“Nghiên cứu ứng dụng nền tảng công nghệ truyền thông thế hệ thứ tư để phát triển các mô hình dịch vụ thông tin thiết yếu phục vụ cộng đồng dân cư” tại địa phương.

Chủ nhật, 20/06/2021 12:15

Từ trước đến nay, báo chí chính thống luôn đóng vai trò là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và là diễn đàn của Nhân dân. Báo chí góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước. Là nhân tố, là phương tiện có sức mạnh đặc biệt to lớn trong việc định hướng nhận thức, hình thành dư luận xã hội. Trong kỷ nguyên số, báo chí, phát thanh, truyền hình là những công cụ quan trọng được sử dụng để thực hiện chức năng tuyên truyền, giáo dục, kết nối, sẻ chia thông tin, quan điểm, tư tưởng, … trên đa dạng nền tảng phân phối, không chỉ các kênh phân phối truyền thống (báo giấy, báo điện tử, phát thanh truyền hình quảng bá), mà còn trên Internet, mạng xã hội, và đa dạng các phương tiện truyền thông liên lạc khác (SMS, Zalo, Viber, Whatsapp ...).

Ngoài những tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, sự thịnh vượng, tiến bộ chung của nhân loại thì sự phát triển mạnh mẽ của internet và các loại hình truyền thông mới với xu hướng hội tụ số đã ảnh hưởng trực tiếp, nhiều mặt và ngày càng phức tạp đến hoạt động báo chí truyền thông trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. 

Sự tham gia của mạng xã hội, ngoài mặt tích cực là giúp công chúng có thể dễ dàng tiếp cận và chia sẻ thông tin một cách hiệu quả, với tốc độ nhanh chóng, nội dung phong phú đa dạng, thì phần lớn lượng thông tin hiện nay trên các trang mạng xã hội mà công chúng đang “bội thực” là lượng thông tin giả “fake news”, không được kiểm chứng hay kiểm soát. Tin giả xuyên tạc có ở tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... Đặc biệt, những thông tin này thường xuất hiện nhiều khi có những sự kiện chính trị, xã hội quan trọng như Đại hội đảng, bầu cử, họp Quốc hội, ban hành các chính sách, luật pháp mới, hay các hiện tượng "nóng", hoặc gây tranh cãi trong đời sống hiện thực như thông tin về thiên tai, dịch bệnh, các vụ việc vi phạm pháp luật,... Hiện tượng gia tăng tin tức sai sự thật, thiếu sự kiểm định, là nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp dẫn tới sự lệch lạc trong suy nghĩ của bộ phận không nhỏ công chúng về các vấn đề kinh tế - chính trị - xã hội của Việt Nam, từ đó sẽ dẫn tới xuất hiện các nguy cơ đối với vấn đề an ninh, chính trị, xã hội và ảnh hưởng tiêu cực tới cộng đồng.

Thời đại Cách mạng công nghệ 4.0 với sự phát triển của các công nghệ mới đã có những tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực báo chí truyền thông, sinh ra nhiều kênh thông tin mới bên cạnh báo chí truyền thống và thay đổi phương thức tiếp nhận thông tin của công chúng. 

Công chúng hiện nay chủ yếu xem thông tin qua các thiết bị di động và thường thích các tin ngắn cô đọng, súc tích, nhiều hình ảnh, video sinh động hơn là các bài viết nhiều chữ. Họ không có nhiều thời gian để đọc các bài viết dài trừ khi đó thực sự là một vấn đề đáng quan tâm. Nhu cầu của công chúng là khai thác được thông tin theo nhiều chiều, với nhiều cách thức linh hoạt, phù hợp với cách tiếp cận thông tin của từng cá nhân. Do đó, báo chí, phát thanh, truyền hình bắt buộc phải thay đổi nếu muốn tiếp tục tồn tại và phát triển trong bối cảnh hiện nay. Sự thay đổi này bao gồm từ việc thay đổi tư duy làm báo, cách thức quản lý (ở tầm quốc gia cũng như các bộ, ngành, địa phương) đến việc nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất và phân phối các nội dung truyền thông, … quá trình này gọi chung là chuyển đổi số.

Bản chất của chuyển đổi số là sự thay đổi toàn diện và đồng bộ về mô hình, chuỗi giá trị và cách thức tổ chức quá trình truyền thông, với sự hỗ trợ của nhiều công nghệ như phân tích xử lý dữ liệu lớn (bigdata), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, internet vạn vật (IoT)… Đây là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay. Trong bối cảnh đó, các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đều đang đứng trước cả thời cơ và thách thức: hoặc tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để bứt phá, vượt lên hoặc tụt hậu, bị bỏ lại ngày càng xa nếu không kịp thời nắm bắt và triển khai quá trình chuyển đổi số và báo chí truyền thông cũng không là ngoại lệ. Chuyển đổi số tạo ra sự đổi mới căn bản, toàn diện các hoạt động của toàn xã hội, thâm nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống, của thói quen sống và làm việc của người dân (công chúng) và người dân là trung tâm của chuyển đổi số. 

Trong xu thế hội tụ công nghệ và dịch vụ hiện nay, xu hướng chung hoạt động của các cơ quan báo chí truyền thông trên thế giới là chuyển dần sang mô hình số hoá ở mức cao nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng đa dạng của công chúng, trong bối cảnh một thế giới kết nối. Một mô hình như vậy trong lĩnh vực truyền hình được biết đến như một mô hình truyền thông thế hệ kế tiếp, thế hệ thứ tư (Media 4.0: mô hình truyền thông trong một thế giới kết nối). Về bản chất, đây là một mô hình truyền hình tương tác đa phương tiện và hội tụ số trên đa nền tảng (hội tụ các dịch vụ nội dung số trên truyền hình là sự hội tụ các dữ liệu, nội dung, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, Internet và mạng xã hội một cách đồng bộ và có kiểm soát lên ngữ cảnh truyền hình).

Hiện nay trên thế giới chưa có định nghĩa để phân loại một cách thống nhất và hàn lâm về các thế hệ truyền thông. Việc gọi tên các thế hệ truyền thông trong lĩnh vực truyền hình được nhắc tới trong những năm gần đây chủ yếu qua các diễn đàn ngành như trong các sự kiện của ABU/EBU hay trong các triển lãm công nghệ lớn như IBC/NAB. Theo những quan sát và nghiên cứu của chúng tôi, việc phân loại này dựa trên 2 căn cứ:

(i) Dựa vào đặc trưng của mô hình dịch vụ truyền thông (service scenarios)

- Truyền thông thế hệ thứ nhất là mô hình truyền thông quảng bá một chiều

-Truyền thông thế hệ thứ hai là truyền thông có sự tương tác hai chiều 

- Truyền thông thế hệ thứ ba là truyền thông tương tác nhiều chiều và theo ngữ cảnh (truyền tải thông tin và kiến thức và thông tin ở mức sâu, phù hợp với các nhóm đối tượng, dựa trên sự quan sát và thấu hiểu người dùng) 

- Truyền thông thế hệ thứ tư là truyền thông trong một thế giới kết nối (truyền thông có chủ đích trong bối cảnh toàn xã hội được kết nối, với sự tham gia của các công nghệ đặc thù như IoT, Bigdata, AI)

- Truyền thông thế hệ thứ năm (mô hình trong tương lai) là truyền thông thông minh và cá thể hóa mức cao (mỗi người dân sẽ có một trợ lý thông tin chẳng hạn như Alexa, Siri, Bixby, Google Assistant... kết nối với các nguồn tài nguyên thông tin, kiến thức đã được sắp xếp tổ chức một cách thông minh. Các trợ lý này đóng vai trò tư vấn thông tin, kiến thức, thậm chí có thể trở thành cố vấn truyền thông và báo chí... dựa trên việc phối hợp chặt chẽ với các nguồn nội dung & dịch vụ thông tin do các cơ quan truyền thông cung cấp)

(ii) Dựa vào đặc trưng của các thế hệ nền tảng công nghệ web: 

Truyền thông hiện đại là mô hình hội tụ số giữa viễn thông Internet và mạng xã hội, trong đó công nghệ web được coi là công nghệ cốt lõi. Việc phân biệt các thế hệ truyền thông (gồm cả phát thanh truyền hình) dựa trên các thế hệ công nghệ web cũng là việc dễ hiểu

