Chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển đổi số nông nghiệp
Năm 2022, công tác chuyển đổi số tiếp tục được Bộ NN&PTNT chú trọng, triển khai ngay từ những tháng đầu năm và đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Bộ NN&PTNT đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số để chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số theo 3 trụ cột: Bộ NN&PTNT số, kinh tế nông nghiệp số và nông dân số. Bộ lấy ngày 19/8 hàng năm là ngày chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Cùng với đó, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị tập trung xây dựng đề án chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, làm căn cứ cho bộ triển khai ở trung ương và địa phương. Hầu hết các tỉnh, thành phố đã ban hành đề án, kế hoạch chuyển đổi số và triển khai vào thực tế sản xuất đối với một số lĩnh vực như chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng…
Nhiều địa phương đã quan tâm triển khai công tác chuyển đổi số trong nông nghiệp. Điển hình tại Hà Nội, thành phố đã phối hợp và triển khai theo các cấp độ với các doanh nghiệp để minh bạch các sản phẩm với mã QR. Ngoài ra, Hà Nội đẩy mạnh kết hợp với các tỉnh khác trên cơ sở hệ thống này để quản lý về mặt chất lượng sản phẩm nông nghiệp; hoàn thiện các cơ sở dữ liệu về đất… Hay như đối với tỉnh Quảng Nam, nông nghiệp là 1 trong 5 ngành được tỉnh chọn triển khai chuyển đổi số trong giai đoạn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, Quảng Nam đã đưa nông sản lên 2 sàn thương mại điện tử: Vỏ sò với 104 sản phẩm; Postmart với 109 sản phẩm,…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, hai sự kiện này nhằm thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực lớn của ngành trong việc cam kết đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp nhằm thay đổi tư duy, cách thức quản lý mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển bền vững theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” trong thời gian tới. Nhất là khi Đảng, Nhà nước xác định: Nông nghiệp là “trụ đỡ” của nền kinh tế, là nền tảng, lợi thế quốc gia trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Bên cạnh một số kết quả đạt được nêu trên, việc ứng dụng công nghệ số vào ngành Nông nghiệp còn có những hạn chế như: Cơ sở hạ tầng số ở nông thôn còn thiếu, trong khi nhận thức và kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh của nông dân còn hạn chế. Ứng dụng công nghệ số vào nông nghiệp còn khiêm tốn, đến hết năm 2021, cả nước mới có khoảng 2.200/19.000 hợp tác xã nông nghiệp thực hiện chuyển đổi số, với gần 2% tổng số hộ nông nghiệp được tập huấn công nghệ số…
Chuyển đổi số là đòi hỏi cấp thiết và phải làm nhanh
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan từng chia sẻ, chuyển đổi số hướng đến sự chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp và để xây dựng thương hiệu cho nông sản. Chuyển đổi số phải xoá đi sự mù mờ về cơ quan quản lý, xuất xứ nguồn gốc, chất lượng nông sản. Vì vậy, công cuộc chuyển đổi số đối với nông nghiệp đang là đòi hỏi cấp thiết và phải làm nhanh.
Mượn câu chuyện về 4 người bạn nhỡ tàu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, Bộ NN&PTNT sẽ bắt tay ngay vào chuyển đổi số để không "lỡ tàu": "Chúng ta dứt khoát không để "lỡ chuyến tàu" chuyển đổi số. "Lỡ chuyến tàu" là có tội với hàng triệu bà con nông dân, là thiếu trách nhiệm với tương lai của nền nông nghiệp". Người đứng đầu ngành Nông nghiệp đã có cam kết mạnh mẽ về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp thông qua việc phát động phong trào thi đua tích cực thực hiện chuyển đổi số. Đồng thời, Bộ NN&PTNT sẽ hỗ trợ, giúp đỡ để các hộ nông dân được tiếp cận với công nghệ số, để không ai bị "lỡ chuyến tàu" này.
Xây dựng bản đồ số nông nghiệp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra mục tiêu cho giai đoạn 2021-2025 về chuyển đổi số: Xây dựng 80% cơ sở dữ liệu về nông nghiệp, cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn. Cơ bản hoàn thành dữ liệu cây trồng, vật nuôi, thủy sản; xây dựng bản đồ số nông nghiệp sẵn sàng kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp; xây dựng nền tảng ứng dụng công nghệ chuỗi khối để cung cấp thông tin môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng từng cho biết, năm 2022 sẽ có 9 nền tảng số dành cho ngành Nông nghiệp. Cụ thể như nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản, nền tảng sàn thương mại điện tử nông nghiệp,…
Để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ NN&PTNT cần có kế hoạch riêng cho chuyển đổi số năm 2022. Đồng thời, cần nhanh chóng phát triển trang web để trao đổi kinh nghiệm trong chuyển đổi số trong và ngoài nước. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp cần kiện toàn bộ phận về công tác truyền thông để tiếp nhận phản hồi của người dân và doanh nghiệp về công tác chuyển đổi số.