các em sinh viên gọi là người "truyền lửa". Quả không sai với lời nhận xét ấy, phong thái, cử chỉ, giọng điệu, phương pháp giảng dạy của thầy Khang rất sinh động, cuốn hút khiến ngay cả tôi một người không am hiểu lắm về chuyên ngành sinh học cũng phải chăm chú lắng nghe.

Kết thúc giờ học, tôi mạnh dạn bước vào giảng đường và do đã hẹn từ trước nên thầy không ngạc nhiên mà ra đón tôi để tỏ lòng thân thiện.

“Thầy cứ ngồi đi ạ”, tôi nói.

Thầy cười và bảo: “Hơn nửa đời người đi bằng đôi chân này nên quen rồi em”.

Câu nói ngắn gọn, đơn giản nhưng khiến người nghe không khỏi xúc động.

Cũng từ đôi chân, thầy Khang bắt đầu kể cho tôi nghe về tuổi thơ thiếu may mắn từ khi còn là cậu bé sinh ra và lớn lên ở quê hương Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Năm lên 3 tuổi, thầy bị sốt, gia đình phải thuốc thang khắp nơi mới thoát được lưỡi hái của tử thần. Nhưng niềm vui chưa tày gang thì đôi chân nhỏ bé kia bỗng dưng bất động rồi teo dần đi. Cha mẹ thầy vô cùng đau xót nhưng đành bất lực vì không còn cách nào cứu chữa, chỉ còn biết dồn hết tình thương chăm sóc cho con.

Lớn thêm chút nữa, cậu bé Khang bắt đầu cảm thấy buồn chán khi không thể chạy nhảy, vui đùa như chúng bạn cùng trang lứa, việc gì cũng phải phụ thuộc vào người khác. Tuy còn là một đứa trẻ non nớt nhưng Khang không hề cáu bẳn hay la khóc mỗi khi nhu cầu chưa được đáp ứng, cậu bé lờ mờ nhận thức được rằng nếu không thay đổi cuộc sống hiện tại thì bản thân sẽ mãi là gánh nặng cho gia đình. Thế là Khang tìm cách tự phục vụ bản thân, rồi lần mò tập đi, những bước đi khó khăn, vất vả, đôi khi bị vấp ngã làm trầy trụa cả mặt mày. Nhưng nỗi đau về thể xác không khuất phục được ý chí của cậu bé khuyết tật luôn khao khát thay đổi cuộc sống.

Nhờ chăm chỉ luyện tập, Khang đi lại mỗi ngày một khá hơn rồi xin cha mẹ được đi học với quyết tâm tìm kiếm tương lai bằng con đường học vấn bởi cậu suy nghĩ sức khỏe không bằng người thì khó có thể dựa vào lao động chân tay. “Hồi mới đi học có nhiều kỷ niệm đáng nhớ lắm. Ngày đó, đường đi lại còn khó khăn đâu có bê tông hóa như bây giờ, cũng hiếm ai có xe đạp để xin đi nhờ, đám học sinh chúng tôi chủ yếu là đi bộ đến trường. Trời nắng thì đỡ, trời mưa đường sá lầy lội, trơn trượt rất khó đi.

Có hôm bước hụt bị té bẩn hết cả quần áo, sách vở mà không tự đứng dậy được nên chỉ biết ngồi khóc. Thương tôi vất vả, lại ham học nên cha mẹ, các chị và bạn bè bàn bạc thay phiên nhau cõng tôi đến lớp nhưng tôi không chịu, chỉ hôm nào mưa gió mới phiền đến mọi người. Mặc dù đi lại khó khăn như vậy nhưng tôi xin tự hào khoe với nữ nhà báo rằng tôi chưa bao giờ nghỉ học, ngoài những lúc đau ốm”, thầy Khang tâm sự.

Hành trình đến lớp của cậu học trò nhỏ tên Khang luôn gắn liền với bao nỗi nhọc nhằn. Thế nhưng bằng nghị lực phi thường, bản tính kiên trì, siêng năng và song hành là sự yêu thương, sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè, thầy cô giáo, Khang dần trưởng thành từ mái trường làng đến Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật tỉnh Bến Tre rồi Trường THPT Chợ Lách A. Hầu như năm nào Khang cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi trước sự khâm phục, ngưỡng mộ của nhiều người.

“Học hết lớp 9, cha tôi chẳng may bị bệnh nặng qua đời. Mất đi trụ cột, tôi là đứa con trai duy nhất lại tật nguyền, vậy nên mọi sự vất vả đề dồn hết lên đôi vai gầy guộc của mẹ và các chị. Nhưng những người phụ nữ ấy chưa bao giờ kêu than nửa lời, họ vẫn động viên tôi tiếp tục học và sẽ làm mọi việc để cho tôi bước xa hơn trên con đường học vấn”, thầy Khang nghẹn ngào.

Không phụ sự kỳ vọng của mọi người, Khang thi đỗ vào Trường đại học Cần Thơ chuyên ngành công nghệ sinh học. Để phụ giúp gia đình, ngoài thời gian lên giảng đường, Khang đi làm gia sư kiếm thêm thu nhập. Đến năm 2005, chàng sinh viên trẻ quê hương xứ dừa tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi, được Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ sinh học, Trường Đại học Cần Thơ giữ lại làm nghiên cứu viên, trợ giảng. Sau 5 năm nghiên cứu khoa học, Khang xin được học bổng thạc sĩ ở Úc và tiến sĩ ở Nhật rồi quay lại Trường Đại học Cần Thơ tiếp tục công tác nghiên cứu, giảng dạy.

