Ngư dân với lời thề bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Thứ tư, 23/06/2021 10:57

Nhiều năm qua, tinh thần đoàn kết đã gắn kết bền chặt những làng biển trên dải đất Quảng Bình. Sức mạnh của ngư dân càng được nhân lên gấp bội, bởi tinh thần và ý chí của những tổ tàu thuyền đoàn kết trên biển, nhờ đó mà ngư dân tự tin hơn trong mỗi chuyến ra khơi. Trên các ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa không chỉ là hành trình khai thác, đánh bắt hải sản, mà còn là hành trình của ý chí kiên cường...

10a.png

Cán bộ BĐBP Quảng Bình tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân tại địa phương. Ảnh: Đức Trí

Sức mạnh của sự đoàn kết

Những ngày này, xe của đơn vị đưa chúng tôi đi dọc các làng biển từ Ngư Thủy, Lệ Thủy đến Cảnh Dương (Quảng Trạch, Quảng Bình), hàng trăm tàu thuyền đánh cá lớn nhỏ của ngư dân nằm sát bên nhau. Đây là khoảng thời gian ngư dân trở về nghỉ ngơi sau những chuyến biển lênh đênh dài ngày, dưỡng sức cho một hành trình mới. Màu đỏ của những con tàu hòa cùng màu cờ Tổ quốc rực sáng cả một vùng quê sơn thủy hữu tình. Trước đây, mỗi tàu cá khi ra khơi đánh bắt thường đi riêng lẻ nên gặp nhiều sự cố, nhưng từ khi các tổ tàu thuyền đoàn kết trên biển được thành lập, ngư dân trở nên gắn kết, yên tâm bám biển, bám ngư trường hơn.

Với kinh nghiệm và sự dạn dày trong những năm gắn bó với nghề đi biển, ông Lê Ngọc Tình, ở xã Cảnh Dương được mọi người tin tưởng chọn làm Tổ trưởng Tổ tàu thuyền đoàn kết số 2. Ông Tình chia sẻ: “Mỗi chuyến ra khơi, 15 tàu thuộc tổ của tôi đều đồng hành, sát cánh, mỗi tàu cách nhau khoảng 2 hải lý. Vừa rồi, khi đang đánh bắt cách bờ 50 hải lý thì một tàu cá trong tổ bị hỏng máy. Nhận được yêu cầu cứu trợ, tàu của tôi đã kịp thời đến hỗ trợ tàu bạn. Chúng tôi đã lai dắt tàu bạn hơn 10 ngày trên biển với tinh thần đoàn kết, hoạn nạn có nhau để tiếp tục đánh bắt. Mặc dù chuyến biển đó, sản lượng giảm nhiều do vừa lai dắt, vừa khai thác, nhưng chúng tôi vẫn vui vì đã hỗ trợ được nhau lúc khó khăn nhất”.

Theo ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình, hiện nay, địa phương này có 6.792 tàu thuyền đánh bắt, trong đó có 1.207 tàu đánh bắt xa bờ. Để tăng hiệu quả khai thác hải sản, tỉnh đã khuyến khích ngư dân thành lập các tổ tàu thuyền đoàn kết trên biển. Đến nay, toàn tỉnh Quảng Bình đã có gần 100 tổ với trên 1.000 tàu, công suất 400CV trở lên, chủ yếu khai thác ở vùng biển truyền thống Trường Sa, Hoàng Sa. Nhờ sự ra đời của các tổ này nên ngư dân ngày càng gắn kết để khai thác nguồn lợi hải sản và chung tay bảo vệ chủ quyền biển, đảo của quê hương.


Mặt khác, khi tìm được ngư trường đánh bắt dồi dào, các tàu đều chia sẻ thông tin để các tàu bạn cùng đến khai thác.

Mỗi tổ tàu thuyền đoàn kết được thành lập dựa trên sự gắn kết trong sinh hoạt hằng ngày giữa thành viên các tàu. Chính vì vậy, sau khi thành lập tổ, họ càng trở nên thân thiết và đoàn kết lúc ra khơi. Và khi vào bờ, sự đoàn kết tương thân đó cũng được các thành viên duy trì, gìn giữ.

