Sáng ngày 11/9/2020 tại Hà Nội, Ban Cơ yếu Chính phủ đã tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành Cơ yếu Việt Nam (12/9/1945 - 12/9/2020). Theo Tạp chí An toàn thông tin đưa tin, nhân dịp này, ngành Cơ yếu Việt Nam đã nhận được Thư chúc mừng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng.
Ngành Cơ yếu hướng tới phát triển đội ngũ chuyên gia an toàn thông tin
Thứ ba, 22/09/2020 10:12
Nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống, ngành Cơ yếu được định hướng việc xây dựng đội ngũ cơ yếu có trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi và coi trọng phát triển đội ngũ chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực bảo mật, an toàn thông tin.
Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã tới dự và phát biểu tại buổi lễ. Thượng tướng Phan Văn Giang đề nghị Ban Cơ yếu Chính phủ và ngành Cơ yếu Việt Nam trong thời gian tới cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, ngành Cơ yếu cần chủ động nghiên cứu, dự báo, nắm vững tình hình, kịp thời tham mưu chiến lược về công tác cơ yếu và thực hiện hiệu quả các hoạt động cơ yếu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Bên cạnh đó, cần đầu tư hiện đại hóa hạ tầng cơ sở mật mã quốc gia đồng bộ với hạ tầng CNTT - viễn thông.
Ngành Cơ yếu cũng cần tổ chức thống nhất, chặt chẽ, tinh gọn, gắn với đổi mới phương thức hoạt động, phù hợp với thực tiễn; có nền khoa học - công nghệ mật mã tiên tiến, hiện đại; tự chủ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các trang thiết bị mật mã chuyên dụng công nghệ cao.
Một nhiệm vụ khác được đặt ra, đó là xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên cơ yếu có trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, có năng lực tham mưu, chỉ đạo, chỉ huy, quản lý, điều hành khai thác làm chủ trang thiết bị mật mã hiện đại; coi trọng phát triển đội ngũ chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực bảo mật, an toàn thông tin.
Nhân dịp này, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ Vũ Ngọc Thiềm cũng chia sẻ trên Tạp chí An toàn thông tin về một số nội dung, giải pháp cần tập trung triển khai thời gian tới. Theo đó, cần đổi mới phương thức hoạt động của công tác cơ yếu, bảo đảm nguyên tắc thống nhất, chặt chẽ trong tổ chức, quản lý, sử dụng các sản phẩm mật mã, kỹ thuật mật mã.
Bên cạnh đó là mục tiêu xây dựng và phát triển hệ thống thông tin mật mã quốc gia, hệ thống chứng thực điện tử chuyên dùng Chính phủ, hệ thống giám sát an toàn thông tin trên mạng CNTT trọng yếu của các cơ quan Đảng, Nhà nước; quản lý hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm mật mã.