Nhận diện điểm nghẽn
Từ đó, rất nhanh, nhiều “điểm nghẽn” về thông tin và truyền thông đã lộ diện: Hạ tầng nền tảng số của nhiều đơn vị chưa bảo đảm về số lượng và chất lượng; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đến cấp xã chưa đầy đủ, đồng bộ; các ứng dụng triển khai thiếu tính liên thông; cán bộ công nghệ thông tin có trình độ chuyên môn cao trong các cơ quan, bộ phận chuyên trách còn rất ít; thiếu các chủ trương, cơ chế, chính sách của tỉnh để thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin; cổng dịch vụ công chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng dịch vụ và số hồ sơ phát sinh thông qua dịch vụ công mức độ 4; chưa có chế tài bắt buộc người đứng đầu cơ quan đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo triển khai, sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin liên quan đến chuyên ngành...
Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được ngành xác định là một điểm nghẽn cần được tháo gỡ
Mặc dù những năm qua, tỉnh đã dành nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực thông tin và truyền thông song qua rà soát lại, hạ tầng cơ sở phục vụ chính quyền điện tử và công cuộc chuyển đổi số còn nhiều cái thiếu như: chưa có trung tâm giám sát dịch vụ đô thị thông minh, trung tâm dự phòng, kho lưu trữ số tập trung, cổng dữ liệu số...
Khơi thông nguồn lực
Nhận định rõ những tồn tại cần phải khắc phục, Sở Thông tin và Truyền thông đã và đang tham mưu UBND tỉnh ban hành, trình các cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách của tỉnh, tạo cơ sở, căn cứ để triển khai thúc đẩy các hoạt động phát triển ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh. Sở đã tham mưu UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số, hoàn thiện chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, phát triển dịch vụ đô thị thông minh, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 39 thông qua Đề án hoàn thiện chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt đề án trên, làm cơ sở pháp lý cho các đơn vị, địa phương triển khai các nội dung xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số. Hạ tầng nền tảng số và dữ liệu số phục vụ chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Phúc khi hoàn thành sẽ đáp ứng năng lực triển khai nền tảng, ứng dụng và cơ sở dữ liệu dùng chung đồng bộ 3 cấp tỉnh, huyện, xã; bảo đảm công tác phát hiện, phân tích và ứng phó với các sự cố an ninh mạng của tỉnh.
Bên cạnh đó, một số dự án tăng cường năng lực vận hành cho Trung tâm dữ liệu của tỉnh và triển khai các nền tảng, ứng dụng dùng chung của tỉnh do Sở làm chủ đầu tư đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện như dự án bổ sung, nâng cấp hệ thống lưu trữ, sao lưu dữ liệu các hệ thống thông tin của tỉnh tại Trung tâm Hạ tầng thông tin tỉnh; dự án đầu tư nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung (LGSP) tỉnh Vĩnh Phúc.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc triển khai thử nghiệm một số sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, đầu mối là VNPT Vĩnh Phúc tham mưu với UBND tỉnh thử nghiệm sản phẩm Trung tâm thông tin giám sát, điều hành thông minh (IOC). Để bảo đảm liên thông ứng dụng của các ngành, các cấp, Sở Thông tin và Truyền thông đang triển khai dự án đầu tư nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung (LGSP) toàn tỉnh.
Triển khai dịch vụ công mức độ 4, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Tập đoàn VNPT khảo sát và xây dựng hệ thống phần mềm dịch vụ công, một cửa điện tử và cấu hình xong 376 dịch vụ công cấp huyện, cấp xã. Cùng với đó, Sở đã triển khai thử nghiệm liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia, thanh toán trực tuyến; thực hiện liên thông các phần mềm về quản lý văn bản và điều hành tỉnh, hệ thống biên lai điện tử, hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tích hợp chữ ký số, hệ thống đăng nhập một lần SSO.
Công nghệ thông tin là lĩnh vực khó, đòi hỏi lao động có trình độ cao, chuyên môn sâu, trong khi đó cán bộ công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu trên trong các cơ quan, bộ phận chuyên trách của tỉnh có rất ít. Do vậy, việc khơi thông nguồn lực con người được ngành Thông tin và Truyền thông đặc biệt chú trọng. Toàn tỉnh có 87 cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ công nghệ thông tin trong các cơ quan, địa phương. Các cán bộ này cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tham mưu, vận hành hệ thống công nghệ thông tin tại đơn vị. Tại Sở Thông tin và Truyền thông hiện có 28/59 công chức, viên chức có trình độ chuyên môn đúng hoặc gần với công nghệ thông tin. Đội ngũ này có năng lực, trình độ chuyên môn cao, cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ quản lý và vận hành Trung tâm Hạ tầng thông tin và các hệ thống dùng chung của tỉnh. Tuy nhiên, với khối lượng công việc rất lớn và phức tạp thì số lượng cán bộ trên chưa đủ để bao quát toàn bộ công việc theo chức năng, nhiệm vụ công việc được giao.
Chú trọng giải pháp phát triển nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhiệm vụ chuyển đổi số
Nhằm thu hút, tăng cường nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao, vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét trình HĐND tỉnh ban hành chính sách về hỗ trợ cán bộ, công chức viên chức chuyên trách công nghệ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. Sở tổ chức các lớp đào tạo kiến thức chuyên sâu nhằm nâng cao năng lực trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin tại các đơn vị, địa phương đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cho từng nội dung công việc, đặc biệt những công việc khó, rất khó, ít người có thể tham gia.
Tận dụng thời cơ để tạo đột phá
Xác định đây là giai đoạn có nhiều điều kiện thuận lợi giúp ngành Thông tin và Truyền thông triển khai nhanh nhất nhiệm vụ chuyển đổi số, công nghệ trực tuyến, để chớp thời cơ, toàn ngành thẳng thắn nhìn nhận mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, song các điểm nghẽn của ngành cơ bản vẫn còn hiện hữu. Trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông với quyết tâm cao nhất sẽ tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, hướng tới tạo các đột phá đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa của tỉnh.
Sở chủ động xây dựng kế hoạch xác định thứ tự ưu tiên, lộ trình triển khai các giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại của ngành; giao nhiệm vụ để các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan chủ trì triển khai các giải pháp khắc phục. Cùng với việc tham mưu tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách, Sở tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, tăng cường chức năng quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, tập trung triển khai các giải pháp trọng tâm phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; tham mưu tỉnh đầu tư, phát triển các nền tảng số, nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung trong tỉnh và kết nối liên thông, chia sẻ với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, cơ sở dữ liệu quốc gia. Xây dựng Trung tâm dữ liệu số dự phòng thảm họa DR, Trung tâm giám sát an toàn, an ninh không gian mạng – SOC; xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai, ứng dụng di động duy nhất trên địa bàn tỉnh. Hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin cấp xã, mạng lưới phát thanh thông minh; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, phấn đấu mục tiêu đưa 100% dịch vụ công đủ điều kiện cung cấp trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021. Đồng thời, đào tạo chuyên gia, hình thành đội ngũ cốt cán về công nghệ thông tin của tỉnh, đặc biệt là an toàn, an ninh mạng.
Trước tình hình dịch bệnh đang tiếp diễn phức tạp, Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường triển khai các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào phòng chống dịch Covid-19, phục vụ thiết thực, hiệu quả nhất công tác phòng chống dịch bệnh, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội và góp phần giữ vững vùng xanh toàn tỉnh.