Ông Nguyễn Phú Tiến , Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa.
Cách đây vài tháng, một lãnh đạo Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT từng nói: "Thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ nghiên cứu để ngày thứ Sáu hàng tuần trở thành “Ngày thứ Sáu công nghệ”. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về chương trình này, VietTimes đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT.
PV: Xuất phát từ đâu mà Bộ TT&TT tổ chức ngày thứ Sáu hàng tuần trở thành “Ngày thứ Sáu công nghệ”, thưa ông?
Ông Nguyễn Phú Tiến: Như chúng ta đã biết, ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 749/QĐ-TTg về "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Nội dung Chương trình xác định rõ quan điểm: “Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả” và đặt ra nhiệm vụ: “xác định danh sách các nền tảng số có khả năng triển khai dùng chung rộng khắp trong một số lĩnh vực như thương mại điện tử, nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục, giao thông, xây dựng, tài nguyên và môi trường, học trực tuyến, nội dung số, dịch vụ kế toán, tài chính doanh nghiệp, đô thị, ngân hàng số và có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đầu tư phát triển các hệ thống này”.
Bộ TT&TT được giao là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Bộ sẽ đánh giá, lựa chọn các nền tảng số tốt do doanh nghiệp Việt Nam phát triển để tham gia Chương trình chuyển đổi số quốc gia và bảo trợ về truyền thông các nền tảng "Make in Vietnam" này. Xuất phát từ bối cảnh trên, Bộ TT&TT có ý tưởng tổ chức "Ngày thứ Sáu công nghệ" để giới thiệu các nền tảng "Make in Vietnam" được Bộ lựa chọn.
PV: Tính đến thời điểm hiện nay, Bộ TT&TT đã cho ra mắt được bao nhiêu nền tảng số? Trong đó tập trung chủ yếu ở lĩnh vực nào?
Ông Nguyễn Phú Tiến: Tính đến thời điểm hiện nay, Bộ TT&TT đã cho ra mắt được hơn 30 nền tảng số, trong đó trải rộng trên nhiều lĩnh vực như: Y tế (2 ứng dụng), Giáo dục đào tạo (3 ứng dụng), họp trực tuyến (2 ứng dụng), an toàn thông tin (8 nền tảng), quản trị doanh nghiệp, chăm sóc khách hàng (10 nền tảng)… Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, nền tảng số ra đời đã góp phần thúc đẩy chuyển đổi số nhanh, đưa cuộc sống về trạng thái bình thường mới.
PV: Ông có thể cho biết sơ bộ kết quả của việc ứng dụng các nền tảng số đã được ra mắt, đặc biệt là việc người dân tiếp nhận ra sao về các ứng dụng nền tảng số?
Ông Nguyễn Phú Tiến: Nhiều nền tảng số khi ra đời đã được cộng đồng người dân, doanh nghiệp đón nhận và đã phát huy hiệu quả rất tốt. Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, nền tảng hỗ trợ tư vấn sức khỏe trực tuyến đã giúp người dân hạn chế đến các cơ sở khám chữa bệnh, giúp giảm tải cho bệnh viện trong mùa dịch, đồng thời là bước khởi đầu chuyển đổi số quan trọng với ngành Y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Hiện nay, nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa TeleHealth đã kết nối hơn 1.000 bệnh viện. Nền tảng hỗ trợ tư vấn sức khỏe trực tuyến "VOV bác sỹ 24" đã có hàng trăm nghìn lượt tải, có mạng lưới 1.000 bác sỹ chuyên khoa từ các bệnh viện uy tín trên cả nước. Hai nền tảng quản lý dạy và học trực tuyến Viettel Study và VNPT Edu đã cung cấp giải pháp cho hơn 30.000 trường trên phạm vi toàn quốc. Các nền tảng này giúp kết nối học sinh và nhà trường. Các cơ sở đào tạo không cần có hệ thống thông tin, không cần có đội ngũ nhân sự công nghệ thông tin chuyên nghiệp, có thể ngay lập tức triển khai các hoạt động quản lý đào tạo, dạy, học, thi, đánh giá kết quả trực tuyến. Học sinh có thể học tập mọi lúc, mọi nơi, ngay cả khi thực hiện giãn cách xã hội không thể đến trường học.
