Nghề báo, day dứt những chuyến đi

Thứ năm, 20/06/2013 08:44

Các bạn sẽ có thêm những trải nghiệm, những mối đồng cảm sâu sắc với nhân vật trong tác phẩm của mình.

img

Các phóng viên nữ tác nghiệp tại Lào Cai.

1. Nhiều người bảo lên non là khổ! Tôi lại không nghĩ thế!

Nhà báo Phạm Trung Tuyến (VOV Giao thông) một dạo có con Min-cơ phành phạch, giảm xóc cứng quèo quẹo. Thế mà đi miền núi lại đắt giá, có điều ngốn xăng như... uống bia.

Đận chúng tôi rủ nhau lên Đồng Nghê, mỏm xã của Đà Bắc, Hòa Bình, giáp tận Sơn La, con “Min khu khờ” cày hơn 5 giờ đồng hồ từ trung tâm huyện tới xã chỉ long vài con ốc. Trong khi, mấy chiếc Wave Tàu của thanh niên huyện đưa đường “phựt” mất nửa tá nan hoa. Con đường núi dọc sông Đà bận đó ánh bạc một màu hoa mía-thứ hoa mà người thành phố chẳng bao giờ thấy được cái vẻ hoang dã đến tinh khiết của nó. Cái màu hoa làm quãng đường xa bớt đi nỗi buồn tẻ.

Gần 9h tối mới tới Đồng Nghê. Trong mệt mỏi, chúng tôi gặp Thi, chàng sinh viên người Tày tốt nghiệp Văn khoa đang là trí thức trẻ tình nguyện. Thi nhận ra tôi trong bóng nhờ nhờ của ngọn đèn sáng khẽ. Ở cái nơi xa điện đóm phập phù, chiếc di động chỉ còn chức năng như chiếc đèn pin, cuộc gặp gỡ của những người quen cũ là niềm hạnh phúc hiếm hoi. Sau này tôi được đọc cuốn nhật ký của Thi có dòng trích dẫn nhà tư tưởng Nga thế kỷ 19 Bielinski: “Con thấy ngàn vạn người chịu bất hạnh hơn con nhiều, Mẹ ạ. Con chỉ cười trước nỗi khổ của con thôi”.

Mơ ước trở thành một chàng giáo viên dạy văn nhưng bàn chân tình nguyện đã đưa Thi lên đây dù rằng ông cụ thân sinh cũng có chút chức vị tại huyện. Còn ông bạn đồng nghiệp, suốt chuyến đi, cứ bồi hồi mãi về bàn tay đẹp lạ kỳ của cô sinh viên tình nguyện người Mường, bàn tay vừa mới rời cây bút để cầm cuốc trồng rau. Và cả hình ảnh cô gái tốt nghiệp y khoa nhỏ bé như cô học sinh lớp 10 vẫn đều đặn vác chiếc hòm đá y tế vượt núi chữa bệnh cho bà con.

Ở cái nơi mà những cuốn giáo trình văn học của Thi vẫn cần cho những lúc nhớ nhà thì nơi đó không thể nói là khổ được.
Nhớ thêm một lần nữa trong những chuyến đi. Ở cái huyện xa xôi bên kia bờ sông Mã địa phận Sơn La giáp Lào, chúng tôi gặp một nữ đồng nghiệp Đài huyện. Em học báo chí ngoài Hà Nội. Công việc làm báo ở Đài huyện không thể nói là thích hợp được. Nhưng cái quán hàng của mẹ em đang vực dậy một gia đình khó khăn, cần đến bàn tay em gánh vác. Từ giã giấc mơ làm báo thủ đô, em về quê trong công việc của một phóng viên không có thẻ báo chí-“Lắm lúc cũng buồn nhưng ở đây em đã có những thính giả của mình”. Buổi chia tay, em mặc một chiếc áo đỏ như để chúng tôi khỏi quên buổi gặp gỡ giữa những đồng nghiệp nhà Đài. Màu áo đỏ giữa thị trấn nghèo, màu hoa mía trắng dọc triền sông Đà, không dễ gì gặp lại. Và cả những dòng trích dẫn của Thi: “Con chỉ cười trước nỗi khổ của con thôi”. Khi đã có thể cười thì ai bảo lên non là khổ...

2. Có một giai thoại thế này: nhà báo Nguyễn An Định (bút danh nổi tiếng Chu Thượng), độc giả quen tên với mục “Sự kiện bình luận” trên Báo Lao Động, sinh thời, khi viết mục này, sáng sớm, ông thường đến tòa soạn viết sẵn một cái title thật to lên trang giấy trắng, sau đó ông ra quán cà phê ngồi nghe chuyện đời ngoài đó, rồi tà tà, ông mới găm vào bài những dòng chữ sắc sảo. Có bạn trẻ bảo cụ Chu Thượng viết báo “phòng lạnh” quá. Xin thưa, mất cả một đời lăn lộn đấy, giờ thu lại, dồn nén trong từng bài viết, từng khoảnh khắc. Vốn liếng từ lao động quá khứ kết hợp lắng nghe, chắt lọc từ cuộc sống luôn là vũ khí của mỗi nhà báo...