20210620-pg1.jpg

20210620-pg2.png

Các công nghệ thuộc mô hình truyền thông thế hệ thứ 4 như IoT/Bigdata/AI/Social Convergence,... đều đã được sử dụng rất phổ biến trên thế giới, với nhiều ứng dụng linh hoạt, phong phú. Trong xu thế chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí nói chung và phát thanh truyền hình nói riêng, các công nghệ liên quan đến mô hình truyền thông thế hệ thứ tư hiện đang được ứng dụng ở một phổ khá rộng: Từ thiết bị đầu cuối cho đến hạ tầng truyền dẫn phát sóng, từ dịch vụ gia tăng, truyền thông quảng cáo tới hoạt động biên tập biên mục và sản xuất truyền hình, chẳng hạn như ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để nhận diện và phân tích hành vi khách hàng trên Smart TV, smart phone, các ứng dụng gợi ý nội dung (recommendation), tương tác khán giả dựa trên nhận diện giọng nói, cử chỉ, thái độ gương mặt, đồng bộ ngữ cảnh nội dung dựa trên phân tích dữ liệu lớn (Big Data) và mạng xã hội, ứng dụng AI và Big Data để tối ưu hoá sản xuất, biên tập kiểm duyệt tự động... 

Vì nhu cầu của công chúng là luôn muốn tiếp cận được nguồn thông tin chính xác, bất cứ khi nào họ muốn, lựa chọn bất kỳ loại hình truyền thông (cách tiếp cận thông tin) nào mà họ thấy thuận tiện nhất, và khai thác những nội dung, chủ đề mà họ quan tâm nhất, nên việc sản xuất, cung cấp đa dạng hóa nội dung mới, nóng, chính xác và kịp thời luôn là quan trọng nhất đối với những cơ quan tin tức hàng đầu.

Đặc biệt, nhu cầu tiếp cận với các thông tin thiết yếu một cách chính xác, trung thực của công chúng ngày càng là nhu cầu cấp thiết khi họ bị bao quanh bởi quá nhiều thông tin nhiễu loạn, “fake news”. Thông tin thiết yếu là các nội dung thiết thực, gắn liền với đời sống thường ngày của mỗi người dân, do vậy thường thu hút được lượng khán giả quan tâm rất lớn. Các dịch vụ thông tin thiết yếu gắn liền với đời sống hàng ngày của công chúng thường là: Bản tin thời tiết và cảnh báo thiên tai, thông tin bệnh dịch, sức khoẻ và môi trường sống, an toàn thực phẩm, các chỉ dẫn tiêu dùng thiết yếu, các quy định mới của chính phủ, các thông tin chỉ đạo điều hành, các cảnh báo, thông báo khẩn cấp từ các cấp chính quyền, ... 

Do đó, các thông tin thiết yếu trên báo chí truyền hình thường là các vấn đề “nóng” được xã hội quan tâm nhiều. Tại những thời điểm phát sinh những vấn đề “mới”, “nóng” lượng truy cập thường tăng đột biến với rất nhiều nhu cầu khai thác khác nhau (hình ảnh, âm thanh, text, đồ hoạ...). Khả năng cung cấp thông tin của các cơ quan truyền thông trong thời điểm này cần được mở rộng linh hoạt đến quy mô rất lớn. Do vậy, đối với các thông tin thiết yếu mô hình phát sóng quảng bá truyền thống thường không đủ thời lượng đáp ứng, việc phân phối nội dung cần phải mở rộng ra các nền tảng khác mà vẫn cần phải đảm bảo tính nhất quán và đồng bộ về thông tin cũng như về thông điệp truyền thông. Giải pháp hiện tại là mô hình truyền thông trên đa nền tảng, theo mô hình O2O2O : OnAir - to - Online - to - Offline). 

Để các cơ quan báo chí chính thống tại các địa phương tồn tại và phát triển trong thời đại số, trước sự cạnh tranh gay gắt từ mạng xã hội, đặc biệt là từ các mạng xã hội có nền tảng đa quốc gia thì việc nghiên cứu và đưa vào triển khai thí điểm các ứng dụng nền tảng công nghệ truyền thông thế hệ thứ tư để phát triển các mô hình dịch vụ thông tin thiết yếu phục vụ cộng đồng dân cư sinh sống tại địa bàn là một hoạt động cần thiết và cấp bách. Đây cũng chính là một trong những giải pháp cụ thể để giúp các cơ quan báo chí địa phương chuyển đổi số thành công./.  

Hoàng Hạnh (TT Lưu chiểu DL truyền thông số quốc gia - Cục Báo chí), Vũ Hoàng, Quang Tùng (VTV Digital).
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top