Qua năm lần tổ chức Ngày Sách Việt Nam trên địa bàn thành phố, với sự phối hợp và hưởng ứng tích cực của cộng đồng xã hội và sự vào cuộc của các cấp, các ngành và 24 quận, huyện trên địa bàn thành phố đã cho thấy, đây là một hoạt động văn hóa hết sức có ý nghĩa, góp phần tôn vinh văn hóa đọc, trau dồi tri thức trong đời sống xã hội. Từ khi Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ra đời, với kế hoạch được triển khai ngày một hoàn thiện và hiệu quả theo từng năm, các hoạt động của Ngày Sách Việt Nam được tổ chức trên địa bàn thành phố đã được thực hiện với nhiều hình thức sáng tạo, đa dạng, phong phú, phù hợp với đời sống tinh thần của người dân, các hoạt động của Ngày Sách đã thực sự trở thành một nét đẹp văn hóa mới trong đời sống cộng đồng. Nhiều hoạt động chào mừng Ngày Sách Việt Nam đã được tổ chức một cách sinh động, thiết thực với nội dung ngày một phong phú, hấp dẫn, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm của từng cơ quan, địa phương, đơn vị. Những kết quả ấy đã từng bước tạo nên sự gắn kết, lan tỏa nhân sự kiện Ngày Sách Việt Nam trên toàn thành phố.
Thông qua chuỗi các sự kiện liên quan đến hoạt động của Ngày Sách Việt Nam được tổ chức hàng năm, với nhiều hoạt động hoạt động phong phú, đa dạng, thiết thực, cụ thể đã được đông đảo bạn đọc, người yêu sách trên trong và ngoài thành phố đánh giá cao như: Lễ hội Sách thành phố Hồ Chí Minh qua các năm; các sự kiện tiêu biểu chào mừng Ngày Sách Việt Nam hàng năm trên địa bàn Thành phố và nhiều sự kiện quan trọng khác khác theo sự chỉ đạo của Thành ủy - Ủy ban Nhân dân thành phố. Cụ thể, Sở đã chủ động phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam tại phía Nam và Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đường sách thành phố tổ chức nhiều sự kiện ý nghĩa có liên quan đến sách nhằm thu hút đông đảo bạn đọc và người yêu sách đến dự. Các sự kiện nổi bật trên đây và nhiều sự kiện khác kèm theo đã góp phần từng bước tuyên truyền, lan tỏa, giáo dục trực quan có hiệu quả; nâng cao thói quen đọc sách, lưu giữ sách và trân trọng các kiến thức đã tiếp thu được từ sách.
Một sự kiện được quan tâm đó là, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố đã tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố lập Đề án xây dựng Đường Sách Thành phố tại đường Nguyễn Văn Bình và chính thức khai trương vào đầu năm 2016, hoạt động từng bước có hiệu quả theo từng năm; năm 2018, thành phố đã tiến hành sơ kết 2 năm hoạt động của “Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh” và đề ra những phương hướng, nhiệm vụ cho những năm tiếp theo. Trong đó có kế hoạch xây dựng cụm Đường Sách tại một số quận trên địa bàn thành phố trong thời gian tới. Đặc biệt, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố cũng tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố báo cáo tình hình thực hiện dự án Quy hoạch ngành xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm trên địa bàn thành phố đến năm 2030…
