Phong phú xuất bản phẩm phục vụ nông thôn
Phần lớn các nhà xuất bản trong cả nước đều có xuất bản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó Nhà xuất bản Nông nghiệp, trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, là cơ quan xuất bản chuyên ngành thuộc khối nông - lâm - ngư, xuất bản các loại sách phục vụ cho quá trình phát triển nông nghiệp và xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Hàng năm, nhà xuất bản xuất bản được khoảng 400 đầu sách với khoảng 1000 bản in để phục vụ cho cán bộ nghiên cứu quản lý, chỉ đạo sản xuất cũng như bà con nông thôn trong toàn quốc. Các xuất bản phẩm của nhà xuất bản đã góp phần đắc lực trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, mà gần đây nhất là những ấn phẩm giới thiệu về bộ tiêu chí, nội dung chương trình, cơ chế xây dựng nông thôn mới và các văn bản pháp luật liên quan đến việc xây dựng nông thôn mới. Ví dụ như: “Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng nông thôn mới”, “Một số chủ trương, chính sách mới về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi và phát triển nông thôn”, “Chương trình 100 nghề cho nông dân”…
Bên cạnh mảng ấn phẩm chuyên ngành về nông nghiệp của Nhà xuất bản Nông nghiệp thì các ấn phẩm phổ biến kiến thức quản lý kinh tế, kiến thức khoa học về nông nghiệp; các ấn phẩm giới thiệu các gương tiên tiến, các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, từ đó giúp nhân dân có điều kiện tiếp cận với các mô hình, cách thức sản xuất mới thông qua sách, nhằm thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng được nhiều nhà xuất bản khác thực hiện. Ví dụ như Bộ sách “Người nông dân làm giàu không khó” – Nhà xuất bản Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, Bộ sách “Công nghệ sinh học cho nông dân” – Nhà xuất bản Hà Nội…
Phục vụ cho việc tuyên truyền bảo vệ môi trường, xây dựng hệ sinh thái bền vững, gắn liền với phát triển kinh tế hộ gia đình trong quá trình đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, các nhà xuất bản đã xuất bản được những ấn phẩm có giá trị, tiêu biểu như “Tìm hiểu Luật bảo vệ môi trường” – Nhà xuất bản Lao động- Xã hội, “Hướng dẫn mới nhất thực thi Luật bảo vệ môi trường 2011” – Nhà xuất bản Lao động, ‘“Bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển chăn nuôi bền vững ở Việt Nam” – Nhà xuất bản Nông nghiệp…
Ngoài mảng sách pháp luật tuyên truyền chủ trương, chính sách hay sách kinh tế, khoa học, công nghệ giới thiệu về mô hình, kỹ thuật sản xuất phục vụ cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, các nhà xuất bản còn quan tâm xuất bản các ấn phẩm với nhiều hình thức, thể loại khác nhau như mảng sách văn hóa - xã hội, sách văn học để thể hiện những chuyển biến, đổi thay trong đời sống nông thôn và người nông dân trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu là tiểu thuyết “Bão đất” – Nhà xuất bản Văn học, đề cập đến nhiều vấn đề chính trị, xã hội: việc quy hoạch ruộng đất, việc công nghiệp hoá nông thôn, việc tuyển dụng cán bộ lãnh đạo... Qua đó, thể hiện sự đấu tranh, chuyển dời, đoạn tuyệt với những thói quen “thâm căn cố đế” trong tâm trí người nông dân để hướng tới ánh sáng đổi thay dưới sự chỉ đạo, định hướng của Đảng và Nhà nước trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Các tác phẩm văn học, nghệ thuật tham gia dự cuộc thi “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam thời kỳ đổi mới” cũng được các nhà xuất bản nhanh nhạy, xuất bản thành sách để kịp thời phục vụ nhu cầu của độc giả như “Tiếng sáo trúc” (kịch bản văn học), “Chờ bên sông mưa”, “Sống tận cùng với đất” - Nhà xuất bản Dân trí…
Đẩy mạnh hoạt động đưa thông tin về cơ sở
Để góp phần trong việc “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, thực hiện thắng lợi Đề án phát triển nông thôn mới, chương trình Sách Nhà nước đặt hàng hàng năm hỗ trợ cho ngành Xuất bản cũng đã quan tâm, khuyến khích các nhà xuất bản đầu tư xuất bản các đầu sách có giá trị cao và có tính ứng dụng thực tiễn trong đời sống. Ví dụ như các đầu sách cẩm nang về trồng trọt, chăn nuôi để phù hợp với bà con nông dân hay các ấn phẩm là những công trình nghiên cứu có giá trị để phục vụ cho cán bộ nghiên cứu, quản lý, chỉ đạo sản xuất. Tiêu biểu là: “Tiếp cận bền vững trong các dự án phát triển nông thôn”, “Xây dựng quy hoạch phát triển thủy sản” – Nhà xuất bản Nông nghiệp…
Chương trình Mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì (bắt đầu thực hiện từ năm 2011), giao cho Ngành Xuất bản thực hiện dự án “xuất bản phẩm theo chuyên đề” cũng chú trọng mảng ấn phẩm tuyên truyền hoạt động phát triển thông tin và truyền thông nông thôn và cung cấp các kiến thức về nông nghiệp và phát triển nông thôn… Tiêu biểu là các xuất bản phẩm phổ cập công nghệ thông tin cho cán bộ quản lý và nhân dân tại địa phương (Sổ tay sử dụng máy tính cho cán bộ quản lý xã, phường; Hướng dẫn sử dụng điện thoại và các dịch vụ – Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông); xuất bản phẩm giới thiệu nghiệp vụ về tổ chức, hoạt động của các tổ chức, đoàn thể chính trị tại địa phương (Pháp luật về cán bộ, công chức chính quyền cấp xã ở Việt Nam hiện nay, Sổ tay địa chính cán bộ quản lý xã, phường – Nhà xuất bản Chính trị - Hành chính); xuất bản phẩm về phục vụ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và các ngành nghề sản xuất phù hợp với địa phương (Cây lúa và kỹ thuật thâm canh lúa cao sản, Hướng dẫn cây mía ở Nghệ An – Nhà xuất bản Nghệ An, Kỹ thuật chăn nuôi lợn Móng Cái, Kỹ thuật thâm canh cây lúa thuần – Nhà xuất bản Thanh Hóa, Hỏi đáp về thực hành nông nghiệp tốt, Hướng dẫn kỹ thuật trồng cây lâm nghiệp cho đồng bào miền núi – Nhà xuất bản Nông nghiệp…).
Như vậy, trong quá trình thực hiện Đề án phát triển nông thôn mới, ngành Xuất bản đã đóng góp một vai trò khá quan trọng. Từ việc đọc sách, người dân sẽ dần tiếp cận, làm theo sách; từ đó thúc đẩy, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về chương trình phát triển nông thôn một cách sâu sắc, toàn diện. Đây chính là từng bước cụ thể hoá chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước vào trong thực tiễn cuộc sống.