ảnh minh họa
Theo Điều tra năm 2020, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành tăng 18 lần (từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020). Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi học sinh từ 13 - 15 tuổi là 3,5%.
Bằng chứng từ các nước cho phép sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy, thuốc lá điện tử là nguyên nhân cho việc bắt đầu sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở thanh thiếu niên bởi bản chất vẫn là nghiện chất nicotin.
Vì vậy, thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử có nhiều khả năng trở thành người hút thuốc lá điếu thông thường. Thanh thiếu niên chưa bao giờ hút thuốc nhưng sử dụng thuốc lá điện tử, tỷ lệ chuyển sang hút thuốc lá điếu thông thường cao hơn 2 - 3,5 lần so với những thanh thiếu niên chưa từng sử dụng thuốc lá điện tử.
Việt Nam vốn là quốc gia có tỷ lệ nữ giới là người trưởng thành hút thuốc lá rất thấp so với nam giới. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá điện tử hướng đến người tiêu dùng là phụ nữ và trẻ em, sẽ dẫn đến tình trạng tỷ lệ nữ giới trong độ tuổi sinh sản hút thuốc lá gia tăng nhanh chóng gây nhiều hệ lụy về chất lượng giống nòi...
"Nếu không quyết liệt ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới này tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại. Chúng ta sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn rất nhiều trong tương lai gần và các kết quả đạt được sẽ bị phá bỏ. Chúng ta sẽ phải nỗ lực hơn, tốn kém nhân lực và tài chính hơn nữa trong việc giảm tỷ lệ hút thuốc lá, giải quyết những gánh nặng bệnh tật và tử vong do thuốc lá cũng như các hệ lụy về xã hội, kinh tế, môi trường, đặc biệt là các hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của thế hệ trẻ", Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá khẳng định. Trước các ý kiến cho rằng thuốc lá điện tử không nguy hại bằng thuốc lá điếu thông thường và đây là cách để cai nghiện thuốc lá, bác sĩ Phan Thị Hải nhấn mạnh, theo Tổ chức Y tế thế giới, không có sản phẩm thuốc lá nào là an toàn cho sức khỏe. Việc tuyên truyền thuốc lá nung nóng ít hóa chất độc hại hơn so với thuốc lá truyền thống sẽ gây hiểu nhầm cho người sử dụng về tác hại của thuốc lá nung nóng.
"Thuốc lá điện tử là loại sản phẩm không được quy định trong Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá nên chưa được phép nhập khẩu, mua bán, sản xuất, kinh doanh và lưu hành", bác sĩ Phan Thị Hải khẳng định.
Thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng là các sản phẩm mới vào Việt Nam nên chưa được nghiên cứu để đề xuất đưa vào danh mục hàng hóa cấm kinh doanh của Luật Đầu tư. Tuy nhiên, do thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng không được quy định cụ thể trong Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá nên chưa được phép nhập khẩu, mua bán, sản xuất, kinh doanh và lưu hành. Một số quốc gia sau thời gian cho phép nhập khẩu thuốc lá điện tử thì đã phải chuyển sang cấm sản phẩm này (một số bang của Mỹ). Khu vực ASEAN đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia.
Để ngăn chặn tình trạng thuốc lá điện tử đang xâm nhập trái phép và ảnh hưởng đến giới trẻ, ngày 24/5/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 568/QĐ-TTg ban hành Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030, với các mục tiêu và giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Chiến lược nhấn mạnh việc tiếp tục "ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng".
Bộ Y tế đã kịp thời có các văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố, các Bộ ngành về việc tăng cường truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Mới đây, ngày 5/5/2023, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố, các Bộ Công an, Giáo dực và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Công Thương đề nghị đẩy mạnh truyền thông và tăng cường kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi mua, bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản chỉ đạo, xây dựng tài liệu truyền thông, giáo dục, tổ chức tập huấn, truyền thông trực tiếp về tác hại thuốc lá và thuốc lá điện tử cho các cơ sở giáo dục. Đồng thời, Quỹ phối hợp với Trung ương Đoàn tổ chức các Chiến dịch "Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử"; Cuộc thi sáng tác video clip "Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá điện tử" trên ứng dụng Tiktok; Giải chạy online "Thanh niên Việt Nam vì môi trường không khói thuốc" thu hút đông đảo người dân tham gia. Thời gian tới, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc truyền thông về tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử; tăng cường thực thi quy định cấm hút thuốc tại các nơi công cộng; phối hợp liên ngành để đảm bảo hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá được triển khai toàn diện tại các cơ quan, đơn vị; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính.