Nghịch lý trong đào tạo nhân lực công nghệ cao

Thứ ba, 10/09/2013 09:15

Nguồn nhân lực công nghệ cao được xem là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn như công nghệ thông tin, điện hạt nhân, công nghệ gien... Tuy nhiên, với nhiều bất cập trong khâu đào tạo, định hướng nghề nghiệp cho nên nguồn nhân lực công nghệ cao TP Hồ Chí Minh đang yếu và thiếu.

img

Kỹ sư Việt Nam làm việc tại Công ty Intel - Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn: nhandan.com.vn

Mỗi năm, TP Hồ Chí Minh, có khoảng 55 nghìn - 60 nghìn sinh viên đại học và cao đẳng ra trường. Tuy nhiên, sinh viên thuộc lĩnh vực công nghệ lại chỉ chiếm khoảng 40%, còn lại là các ngành nghề thuộc lĩnh vực kinh tế - quản lý - khoa học xã hội.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và  thị trường lao động TP Hồ Chí Minh Trần Anh Tuấn: Thị trường lao động TP Hồ Chí Minh đang tồn tại một nghịch lý: rất thừa lao động không phù hợp với những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển nhưng lại rất thiếu nhân lực có trình độ cao ở những ngành cần thiết cho sự phát triển. Nhiều người thất nghiệp hoặc mất việc làm trong khi nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động lại không tuyển được nhân lực, nhất là ở các ngành sản xuất công nghiệp công nghệ cao.

 Một chuyên gia trong ngành cho biết: Một tập đoàn công nghệ thông tin của Nhật Bản đã làm việc với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và ngỏ ý cần khoảng 200 lao động trong lĩnh vực thiết kế bo mạch điện tử, nhưng chúng ta không thể đáp ứng được yêu cầu trên. Mặt khác, khi đối tác tổ chức sát hạch các kỹ sư công nghệ thông tin của Việt Nam theo tiêu chuẩn Nhật Bản thì tỷ lệ đạt của các ứng viên rất thấp (chỉ dưới 10%). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là xuất phát từ những bất cập trong khâu đào tạo và hướng nghiệp cho học sinh.

 Lâu nay, công tác hướng nghiệp chỉ tập trung vào nhóm ngành kinh tế chứ chưa chú trọng vào nhóm ngành công nghệ cao. Công tác hướng nghiệp cũng còn nhiều bất cập khi mỗi nơi làm một kiểu, lực lượng hướng nghiệp viên và tài liệu đều thiếu. Vì vậy, mới có tình trạng khá nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm và có hơn 60% số cử nhân, kỹ sư các trường đại học ở Việt Nam chấp nhận những công việc trái ngành hoặc làm việc ở trình độ thấp hơn. Tỷ lệ học sinh chọn sai ngành học chiếm khoảng 60%, chỉ có 5% số học sinh có hiểu biết về ngành chọn học, 20% có hiểu biết tương đối đầy đủ và 15% thiếu hiểu biết về nghề bản thân chọn học.

Hoạt động hướng nghiệp hiện nay rất quan trọng, giúp cho học sinh, sinh viên, người lao động có điều kiện xác định nghề nghiệp tương lai trên cơ sở đánh giá năng lực bản thân. Tuy nhiên, để làm tốt công tác này, phải có sự kết hợp đồng bộ giữa cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo với lao động - việc làm như các hiệp hội ngành nghề, hiệp hội doanh nghiệp, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề, các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động, phụ huynh, học sinh... Làm tốt được điều này sẽ giải quyết được cán cân cung - cầu lao động hợp lý.

Hiện nay, để có nguồn nhân lực công nghệ cao phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều chương trình như: Gửi lao động đi đào tạo ở nước ngoài, đào tạo tại các cơ sở giáo dục trong nước, liên kết đào tạo vừa học vừa làm theo nhu cầu của doanh nghiệp... Chẳng hạn, Trường ÐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh đã có hẳn một chương trình lựa chọn, bồi dưỡng những sinh viên ưu tú để tạo nguồn nhân lực cho ngành thiết kế vi mạch, nhằm cung ứng lực lượng cơ hữu cho các doanh nghiệp. Thành phố cũng đã kêu gọi Tập đoàn Intel tạo điều kiện cho nguồn nhân lực công nghệ cao tiếp cận với những công nghệ hiện đại của thế giới.

Một đại diện của Công ty Intel Việt Nam cho rằng: Vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ ảnh hưởng một vài doanh nghiệp hay một vài lĩnh vực kinh tế nhất định mà đang là vấn đề xã hội. "Vấn đề này cần được nhìn nhận từ góc độ vĩ mô - đó là giáo dục đào tạo". Intel đang nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo thông qua nhiều hoạt động hợp tác với Bộ Giáo dục và Ðào tạo và các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam. Công ty đã dành nhiều suất học bổng cho sinh viên Việt Nam sang Hoa Kỳ học tập và nghiên cứu, sau khi tốt nghiệp còn có sự bảo đảm về việc làm. Sở dĩ, Công ty Intel đầu tư như vậy là để đào tạo nguồn kỹ sư giỏi cho việc phát triển nguồn nhân lực cho Nhà máy Intel tại Việt Nam, công ty cũng tin rằng với sự hợp tác tốt giữa doanh nghiệp và nhà trường thì vấn đề "khát" nguồn nhân lực sẽ được giải quyết trong thời gian sớm nhất.

Theo quy hoạch phát triển nhân lực thành phố giai đoạn 2011-2020, trong giai đoạn 2011-2015, TP Hồ Chí Minh xác định ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho những ngành công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, bảo đảm nhu cầu lao động chất lượng cao cho bốn ngành công nghiệp chủ lực là cơ khí chế tạo chính xác và tự động hóa, điện tử và công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm theo hướng tinh chế, hóa chất - hóa dược và mỹ phẩm.

Việc học ở nhà trường chỉ là giai đoạn đầu của quá trình học tập suốt đời trong một xã hội hiện đại, sinh viên sau khi tốt nghiệp muốn phát triển nghề nghiệp phải có ý thức mở rộng kiến thức, nâng cao năng lực, tư duy khoa học, độc lập, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới để không ngừng phát triển kỹ năng nghề nghiệp... trong khi chờ các cơ quan chức năng có những giải pháp hỗ trợ giúp giải quyết việc làm. Có như vậy, sinh viên ra trường mới không lo thất nghiệp và dễ dàng vượt qua được những yêu cầu khắt khe của doanh nghiệp.

Theo nhandan.com.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top