“Tôi yêu thích và tự tin khi đứng trên bục giảng dù đôi chân không lành lặn. Tôi muốn được là người truyền cảm hứng, trao kiến thức để những sinh viên theo đuổi ngành công nghệ sinh học trưởng thành, sử dụng kiến thức đã học làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. Bài học đầu tiên tôi dạy cho sinh viên với nội dung gói gọn trong câu nói “Chúng ta phải biết chấp nhận số phận nhưng đừng bao giờ đầu hàng nó”, tiếp đến là vai trò, trách nhiệm, hướng đi của những người làm trong lĩnh vực công nghệ sinh học, sau đó là vào phần kiến thức chuyên ngành. Tôi nghĩ lấy cảm hứng làm nền tảng thì việc truyền thụ, tiếp thu kiến thức sẽ trở nên có hiệu quả hơn”, thầy Khang chia sẻ.

Bởi vậy, nhiều thế hệ sinh viên từng học thầy Khang đều xem thầy là hình mẫu để phấn đấu. “Bác Hồ đã từng nói “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, thầy Khang chính là tấm gương sống, là người truyền cảm hứng để chúng em, nhất là những bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn luôn nỗ lực, phấn đấu, vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập, rèn luyện.

Đặc biệt, phương pháp giảng dạy của thầy luôn tạo được không khí vui vẻ, lôi cuốn người học, ai chưa hiểu thầy sẽ giảng lại hoặc có thể gặp riêng nhờ thầy chỉ bảo thêm. Ngoài ra, thầy còn tận tình dạy dỗ chúng em những điều hay, lẽ phải trong cuộc sống giúp chúng em trưởng thành hơn cả về nhận thức lẫn hành động”, sinh viên Hoàng Thùy An, ngành công nghệ sinh học cho biết thêm.

Nhiều công trình nghiên cứu ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp

Không chỉ dốc hết tâm huyết cho sự nghiệp trồng người, thầy Đỗ Tấn Khang còn tích cực nghiên cứu khoa học phục vụ trong sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Nổi bật có hai đề tài cấp bộ là “Sưu tập, đánh giá và bảo tồn nguồn gen lúa kháng rầy nhằm phục vụ công tác lai tạo” và “Lưu giữ, đánh giá nguồn gen lúa kháng phèn, mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long”.

Ngoài ra, thầy còn đạt được nhiều thành tích khác như: Giải nhì Cuộc thi viết về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Trung ương Đoàn tổ chức năm 2012; Giải ba Tài năng khoa học trẻ Việt Nam năm 2014; Năm 2014, đoạt huy chương đồng Giải bóng bàn quốc gia... và có 40 bài báo được công bố trong nước và hơn 30 bài báo trên tạp chí quốc tế; tham gia viết 1 quyển giáo trình, 3 quyển sách phục vụ giảng dạy. “Trước đây tôi luôn mặc cảm vì những khiếm khuyết của mình. Nhưng chính câu nói của cô Nguyễn Thị Điệp, nguyên Hiệu trưởng Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật tỉnh Bến Tre “Đôi chân khiếm khuyết, đừng để khiếm khuyết cái đầu” rồi sự giúp đỡ tận tình của gia đình, bạn bè và về sau là thầy Trần Minh Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ sinh học, Trường Đại học Cần Thơ, tôi ngày càng tự tin hơn. Tôi có đủ sự tự tin để phấn đấu cho những hoài bão mà trước đây là quá xa vời với mình. Ngoài ra, tôi cũng tự tin đứng trước đám đông thể hiện khả năng ca hát, tham gia các hoạt động thể thao như: Bóng bàn, bơi lội...”, thầy Khang bộc bạch.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó, luôn nhận được sự giúp đỡ từ mọi người nên ngoài tâm huyết với công việc, thầy Khang cũng dành sự quan tâm nhất định đến mọi người xung quanh, đặc biệt là những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Không chỉ tạo điều kiện thuận lợi trong học tập, thầy còn thường xuyên đứng ra vận động mọi người ủng hộ, giúp đỡ nhằm chia sẻ phần nào với gia đình các em. “Thầy Khang là người dạy tôi, hướng dẫn tôi làm luận văn tốt nghiệp đại học, đề xuất giữ tôi lại trường và trực tiếp giúp đỡ tôi trong quá trình học thạc sĩ. Trong quá trình học, ba tôi bệnh nặng, tinh thần tôi khi đó cũng phần nào suy sụp. Chính thầy Khang đã động viên tôi và đứng ra vận động mọi người ủng hộ tiền để giúp gia đình tôi vượt qua được cơn hoạn nạn”, nghiên cứu viên Trần Gia Huy chia sẻ.

Không đầu hàng số phận, phương châm sống ấy đã đưa cậu bé tật nguyền Đỗ Tấn Khang trở thành một tiến sĩ khoa học, một giảng viên xuất sắc của Trường Đại học Cần Thơ danh tiếng. Có lẽ đó là tố chất của con người trên quê hương Đồng Khởi, giống như cây dừa tuy thân gầy guộc, mong manh nhưng cứ sừng sững, hiên ngang giữa đất trời, dông bão. Cuộc đời là một hành trình đầy thử thách, khó khăn sẽ còn nhiều ở phía trước nhưng đôi chân khập khiễng ấy vẫn âm thầm, lặng lẽ bước đi đều đặn trên những giảng đường để "truyền lửa", rèn giũa cho những đôi chân lành thêm vững chắc, tự tin bước vào đời xây dựng và phát triển sự nghiệp trong tương lai.

 

Theo: qdnd.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top