Ảnh minh họa
Theo đó, chuyển đổi số là “động lực” trong phát triển thành phố; là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp nhằm phục vụ tốt nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội thành phố. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu; hành động đồng bộ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương và sự tham gia của tổ chức, doanh nghiệp và người dân là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số; người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số. Dữ liệu số là nguồn tài nguyên, phải được mở, chia sẻ trong toàn bộ hệ thống chính trị và phục vụ người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững, đồng thời là phần xuyên suốt, không thể tách rời của chuyển đổi số.
Cụ thể, mục tiêu cơ bản đến năm 2025:
– Phát triển Chính quyền số
(1) 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
(2) 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương.
(3) 90% hồ sơ công việc tại các cơ quan thành phố; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).
(4) 100% cơ quan nhà nước thành phố tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
(5) 100% công tác báo cáo được thực hiện trên hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; hồ sơ dữ liệu điện tử được tạo, lưu giữ, chia sẻ theo quy định. Cơ quan nhà nước thành phố có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.
(6) Tối thiểu 50% hoạt động giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.
– Phát triển Kinh tế số
(1) Phấn đấu kinh tế số chiếm 25% GRDP thành phố.
(2) Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 15%.
(3) Năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 15%.
– Phát triển Xã hội số
(1) Hạ tầng mạng băng thông rộng cáp quang phủ 90% hộ gia đình, 100% xã, phường, thị trấn.
(2) Phổ cập dịch vụ mạng di động 5G khu vực đô thị trung tâm.
(3) Phổ cập điện thoại di động thông minh, tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%, cung cấp danh tính số trên nền tảng di động cho tối thiểu 40% người dân sống và làm việc trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Mục tiêu cơ bản đến năm 2030
– Phát triển Chính quyền số
(1) 100% hồ sơ công việc tại cấp thành phố; 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).
(2) Hình thành nền tảng dữ liệu và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT), kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước; mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp, tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp; hoàn thành cung cấp định danh số, danh tính số trên nền tảng di động cho người dân và doanh nghiệp.
(3) 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.
– Phát triển Kinh tế số
(1) Phấn đấu kinh tế số chiếm 35% GRDP thành phố.
(2) Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 25%.
(3) Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 16%.
– Phát triển Xã hội số
(1) Hạ tầng băng thông rộng phủ 100% hộ gia đình, 100% xã, phường, thị trấn.
(2) Phổ cập dịch vụ mạng di động 5G.
(3) Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%.