Hôm rồi đi Trường Sa, tôi thầm cảm phục một nữ phóng viên trẻ của một tờ báo bạn. Trong khi mọi người tranh thủ tiếp cận sĩ quan chỉ huy, các thủ trưởng, lãnh đạo đoàn công tác, bạn ấy vào bếp với các anh lính nấu ăn, ngồi nhặt rau, vo gạo, đến bữa cùng ngồi ăn cơm. Khi về đất liền, trong bài báo của bạn thấy có những giọt mồ hôi và cả những nụ cười của những anh lính binh nhất, binh nhì chưa một lần biết yêu...

...Có một dạo, dư luận nói nhiều đến phát ngôn của một Phó Thủ tướng về con số 30% công chức “sáng cắp ô đi tối cắp về”, “có cũng như không”. Thôi với những trường hợp đó chả cần tốn giấy mực để nhắc tới nữa. Tôi muốn nhắc tới những người trong số 70% còn lại đang làm được nhiều việc có ích cho cộng đồng.

Trong khuôn khổ chật hẹp của bài viết, tôi muốn dành tình cảm riêng cho các đồng nghiệp báo nói của mình. Giáp Tết, trong khi 30% kia đang trú ẩn trong văn phòng mưa nắng không ghé tới, cà phê cà pháo rình rang; trong khi nhiều người đổ xô đi giải quyết phi vụ cuối năm, thanh toán nợ nần, ân oán; trong khi nhiều ngôi sao đánh bóng tên tuổi trong những trò lố lăng giả danh từ thiện..., thì các đồng nghiệp thân yêu của tôi lên đường cóp nhặt những câu chuyện dọc đường, chia sẻ với những số phận bất hạnh...; có bạn theo chân những sinh viên tình nguyện vượt núi cao vực thẳm, gió thốc, sương mù đến với bà con nghèo; có bạn suốt chuyến tàu ra đảo xa say sóng liên miên, xanh xao, nôn thốc nôn tháo...; lại có bạn phải làm quen với cái lạnh khủng khiếp xứ người trong chuyến xuất ngoại tác nghiệp mà sẽ có nhiều người gièm pha “đi tây sướng quá còn gì...”...

...Tất cả các bạn sẽ được ghi nhận với những đánh giá, những cơ chế công bằng nhất. Tuy nhiên, tất cả sẽ không thấm vào đâu so với những điều mà các bạn đã thu được sau mỗi chuyến hành trình như thế.

Thứ nhất, các bạn sẽ nhận được sự tôn trọng của các đồng nghiệp. Những bài báo của các bạn chắc chắn sẽ thấm đẫm nỗi nhớ nhà; sẽ có những cơn say sóng; những cơn gió thốc buốt lạnh khắc nghiệt; những bếp lửa ấm nỗi sẻ chia...; và chắc chắn chúng sẽ không thể có những dòng báo cáo lạnh lùng, khô cứng và lười nhác, vô vị.

Thứ hai, các bạn sẽ có thêm những trải nghiệm, những mối đồng cảm sâu sắc hơn với những khu vực nghèo khổ nhất, những số phận thiệt thòi hơn các bạn nhiều.

Thứ ba, những lúc như vậy, những người ung dung ngồi nhà mở mạng cóp nhặt, sao chép thông tin cần mở tầm mắt nhìn ra xa hơn, nghe tác phẩm của các đồng nghiệp mới thấy mình cần phải ra sao.

Và đương nhiên rồi, những lúc được “choàng hoa” tôn vinh cũng không thể quên bao người ở nhà thầm lặng làm nhiều phần việc để đưa câu chuyện đường xa lên sóng...

Các bạn đồng nghiệp của tôi ơi, không phải ngẫu nhiên mà UNESCO chọn ngày 13/2 hằng năm là Ngày Phát thanh thế giới. Chọn ngày đó không phải để vỗ tay hoan hỉ, mà để nhắc tới một danh dự, một trọng trách thật lớn lao. Phát thanh luôn là phương tiện truyền thông đến thật gần với những vùng khuất lấp nhất, không chỉ ở những nơi “hoa thơm quả ngọt”...

Và tất cả các bạn đang là những người ưu tú nhất trong số 70% những công chức “không hề tẻ nhạt”./.

 

Trần Nhật Minh - VOV
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top