Phải “sành” công nghệ
Chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số và ứng dụng TMĐT, các ứng dụng TMĐT đã được triển khai như PostMart của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, VOSO của Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel hoặc Sàn giao dịch TMĐT Nghệ An (37nghean.com) do Sở Công Thương tỉnh Nghệ An quản lý. Ngoài ra, còn nhiều nền tảng số, ứng dụng TMĐT được các hộ kinh doanh, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp tận dụng các ứng dụng mua bán, như: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, qua các mạng xã hội (Facebook, Zalo, Instagram...).
Hiện nay, các sản phẩm nông sản Nghệ An được đưa lên sàn TMĐT mới chỉ dừng ở mức quảng bá là chủ yếu, còn số lượng tiêu thụ khá thấp. Ông Nguyễn Văn Học, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn BOMETA nêu ý kiến: “Muốn bán được nhiều sản phẩm trên các sàn TMĐT thì trước hết sản phẩm của bạn phải chất lượng và phù hợp với các mặt hàng đã qua chế biến. Mặt khác, người kinh doanh trên sàn TMĐT cũng đòi hỏi nông dân phải có những hiểu biết nhất định về công nghệ. Theo đó, người nông dân không chỉ trồng và sản xuất mà phải là “nông dân thời 4.0” mới thực hiện và duy trì được”.
Huyện Đô Lương là địa phương có thế mạnh với nhiều sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng. Trước đây, các sản phẩm hầu hết chỉ bán theo kênh truyền thống, nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nông dân cũng tìm cách để thay đổi, thích nghi với kênh buôn bán qua các sàn TMĐT, tuy nhiên vẫn gặp nhiều lúng túng. Ông Nguyễn Công An, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đô Lương cho biết: “Toàn huyện có 9 sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó mới chỉ có 3 sản phẩm được đưa lên các sàn TMĐT và số lượng bán cũng không nhiều, phần lớn theo thời vụ”.
Chú trọng chất lượng sản phẩm và truyền thông
Nguyên nhân cốt lõi khiến lượng tiêu thụ nông sản Nghệ An còn thưa thớt trên các sàn TMĐT là người dân vẫn quen với phương thức mua bán truyền thống nên không “mặn mà” với kênh mua bán qua sàn TMĐT. Trong khi đó, việc hỗ trợ nhà nông kinh doanh, mua bán qua sàn TMĐT chưa được các cấp, các ngành triển khai sâu rộng, thực chất. Theo số liệu cập nhật của Hội Nông dân tỉnh Nghệ An, hội đã tiến hành các cuộc tập huấn cho hơn 3.500 bà con nông dân trong tỉnh về việc đưa sản phẩm lên sàn giao dịch TMĐT. Tuy vậy, theo ý kiến của người dân, doanh nghiệp, một vài buổi tập huấn như vậy chưa sâu, thực chất chỉ mới giới thiệu về tính năng của các sàn TMĐT mà chưa mang tính “cầm tay chỉ việc”, trong khi các sản phẩm nông sản chủ yếu là của những người nông dân, trình độ giao dịch trên các thiết bị kỹ thuật thông tin của họ còn hạn chế.
Ông Nguyễn Văn Hà, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Nghệ An lý giải rằng: “Các sản phẩm nông sản của Nghệ An tiêu thụ trên các sàn TMĐT còn ít là do người dân vẫn quen với kênh buôn bán truyền thống, chưa tập trung vào kênh TMĐT. Mặt khác, sản phẩm nông sản Nghệ An còn mang tính nhỏ lẻ, tính mùa vụ cao, ít sản phẩm nông sản chế biến sâu. Chẳng hạn như cam Vinh chỉ được mấy tháng cuối năm, những tháng còn lại không có hàng để cung cấp. Việc thay đổi tư duy của người dân từ thói quen mua bán truyền thống sang kênh TMĐT hoặc nền tảng số cũng cần có một quá trình lâu dài, không chỉ một, hai buổi tập huấn là giải quyết được”.
Mấu chốt để kinh doanh, tiêu thụ được sản phẩm nông sản dù qua bất cứ kênh nào vẫn là chất lượng sản phẩm. Người tiêu dùng ngày càng thông minh, sản phẩm nông sản phải chất lượng, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng đến sức khỏe cộng đồng, có thương hiệu thì bất cứ kênh nào cũng thu hút người tiêu dùng. Đặc biệt là kênh TMĐT càng cần yếu tố này, bởi trên các ứng dụng sẽ có những đánh giá, bình chọn, phản hồi về sản phẩm. Nếu sản phẩm không đạt chất lượng, dịch vụ kém chắc chắn sẽ bị “loại” khỏi các sàn TMĐT, ứng dụng công nghệ số...
Là doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất 56 mặt hàng đưa lên các sàn TMĐT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn BOMETA Nguyễn Văn Học chia sẻ kinh nghiệm: “Ngay từ khi thành lập, chúng tôi đã coi trọng kênh bán hàng qua các sàn TMĐT, nền tảng số. Bước đầu số lượng tiêu thụ ở Nghệ An còn ít, tuy vậy chúng tôi coi đây là một kênh truyền thông, quảng bá quan trọng. Chỉ cần có mặt trên một sàn TMĐT, sản phẩm của bạn có thể được giới thiệu đến người tiêu dùng trên khắp thế giới. Sàn TMĐT là kênh bán hàng giảm chi phí, giảm nhân lực nhưng cũng đòi hỏi sản phẩm của bạn phải đặt chất lượng, uy tín lên hàng đầu, chăm chút hình ảnh cho thương hiệu trên gian hàng của các sàn từ thiết kế logo, bao bì, nhãn mác đến lời giới thiệu, dịch vụ, khuyến mãi”.
Để nông sản tiêu thụ hiệu quả trên sàn TMĐT thì quyết định là vấn đề chất lượng sản phẩm và công tác truyền thông. Nếu không có hai yếu tố này, chắc chắn sản phẩm nông sản sẽ không tồn tại được lâu dài trên bất cứ kênh tiêu thụ nào, đặc biệt là kênh TMĐT.