10b.png

Cán bộ Đồn Biên phòng Roòn tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân ở xã Cảnh Dương. Ảnh: Đức Trí

Trở về sau chuyến đánh bắt dài ngày trên biển, ông Lê Xuân Hợp, Tổ trưởng Tổ tàu thuyền đoàn kết số 10, ở xã Cảnh Dương cho hay: “Đánh bắt xa bờ mà không có tàu bạn đồng hành thì ngư dân sẽ đơn độc, dễ xảy ra rủi ro. Cách đây 5 năm, chúng tôi gồm 18 tàu đã quyết định thành lập tổ tàu thuyền đoàn kết để đánh bắt.

Cùng với việc hỗ trợ, giúp đỡ nhau lúc tàu chết máy, gãy chân vịt, va chìm, cứu nạn khi bị mắc cạn ở cửa lạch hoặc tìm ngư trường đánh bắt thì chúng tôi còn thành lập quỹ chung để giúp đỡ các chủ tàu có hoàn cảnh khó khăn. Nếu trường hợp nào muốn vay vốn để mua ngư lưới cụ thì tổ sẵn sàng cho vay không tính lãi suất. Ngoài ra, tổ chúng tôi còn phối hợp với BĐBP thường xuyên tuyên truyền về quy chế khu vực biên giới biển và các văn bản pháp luật liên quan để giúp các thành viên nắm bắt và thực hiện tốt các quy định trong quá trình khai thác hải sản”.

Quyết tâm gìn giữ biển, đảo quê hương

Trong các chuyến ra khơi, mỗi ngư dân đều hiểu rằng, nghề đi biển không chỉ là sinh kế nuôi sống bản thân, gia đình, mà còn có ý nghĩa chung tay bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Chính vì vậy, ngoài chuẩn bị lương thực, ngư cụ đánh bắt, mỗi ngư dân còn "trang bị" cho mình cả sự dũng cảm, gan lì để ứng phó với những tình huống nguy hiểm, đe dọa từ tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam.

Ra khơi từ khi còn là một thanh niên mười chín, đôi mươi, đến nay, ngót nghét hơn 30 năm ông Lê Ngọc Tình gắn bó với biển. Chính vì thế, đối với ông, biển đã trở thành quê hương thứ hai và trở nên gần gũi, thiêng liêng... Mỗi chuyến ra khơi không còn là hành trình đánh bắt hải sản, mà đó còn là hành trình để bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển, đảo quê hương.

Trong 5 năm thực hiện Nghị định 01 của Thủ tướng Chính phủ, BĐBP Quảng Bình đã tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được 2.516 buổi với 388.204 lượt người nghe, cấp phát 37.400 tờ rơi các loại, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân trên địa bàn tham gia hơn 60.000 bài dự thi tìm hiểu về biên giới, hải đảo. BĐBP Quảng Bình cũng đã phối hợp tổ chức hàng chục buổi sinh hoạt với khoảng 10.000 lượt người tham gia hoạt động truyền thông cộng đồng tại 6 xã khu vực biên giới biển.

Ông Tình kể: “Trước đây, không ít lần, đội tàu chúng tôi đang khai thác, đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam thì gặp các tàu nước ngoài hung hăng rượt đuổi, đe dọa. Chúng ngăn cản không cho chúng tôi đánh bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Nhưng chúng có hung hăng thế nào thì biển, đảo là của mình, quê hương của mình nên chúng tôi kiên quyết không rời!”.

Tình yêu với biển, đảo, với Tổ quốc đã trở thành động lực để sau mỗi chuyến lênh đênh trên biển dài ngày trở về lại thôi thúc ý chí những ngư dân tiếp tục rẽ sóng, giong buồm ra khơi. Cứ mỗi chuyến ra khơi, 15 tàu cá của ngư dân trong tổ của ông Lê Ngọc Tình đều sát cánh bên nhau. Nhờ vậy mà họ trở nên mạnh dạn, tự tin giữa biển cả bao la.

Sau nhiều năm bám biển, thành công của tổ tàu thuyền đoàn kết cũng đã được ghi nhận. Giới thiệu về Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình trao tặng trong thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, giai đoạn 2015-2020, ông Lê Ngọc Tình tự hào chia sẻ: “Đây là thành quả của những chuyến ra khơi và cũng là sự động viên tinh thần vô cùng lớn để ngư dân chúng tôi dù gặp bất cứ khó khăn nào cũng quyết tâm bám biển, bởi đó không chỉ là nhà, là nơi mưu sinh, mà là máu thịt của Tổ quốc thiêng liêng”.



 

https://www.bienphong.com.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top