Các nền tảng dành cho doanh nghiệp đã khẳng định được vị trí trên thị trường, đã có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn khách hàng và kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng thị trường hơn nữa, không chỉ trong nước mà còn vươn ra quốc tế sau khi được Bộ TT&TT giới thiệu, bảo trợ về truyền thông.
PV: Xin ông nói thêm về việc giới thiệu các nền tảng số trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Phú Tiến: Chương trình “Ngày thứ Sáu công nghệ” mỗi tuần giới thiệu một nền tảng số "Make in Vietnam" hiện đã gây được tiếng vang và sự ủng hộ của các doanh nghiệp và cơ quan truyền thông. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục đánh giá, lựa chọn các nền tảng số để giới thiệu trong chương trình này với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, đưa nhiều nền tảng số hữu ích đến với doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội.
PV: Nói về chuyển đổi số, hiện nay đang có nhiều ý kiến cho rằng cụm từ “Chuyển đổi số” dần trở thành sáo ngữ. Ông có bình luận gì về việc này?
Ông Nguyễn Phú Tiến: Tôi không nghĩ như thế. Chuyển đổi số hiện nay đã đi vào thực chất, được mọi tầng lớp nhân dân đón nhận, nhất là các doanh nghiệp đã vào cuộc thực sự và thu được những kết quả rất tốt. Chuyển đổi số không phải những gì quá cao xa mà đang tác động trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp.
Nhờ chuyển đổi số, người dân xã Vi Hương, Bắc Kạn có thể bán các sản phẩm dược liệu người Dao đến khắp mọi miền đất nước thông qua sàn thương mại điện tử. Nhờ chuyển đổi số, người dân xã Yên Hoà, Ninh Bình có thể được tư vấn sức khỏe tại nhà thay vì phải đến xếp hàng tại bệnh viện. Trong dịch Covid-19, các em học sinh không bị gián đoạn việc học nhờ nền tảng học tập trực tuyến. Robot AI giúp các doanh nghiệp chăm sóc khách hàng tự động, giảm chi phí nhân lực. Nền tảng quản trị tổng thể giúp các doanh nghiệp đưa toàn bộ hoạt động lên mạng, tự động hóa, chuyên nghiệp hóa nhiều quy trình nghiệp vụ. Khi có càng nhiều nền tảng số được ra đời và ứng dụng, chuyển đổi số sẽ mang lại càng nhiều chuyển biến về mặt công nghệ cho phát triển kinh tế-xã hội.
PV: Cục Tin học hoá được giao nhiệm vụ là đơn vị đại diện Bộ TT&TT dẫn dắt quá trình chuyển đổi số trên cả nước. Là lãnh đạo Cục, ông có thể chia sẻ thêm về những trọng trách của đơn vị mình?
Ông Nguyễn Phú Tiến: Cục Tin học hóa là đơn vị được Bộ TT&TT giao trách nhiệm cơ quan chủ trì tổ chức triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Bản thân tôi là một người trực tiếp tham gia xây dựng Chương trình, tôi hiểu rằng chúng ta mới ở những bước đầu tiên của tiến trình chuyển đổi số, một quá trình lâu dài, liên tục và chắc chắn nhiều khó khăn, thách thức.
Khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số hiện nay là thay đổi thói quen. Thách thức lớn nhất của chuyển đổi số là có nhận thức đúng. Chuyển đổi số là vấn đề nhận thức chứ không phải là vấn đề công nghệ, là chuyện dám làm hay không dám làm của người lãnh đạo. Vì vậy, để thực thi hiệu quả Chương trình chuyển đổi số quốc gia không những chỉ cần vai trò dẫn dắt của Bộ TT&TT mà rất cần sự chủ động và quyết tâm của người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp.
Để góp phần chuyển đổi nhận thức về Chuyển đổi số, Cục Tin học hóa đã chủ trì xây dựng, ra mắt cuốn Cẩm nang Chuyển đổi số và được sự đón nhận của nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân. Cục Tin học hóa cũng đang tích cực làm việc với các Bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy ban hành, tổ chức triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số tại các Bộ, ngành và các địa phương.