Đã thành truyền thống khi mỗi dịp Tết đến xuân về, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, chỉ đạo và phối hợp tổ chức “Lễ hội Đường sách Tết hàng năm”. Cụ thể, trong năm 2018 Lễ hội Đường sách Tết đã được tổ chức dưới hình thức xã hội hóa hoàn toàn, thu hút khoảng 1,1 triệu lượt khách tham quan, mua sắm với doanh thu ước đạt khoảng 4, 5 tỷ đồng. Tổ chức Hội sách Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X với chủ đề “Sách - Văn hóa, Hội nhập và Phát triển” gắn với Ngày Sách Việt Nam với sự tham gia của 900 đơn vị, cá nhân thuộc ngành xuất bản, in, phát hành trên toàn quốc và một số Nhà Xuất bản nước ngoài tham dự, thu hút trên 1,4 triệu lượt bạn đọc, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2017 với tổng doanh thu ước đạt 60 tỷ đồng. Ngoài ra, Sở cũng tham mưu tổ chức tốt Ngày sách Nga năm 2017, Ngày Sách Châu Âu năm 2018 và các hoạt động sách Hè hàng năm với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, giao lưu, tọa đàm, gặp gỡ, giới thiệu tác giả, tác phẩm một cách khá phong phú, đa dạng…
Ngoài ra, thực hiện Kế hoạch của Sở Thông tin và Truyền thông và sự chỉ đạo của Thường trực Ủy ban Nhân dân cùng cấp, 24 quận, huyện của thành phố và một số sở, ngành đã tổ chức một số sự kiện liên quan đến sách, tiêu biểu như: Huyện Củ Chi đã tổ chức Hội sách Hè dành cho thiếu nhi ngoại thành năm 2018, Quận 6 đã tổ chức Ngày hội sách tại công viên Phú Lâm, xây dựng mô hình “Sách đi tìm người”; “Khơi nguồn văn hóa đọc”, Quận 11 tiến hành củng cố cơ sở vật chất, các phòng đọc sách tại các khu phố và thư viện trường học, coi đây là thiết chế văn hóa quan trọng để thực hiện các tiêu chí xây dựng “Phường văn minh đô thị”, “Khu phố văn hóa, Quận Tân Phú tổ chức triển lãm sách, ảnh tại các trường học và tuyên truyền về Ngày Sách Việt Nam, Bộ Tư lệnh Thành phố tổ chức triển lãm, trưng bày sách, gặp gỡ nhân chứng, tác giả, tác phẩm, tuyên truyền, giới thiệu sách mới, luân chuyển sách về các đơn vị, danh trại quân đội, Ban Chỉ huy quân sự một số quận, huyện…Sở Giao thông - Vận tải tổ chức nói chuyện chuyên đề về sách, tuyên truyền trong lĩnh vực giao thông vận tải gắn với văn hóa đọc cộng đồng. Công ty Cổ phần phần phát hành sách Thành phố (Fahasa) và các nhà sách trực thuộc đã tích cực tham gia, tổ chức các chuỗi hoạt động mang ý nghĩa xã hội và giáo dục cao tại 60 điểm bán sách và xây dựng chương trình khuyến mãi phục vụ khách hàng tại hệ thống 110 nhà sách của Công ty trên địa bàn 45 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương…Đồng thời, các nhà xuất bản, các nhà sách, các công ty in và phát hành sách thuộc thành phố và các chi nhánh, văn phòng đại diện các nhà xuất bản đóng trên địa bàn thành phố đã phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông trong các hoạt động có liên quan đến Ngày Sách Việt Nam và nhiều hoạt động hữu ích khác.
Ngoài ra, trong 5 năm vừa qua, căn cứ Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Tuyên giáo Thành ủy về việc tổ chức các ngày Lễ lớn hàng quý, hàng năm. Sở Thông tin và Truyền thông đã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các hoạt động trưng bày sách, báo, tranh, ảnh theo một số chuyên đề nổi bật như: Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968; Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng; Kỷ niệm 73 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh Nước Cộng hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam; Tổ chức Tuần Lễ sách Kỷ niệm Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM 320 năm hình thành và phát triển; Triển lãm sách, ảnh nhân Kỷ niệm 74 năm Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 29 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân và hàng trăm sự kiện lớn, nhỏ có liên quan khác thu hút hàng nghìn bạn đọc, người yêu sách quan tâm, tham dự.
Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất và triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển lĩnh vực xuất bản, in và phát hành trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, các Nhà xuất bản, đơn vị in ấn, phát hành, kinh doanh văn hóa, xuất bản phẩm, các chuyên gia, người có nhiều kinh nghiệm công tác, đóng góp lâu năm cho ngành xuất bản đã tích cực tham gia góp ý, tham vấn có trọng tâm, trọng điểm vào sự phát triển của ngành xuất bản, in và phát hành trên địa bàn thành phố, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển văn hóa, du lịch của thành phố. Đồng thời, các đơn vị cũng thường xuyên góp ý, tham mưu, kiến nghị và đề xuất các cấp có thẩm quyền về một số chương trình, chủ trương, chính sách nhằm phát triển ngành xuất bản, in và phát hành của thành phố trong thời gian tới; tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm mới, xây dựng các tác phẩm mới và nâng cao năng lực cạnh tranh của các đơn vị.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được là cơ bản, công tác tổ chức Ngày Sách Việt Nam trên địa bàn Thành phố cũng còn gặp một số khó khăn, tồn tại nhất định như: Công tác phối hợp tổ chức các sự kiện, hoạt động truyền thông còn ít, thiếu sự đồng bộ và chính quy tại các địa phương, đơn vị nên chưa mang lại tính lan tỏa cao. Việc tổ chức các sự kiện Ngày Sách Việt Nam hàng năm cần có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, hiệu quả để thu hút, cổ vũ, khơi dậy sở thích yêu sách từ các độc giả; công tác tuyên truyền về sự kiện này cần có kế hoạch trọng tâm, trọng điểm để đến được với đông đảo người dân. Hoạt động của một số địa phương, đơn vị tham gia Ngày Sách còn chưa đầy đủ, có phần lỏng lẻo, chiếu lệ, hình thức. Trong các sự kiện liên quan đến Ngày Sách, còn thiếu một số hoạt động văn hóa - văn nghệ cũng như các buổi giao lưu chuyên đề, đối thoại, gặp gỡ với các tác giả, dịch giả nhằm tạo không khí sôi nổi nhằm thu hút người dân và bạn yêu sách đến với Ngày Sách Việt Nam ngày một đông đảo hơn. Bên cạnh đó, hàng hóa trưng bày chưa được lựa chọn đúng theo chủ đề; tăng cường chọn lọc sách theo chủ đề để phù hợp với nội dung và yêu cầu đã đề ra nhằm chào mừng Ngày Sách Việt Nam hàng năm.
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin hiện nay khiến bạn đọc có thể truy cập bất kỳ tài liệu nào mà họ cần, không phải tìm đến sách như trước đây đã tạo nên sự cạnh tranh cao giữa sách truyền thống và công nghệ. Chính điều đó cũng là một thách thức đối với ngành xuất bản, làm sao để ngành xuất bản thu hút được ngày càng đông đảo bạn đọc trong điều kiện hiện nay là điều rất khó khăn, thách thức, đòi hỏi ngành xuất bản phải có kế hoạch tham mưu một cách cụ thể, chi tiết để có kế hoạch phát triển ngành một cách tốt hơn trong thời gian đến. Hoạt động của các Nhà xuất bản luôn phải đối diện với sự cạnh tranh gay gắt của nhiều loại hình giải trí khác nhau trong khi cơ sở vật chất, trang thiết bị, vốn đầu tư chưa tương xứng…Hoạt động xuất bản điện tử, hoạt động in và phát hành hiện vẫn còn một số bất cập. Việc tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Ngày Sách Việt Nam có thời điểm còn mang tính hình thức; vốn sách, tài liệu trưng bày tại một số địa phương, đơn vị còn khô khan về nội dung, hình thức nên khó hấp dẫn người đọc. Tính lan tỏa của Ngày Sách còn chưa cao; số lượng sách, chất lượng sách tại các thư viện, phòng đọc công cộng còn thiếu và đơn điệu về nội dung và cách trình bày nên chưa thu hút được sự quan tâm của người đọc.
Phát huy những thành tích đã đạt được trong 5 năm qua, trong thời gian tới với sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, các ngành và các địa phương trên địa bàn thành phố, sự nỗ lực phấn đấu của toàn ngành xuất bản, in và phát hành, sự ủng hộ của toàn xã hội. Ngày Sách Việt Nam trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục được duy trì, phát triển với một nội dung và diện mạo mới, luôn đồng hành cùng sự phát triển bền vững của thành phố và đất nước./.