Việt Nam hiện có gần 100 triệu dân và có khoảng 1 triệu người làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10 đánh dấu ý nghĩa của chuyển đổi số như là một phương thức phát triển mới của đất nước trong thời gian tới, mở ra những không gian mới cho sự phát triển. Chuyển đổi số không phải là thêm một việc mới, mà chuyển đổi số là thêm một cách làm mới cho những việc hiện tại.
Các hệ thống dùng chung đã được tỉnh Phú Thọ triển khai đồng bộ; 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị và xã, phường, trị trấn đã thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số thay thế văn bản giấy, góp phần tiết kiệm cho ngân sách mỗi năm hơn 10 tỷ đồng. Cơ sở dữ liệu số về dân cư, đất đai, y tế, giáo dục, thuế được xây dựng là cơ sở cho xây dựng chính quyền số. Trung tâm điều hành thông minh (IOC) của tỉnh hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; đảm bảo đầy đủ các điều kiện để tích hợp liên thông với Trung tâm điều hành của Chính phủ.
Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh từng bước chuyển đổi số, thực hiện ký hồ sơ hợp đồng điện tử, nộp thuế, báo cáo thuế trực tuyến. Tính đến nay, 100% doanh nghiệp của tỉnh đã sử dụng hóa đơn điện tử, Cục Thuế tỉnh đã tiếp nhận xử lý trên 1,4 triệu hóa đơn điện tử.
9 tháng đầu năm 2022, đã có hơn 3,6 triệu lượt truy cập các Sàn giao dịch thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh (Postmart, Voso; giaothuong.net.vn ...). Tổng giá trị của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông xuất khẩu các sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện đạt 5,85 tỷ USD.
Cùng với đó, 100% các cơ sở khám chữa bệnh tỉnh/huyện/xã, các bệnh viện tư nhân, bệnh viện ngành trên địa bàn đã sử dụng phần mềm Quản lý bệnh viện. 11 đơn vị triển khai thành công bệnh án điện tử và được công bố trên trang thông tin điện tử của Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế; 100% cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh/huyện đã chủ động tham gia Đề án khám, chữa bệnh từ xa… Ngành Giáo dục và Đào tạo đã triển khai ứng dụng quản lý trường học, quản lý thư viện, thiết kế bài giảng điện tử Elearning, quản lý ngân hàng đề thi, kiểm định chất lượng giáo dục mầm non, các trường phổ thông…. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả phần mềm quản trị nhà trường; triển khai thí điểm sử dụng sổ điểm điện tử, học bạ điện tử trong các trường THCS, THPT, hệ thống thông tin quản lý giáo dục trực tuyến.
Ông Hoàng Văn Tân ở phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì cho biết: Với ứng dụng phần mềm đăng ký khám chữa bệnh online, chỉ cần vài thao tác trên chiếc điện thoại thông minh, tôi có thể đặt lịch khám, tư vấn sức khỏe thành công mà không cần mất nhiều thời gian chờ đợi lấy số mỗi khi đi khám bệnh.
Đặc biệt, nhằm thúc đẩy phổ cập kỹ năng số cho các tầng lớp nhân dân từ thành thị đến các vùng nông thôn, miền núi, tỉnh Phú Thọ đã thành lập 2.356 Tổ Công nghệ số cộng đồng với 7.454 thành viên tham gia. Các thành viên của Tổ đều được tập huấn, trải nghiệm sử dụng dịch vụ công trực tuyến; thanh toán không dùng tiền mặt; mua bán trên sàn thương mại điện tử... Để từ đó, mỗi thành viên sẽ là hạt nhân trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn theo phương châm “cầm tay chỉ việc” gia đình, người thân và cộng đồng khu dân cư tiếp cận, sử dụng các nền tảng công nghệ.
Chị Hà Thị Kim Nương ở phường Nông Trang, thành phố Việt Trì chia sẻ: Qua công tác tuyên truyền, hướng dẫn tôi được tiếp cận về công nghệ số, đặc biệt là việc thanh toán không dùng tiền mặt. Giờ đây, tôi đóng tiền điện hoặc mua sắm cũng thường sử dụng hình thức chuyển khoản, giúp tiết kiệm thời gian mà lại an toàn, tiện lợi.
Để tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”, thiết thực hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, tỉnh Phú Thọ đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số. Thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, địa phương và người dân trong công tác chuyên đổi số. Từ đó, hướng đến mục tiêu Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trong tương lai. Đồng thời, sẽ tập trung phát động các sáng kiến mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, thúc đẩy toàn dân sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số, thúc đẩy phổ cập kỹ năng số làm cho người dân được thụ hưởng các kết quả do chuyển đổi số mang lại.
“Từ giờ đến cuối năm chúng tôi sẽ nghiên cứu triển khai các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là việc sử dụng mobile money và các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khác phục vụ cho dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo cho người dân và doanh nghiệp được nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm chi phí và thời gian trong việc thực hiện các thủ tục hành chính đối với các cơ quan Nhà nước. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ định hướng cho các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin tập trung nghiên cứu, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ số nhằm thúc đẩy mạnh mẽ công tác cải cách hành chính, hoạt động thương mại điện tử, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ” - ông Lê Quang Thắng - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết.