Công ty TNHH Koyu & Unitek (Khu công nghiệp Loteco, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đã tự động hóa trong nhiều khâu sản xuất
Theo Hội Tự động hóa TP.HCM, qua khảo sát 500 DN Việt Nam, đa số đều cho biết không CĐS sẽ thất bại vì đòi hỏi của các khách hàng ngày một cao. Do đó, các DN từng bước CĐS, dựa trên các trụ cột chính gồm liên kết mạng để kết nối các thiết bị, máy móc, dây chuyền sản xuất.
Công cuộc CĐS đang diễn ra trên thế giới với tốc độ nhanh, tác động đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế toàn cầu, mở ra các cơ hội lớn cho DN để tăng sức cạnh tranh. CĐS góp phần hỗ trợ cho DN trong phòng, chống đại dịch Covid-19, giảm nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. CĐS là cuộc cách mạng về chính sách, thể chế, công nghệ.
PGS-TS Lê Hoài Quốc, Chủ tịch Hội Tự động hóa TP.HCM chia sẻ, các nước trên thế giới rất quan tâm đến CĐS và họ bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức của DN, người lao động, vì khi hiểu rõ về những ưu điểm của CĐS họ mới tích cực tham gia. Tại khu vực ASEAN, Singapore đã bắt đầu tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân về CĐS từ hơn 10 năm trước, còn Việt Nam mới được khoảng 4-5 năm trở lại đây. Việt Nam là nước tham gia hội nhập sâu nhanh với nhiều hiệp định thương mại tự do đã được ký kết và có hiệu lực. DN muốn nắm bắt được những cơ hội do hội nhập sâu mang lại thì phải nhanh chóng tái cơ cấu sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, hướng đến nền sản xuất thông minh để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Gần đây, nhiều DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đưa ra tiêu chí chọn nhà cung ứng sản phẩm đầu vào phải có nhà máy sản xuất CĐS. Còn những DN FDI không đưa ra tiêu chí trên nhưng cũng sẽ ưu tiên và tin tưởng đặt hàng những DN có nhà máy sản xuất ứng dụng công nghệ 4.0.
TS Nguyễn Hoàng Phương, chuyên gia kinh tế, giảng viên Học viện Chính trị khu vực II cho rằng, đại dịch Covid-19 sẽ còn tiếp diễn, trong tình hình mới, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đã chọn phương án linh hoạt, an toàn, thích ứng với tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới. Trong đó, DN muốn giữ được chuỗi sản xuất, cung ứng ổn định và phát triển bền vững trong giai đoạn này thì buộc phải ứng dụng công nghệ vào trong sản xuất, kinh doanh.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội DN Cơ khí điện TP.HCM nhấn mạnh, gần 100% DN FDI đang áp dụng CĐS trong các nhà máy sản xuất công nghiệp. Do đó, DN Việt muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cần có lộ trình cho CĐS, có thể bắt đầu tận dụng trên nền tảng sẵn có và xem CĐS là một đầu tư quan trọng. Theo kinh nghiệm từ những DN đã thực hiện thành công CĐS tại Việt Nam thì các DN muốn CĐS phải có đội ngũ am hiểu về lĩnh vực này, chọn được đơn vị tư vấn chuyên nghiệp, có nguồn lực về tài chính. Các DN nhỏ nguồn vốn có hạn nên tìm thêm nguồn lực bên ngoài như: kêu gọi hợp tác đầu tư, vay vốn ngân hàng, tham gia các chương trình hỗ trợ từ các quỹ, hiệp hội…
* Đồng Nai ban hành lộ trình CĐS
Đồng Nai xem CĐS là một nhu cầu tất yếu rất quan trọng trong quá trình phát triển công nghiệp. Mục tiêu của tỉnh là phát triển công nghiệp hiện đại hướng đến nền kinh tế số. Do đó, ngày 30-12-2020, UBND tỉnh đã có Quyết định số 5003/QĐ-UBND phê duyệt chương trình CĐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh sẽ ứng dụng, phát triển các nền tảng số tạo cơ sở để các hệ thống, ứng dụng, dịch vụ thực hiện CĐS nhanh hơn, giảm chi phí, tạo các hệ sinh thái CĐS.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ tập trung nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động, phát huy phong trào khởi nghiệp sáng tạo, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hướng đến nền kinh tế số, nhằm tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu của tỉnh đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% trong GRDP, năm 2030 là 30%. Các đơn vị sự nghiệp công ứng dụng công nghệ thông tin trong giao tiếp với người dân, DN.
Thời gian qua, tỉnh đã và đang thực hiện các bước trong CĐS ở hầu hết các lĩnh vực từ quản lý nhà nước đến sản xuất, kinh doanh của các DN. Các sở, ngành, địa phương ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý giải quyết các thủ tục hành chính để đơn giản, rút ngắn thời gian, chi phí cho người dân, DN.
Cuối tháng 8-2021, trong chuyến thăm và làm việc với Đồng Nai, khi đến thăm một số DN, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã nhấn mạnh, ứng dụng công nghệ vào sản xuất sẽ giúp các DN giảm bớt thiệt hại trong đại dịch Covid-19. Thực tế cho thấy, những nhà máy hiện đại, tự động hóa nhiều khâu sẽ duy trì sản xuất tốt hơn, đảm bảo được chuỗi cung ứng hàng hóa. Đồng Nai có nhiều nhà máy vẫn duy trì sản xuất trong thời gian giãn cách xã hội là do ứng dụng công nghệ vào trong sản xuất. Chính phủ khuyến khích DN chủ động trong phòng, chống dịch và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh để giảm rủi ro.
Nói về CĐS, ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nestlé Việt Nam (DN tiên phong trong CĐS) chia sẻ, để thực hiện CĐS thành công, DN cần có chiến lược, sự đầu tư đúng đắn cũng như ưu tiên ứng dụng các công nghệ mới để đem lại hiệu quả và gia tăng lợi nhuận cho DN. Điều quan trọng là tư duy lãnh đạo cùng lộ trình phát triển công nghệ phải rõ ràng, kết hợp với việc bồi đắp năng lực nhân viên để thích nghi với sự chuyển mình của DN. Việc tuyển chọn, phát triển năng lực nhân viên nhằm hiện thực hóa, vận hành, duy trì hiệu quả DN là rất quan trọng. Cuối cùng là áp dụng đúng mô hình, lựa chọn công nghệ phù hợp với quy mô và sự phát triển của DN. Khi đầu tư vào Việt Nam, Nestlé đã xác định động lực tăng trưởng bền vững được thiết lập dựa trên các trụ cột chính là CĐS, đổi mới - người tiêu dùng là trọng tâm và phát triển bền vững. Trong đó, CĐS được xác định là quá trình bao trùm toàn bộ cơ chế vận hành của công ty, giúp tạo ra nền tảng cho sự tăng trưởng góp phần vào sự phát triển bền vững chung của DN và cộng đồng./.