Ngành y tế 'còng lưng' phòng chống bệnh không lây nhiễm, nếu thí điểm kinh doanh thuốc lá điện tử sẽ để lại hậu quả nặng nề

Thứ bảy, 26/08/2023 11:17

Bộ Công thương đang đề xuất cho phép thí điểm kinh doanh thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng…) 2 năm, trong khi ngành y tế đang "còng lưng" phòng chống các bệnh không lây nhiễm...

20230913-A-41.jpg
ảnh minh họa
 
Chia sẻ tại Hội thảo chuyên đề về Tác hại của thuốc lá mới - Các vấn đề thực tiễn và pháp lý diễn ra ngày 26/7, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế-Bộ Y tế cho biết: Sau 10 năm triển khai luật Phòng chống tác hại thuốc lá, tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới giảm 5% nhưng vẫn còn cao, vẫn nằm trong nhóm 15 nước có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới.
Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở nước ta chưa cao nhưng bắt đầu có sự gia tăng ở giới trẻ trong khi Việt Nam chưa cho phép kinh doanh sản phẩm.
Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang được kinh doanh bất hợp pháp nhưng tỷ lệ sử dụng đã có xu hướng gia tăng. Nếu cho phép kinh doanh thì sẽ có nguy cơ tăng mạnh, thu hút giới trẻ nhiều hơn và tạo ra một thế hệ nghiện nicotin mới.
Trước đề xuất của Bộ Công thương về việc cho phép đề xuất thí điểm kinh doanh thuốc lá mới trong 2 năm, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế nhấn mạnh: Ngành y tế đang "còng lưng" phòng chống các bệnh không lây nhiễm. Nếu cho phép thí điểm sẽ dẫn đến hậu quả nặng nề cũng như nhiều vướng mắc pháp lý. Cụ thể, chưa có đủ dữ liệu đánh giá tác động chính sách, đặc biệt là tác hại đến sức khỏe, xã hội, gánh nặng bệnh tật, hệ lụy cho giới trẻ và chi phí, tác động xã hội.
Việc đề xuất thí điểm chỉ tiếp cận từ góc độ kinh doanh, chưa nghiên cứu thấu đáo từ góc độ bảo vệ sức khỏe người dân và xã hội là chưa toàn diện. Thí điểm một sản phẩm gây nghiện nhưng không có giải pháp cho việc giải quyết các hệ lụy sức khỏe, xã hội và những hệ quả sau khi kết thúc thí điểm.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế từ năm 2020-2021, Bộ Y tế đã nhiều lần gửi công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cấm hoàn toàn đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Theo bà Trần Thị Trang cho phép thí điểm thuốc lá mới dẫn đến khó có thể kiểm soát được các sản phẩm tương tự, đồng thời phải giải quyết các hậu quả và bệnh tật.
Trong khi đó lại không tăng thuế và nguồn thu từ các sản phẩm này. Đặc biệt Việt Nam chưa có khả năng về khoa học và máy móc để kiểm nghiệm các sản phẩm này. Nếu thí điểm thì hậu quả rất nặng nề.
Thuốc lá thế hệ mới chứa nhiều chất độc giống như thuốc lá truyền thống
Các nghiên cứu cho thấy, thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử và thuốc lá thông thường đều độc hại đối với tế bào phổi của con người. Bên cạnh đó, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có nguy cơ gây thương tích và tử vong do cháy và nổ.
Ngoài độc tính hóa học, các thiết bị vaping bị lỗi/hỏng đã gây ra các vụ cháy nổ dẫn đến thiệt hại tài sản và thương tích nghiêm trọng (ví dụ như chân, tay, cổ và bỏng mặt, chấn thương mặt (mắt, mũi, miệng) khác, và chấn thương tâm lý, sọ và gãy xương cổ).
BS Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam nhấn mạnh, thuốc lá thế hệ mới chứa nhiều chất độc giống như thuốc lá truyền thống, gây hại cho cả người hút và người xung quanh.
Cụ thể, nguy cơ gây nghiện nicotine, gây ra các bệnh như ung thư, nhất là ung thư phổi (thông qua tăng sinh tế bào, mất cân bằng oxy, gây chết tế bào và đột biến DNA), vòm họng, phổi tắc nghẽn, tăng nguy cơ huyết khối… Nghiêm trọng hơn thuốc lá thông thường, thuốc lá điện tử còn gây nhồi máu cơ tim, liên quan đến hội chứng tổn thương phổi cấp…
Người không hút thuốc khi phơi nhiễm thụ động với hơi thuốc lá điện tử hấp thu lượng nicotine tương đương với khi phơi nhiễm với khói thuốc thông thường. Khi phân tích thành phần không khí trong nhà có người hút thuốc lá điện tử cho thấy, việc gia tăng đáng kể lượng nicotine trên tất cả các bề mặt, có nồng độ cao của các hạt siêu mịn, nồng độ các chất gây ung thư hydro cacbua vòng thơm tăng 20%, nồng độ nhôm tăng gấp 2,4 lần sau khi hút thuốc lá điện tử…
Bên cạnh đó, các tài liệu nghiên cứu cho thấy những người đang hút thuốc lá điếu thông thường có khả năng sử dụng thuốc lá điện tử nhiều hơn những người không hút thuốc lá. Cũng có bằng chứng tại các nước trên thế giới cho thấy thanh thiếu niên không hút thuốc lá vẫn thử và bắt đầu sử dụng các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.
Các kết quả điều tra cũng cho thấy tỷ lệ phụ nữ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng tăng cao hơn so với tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường…
Tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên Việt Nam gia tăng nhanh trong thời gian gần đây. Một Nghiên cứu tại Hà Nội do Viện Chiến lược và Chính sách y tế tiến hành năm 2020 cho thấy, tỷ lệ đang sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8-12 là 8,35% (nữ là 4,8%, nam là 12,39%), ở học sinh lớp 10-12 là 12,6%. Tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá điện tử cũng tăng cao hơn so với hút thuốc lá điếu thông thường. Có tới 8% trẻ em gái và phụ nữ hút thuốc lá điện tử (trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu ở nữ là 1,2%).
Việt Nam vốn là quốc gia có tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá điếu thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ nam giới hút thuốc lá điếu, tuy nhiên với sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá điện tử hướng đến nữ giới và trẻ em, tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá đã và sẽ tiếp tục gia tăng nhanh chóng
 
(Nguồn: suckhoedoisong.vn)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top