Ngân hàng số: Xoay chuyển thách thức thành cơ hội bứt tốc

Thứ năm, 21/01/2021 16:25

Sáng ngày 21/1/2021, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Ngân hàng số: Xoay chuyển thách thức thành cơ hội bứt tốc” do Báo điện tử VTC News phối hợp với Viện chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) và Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC (VTC1) tổ chức.

Tham dự hội thảo có PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Ông Ngô Minh Hiển - Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Ông Trần Đức Thành - Giám đốc Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC. Tham dự còn có đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đại diện Bộ TT&TT và đông đảo sinh viên khoa tài chính ngân hàng của các trường đại học.

20210121-pg1-VOV.jpg

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam nhận định, Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nêu rõ, một trong những lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí cần ưu tiên chuyển đổi số trước là tài chính - ngân hàng. Ngành tài chính ngân hàng mang trọng trách là huyết mạch của nền kinh tế, cung ứng những dịch vụ thiết yếu và nền tảng, thúc đẩy cho các ngành kinh tế phát triển. Kinh tế số, thương mại điện tử là xu hướng tất yếu của thời đại.

Do đó, trong thời gian qua, đại đa số các ngân hàng xác định, chuyển đổi số không còn là xu hướng, mà là bắt buộc. Nhiều ngân hàng đã định hình lại chiến lược của mình và xác định chuyển đổi số là lựa chọn để tồn tại, bắt kịp xu hướng và tạo lợi thế cạnh tranh.

Trong thời gian qua có 95% tổ chức tín dụng đã, đang xây dựng hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số, 39% tổ chức đã phê duyệt chiến lược chuyển đổi số hoặc tích hợp trong chiến lược phát triển kinh doanh công nghệ thông tin. Có 42% tổ chức đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Về lợi ích của chuyển đổi số trong vòng 3 – 5 năm tới, có 82,5% ngân hàng kỳ vọng sẽ tăng trưởng doanh thu ít nhất 10%; 58,1% ngân hàng kỳ vọng trên 60% khách hàng sử dụng kênh số và 44,4% ngân hàng kỳ vọng tỷ lệ tăng trưởng khách hàng đạt mức trên 50%.

Tuy nhiên, theo ông Kỷ, chuyển đổi số đối diện nhiều thách thức: Cơ sở hạ tầng cũng đòi hỏi hạ tầng số đồng bộ, tập trung, chuẩn kỹ thuật kết nối, chuẩn dữ liệu, cơ sở dữ liệu dùng chung, hạ tầng an ninh, bảo mật. Ngoài ra, nhiều vấn đề đặt ra trong hợp tác giữa ngân hàng với công ty fintech như an ninh an toàn, bảo mật thông tin... Xu hướng gia tăng tội phạm công nghệ cao với nhiều thủ đoạn mới và ngày càng tinh vi.

Năm 2021 được dự báo sẽ là năm bùng nổ về chuyển đổi số, sẽ có các chuyển đổi tích cực trong việc cải thiện trải nghiệm khách hàng và nâng cao năng suất thông qua tự động hoá, các nền tảng mới gắn kết khách hàng sẽ ra đời. Tuy nhiên, dù có khá nhiều yếu tố hỗ trợ, điều kiện thuận lợi nhưng công cuộc chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể như thách thức về mặt công nghệ, dữ liệu, nhân sự, quy trình… Đây thật sự là những khó khăn của các ngân hàng.

Ngân hàng - đối tượng chính của tấn công mạng

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Đức Tuân, Quyền Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam - Cục An toàn Thông tin (Bộ TT&TT) cảnh báo về tình trạng tấn công mạng đang diễn ra khá phổ biến. Trong đó, lĩnh vực tài chính chiếm khoảng 51% các vụ lừa đảo trên mạng trong năm 2019 (năm 2018 là 44,7%). Lợi ích tài chính là động cơ chính của tội phạm mạng chiếm đến 86%. 30% sự cố ATTT trong lĩnh vực tài chính là do cuộc tấn công ứng dụng web.

Dẫn giải về một số cuộc tấn công mạng lớn tại Việt Nam như vụ Ngân hàng MSB bị lộ 2 triệu dữ liệu khách hàng…ông Tuân nhấn mạnh, các sự cố thường gặp như: Dữ liệu không được mã hóa, phần mềm độc hại, dịch vụ bên thứ ba không an toàn, dữ liệu bị thay đổi trái phép, tấn công giả mạo… Đặc biệt xu hướng tấn công APT ngày càng gia tăng số lượng và mức độ tinh vi.

Ông Tuân đưa ra những giải pháp để đảm bảo an toàn thông tin trong quá trình chuyển đổi số. Về con người, cần nâng cao nhận thức cho nhân viên, người dùng, bộ phận chuyên trách về an toàn thông tin, đào tạo, huấn luyện đội ngũ chuyên trách về an toàn thông tin, diễn tập thường xuyên về an toàn thông tin.

Đối với kỹ thuật, công nghệ: Cần phân tách các vùng mạng và có phương án bảo vệ riêng cho mỗi vùng mạng, thiết lập và bảo vệ các kết nối VPN, thiết lập các hệ thống phòng chống xâm nhập cho các vùng thông tin, xác thực mạnh và chữ kí số để đảm bảo giao dịch trực tuyến, duy trì giám sát, kiểm tra, phát hiện các lỗ hổng trong ứng dụng phát triển.

Tiếp tục phát triển mạng lưới ứng cứu sự cố quốc gia, có những sự số xảy ra ở Việt Nam nhưng máy chủ lại đặt ở nước ngoài, vì vậy thiết lập mạng lưới ứng cứu này có vai trò rất quan trọng, ông  Nguyễn Đức Tuân nhấn mạnh.

5 thách thức lớn

Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước chỉ ra 5 thách thức lớn với chuyển đổi số ngân hàng. Đó là khuôn khổ pháp lý; Cơ sở hạ tầng: Cần xây dựng cơ sở hạ tầng số đồng bộ, tập trung, chuẩn kỹ thuật kết nối, chuẩn dữ liệu, cơ sở dữ liệu dùng chung, hạ tầng an ninh, bảo mật.

Sự tham gia của các công ty công nghệ tài chính (Fintech) trong hợp tác với ngân hàng, đặt ra các vấn đề như: an ninh an toàn, bảo mật thông tin...

Tội phạm công nghệ cũng là mối nguy lớn, buộc các ngân hàng phải xây dựng hệ thống bảo mật, đảm bảo hoạt động liên tục, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Giáo dục tài chính, bảo vệ người tiêu dùng cũng là một thách thức, theo đó cần thông tin đến người dân để hiểu rõ về lợi ích của ngân hàng số và cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo khi giao dịch ngân hàng số.

Cần tiếp tục đẩy nhanh hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cho phép chia sẻ, kết nối mở với các ngành dịch vụ như ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm; Sửa đổi hoặc thay thế Luật Giao dịch điện tử 2005 tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho các Bộ, ngành, giúp thúc đẩy giao dịch điện tử; Xây dựng quy định về bảo vệ dữ liệu người dùng, định danh số, hoàn thiện quy định bảo mật giao dịch, an ninh; Nâng cao nhận thức, hiểu biết người dân về ứng dụng kỹ thuật số, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực thích ứng với chuyển đổi số, đại diện Ngân hàng Nhà nước đề xuất./.

PV
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top