Tại hội nghị này, đại diện các đơn vị quản lý, hiệp hội và các doanh nghiệp sẽ tập trung vào cập nhật các chính sách quy định liên quan đến việc xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, xây dựng và vận hành các hệ thống quản lý chất lượng.
Các đại biểu tham dự hội nghị cũng sẽ tham gia trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị, doanh nghiệp về các khó khăn, vướng mắc và đề xuất liên quan trong lĩnh vực TT&TT.
Bộ TT&TT muốn tập trung vào đối tượng là các đơn vị quản lý, đơn vị nghiên cứu, tổ chức chứng nhận, kiểm định và các tổ chức thử nghiệm trong lĩnh vực TT&TT. Điều này nhằm mục tiêu cùng hợp tác, thúc đẩy việc tăng năng suất, chất lượng của các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong lĩnh vực.
Theo thống kê của Vụ Khoa học và Công nghệ, hiện có tổng cộng 125 quy chuẩn và 176 tiêu chuẩn Việt Nam liên quan đến lĩnh vực TT&TT. Các đối tượng áp dụng những quy chuẩn, tiêu chuẩn này là các sản phẩm, thiết bị, mạng, hệ thống, dịch vụ và lĩnh vực an toàn thông tin...
Trong đó, nhiều nhất là các tiêu chuẩn và quy chuẩn với đối tượng tiêu chuẩn hóa là các sản phẩm, thiết bị trong lĩnh vực viễn thông và CNTT(85 quy chuẩn và 76 tiêu chuẩn).
Một trong những nhiệm vụ chính về công tác tiêu chuẩn hóa là tạo nền móng chuyển đổi số. Theo định hướng, tới đây Bộ TT&TT sẽ bổ sung thêm một số đối tượng tiêu chuẩn hóa mới, bao gồm một số công nghệ nền tảng (5G, IoT, dữ liệu lớn, điện toán đám mây...), tiêu chuẩn hóa nền tảng số và tiêu chuẩn an toàn thông tin mạng.
Trên cơ sở bối cảnh hiện nay, Vụ Khoa học và Công nghệ nhận định các công nghệ liên quan tới chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ có xu hướng phát triển nhanh. Vai trò của các doanh nghiệp công nghệ số sẽ ngày càng được chú trọng. Các sản phẩm nội địa hóa cũng được chú trọng phát triển.
Hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng sẽ gắn chặt với các định hướng của Chính phủ và Bộ TT&TT trong việc đưa hạ tầng viễn thông số dịch chuyển thành hạ tầng số, thúc đẩy chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số, sáng tạo, đổi mới công nghệ cho các sản phẩm thương hiệu Việt Nam cũng như đảm bảo các vấn đề về an toàn thông tin mạng.
Sự xuất hiện của các công nghệ mới như 5G, IoT, dữ liệu lớn... cũng đặt ra các vấn đề cần nghiên cứu về các tiêu chuẩn, quy chuẩn mới.
Định hướng quản lý của Bộ TT&TT là củng cố hoạt động của các tổ chức đánh giá sự phù hợp, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu phát triển và sản xuất các sản phẩm, trang thiết bị lĩnh vực TT&TT.
Để làm điều này, có nhiều nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra, trong đó có việc nghiên cứu xây dựng phòng thí nghiệm/thử nghiệm trọng điểm, chuyên ngành theo định hướng chung của Nhà nước.
Đồng thời, Bộ TT&TT sẽ nghiên cứu, mở rộng và khai thác năng lực của các tổ chức, đánh giá sự phù hợp nước ngoài theo các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau để phục vụ xuất nhập khẩu các sản phẩm, hàng hóa nhằm giảm chi phí, tiết kiệm thời gian.