Anh Hiếu cho hay, anh chỉ ở lại đây theo công trình xong lại đi, nhưng các cô giáo và nhiều nhân viên các ngành nghề ở lâu dài ở đây chính là người nếm đủ rắc rối với tình cảnh này vì phải đến cuối tháng mới ra huyện rút tiền lương ở ATM. Và mọi thứ sẽ không còn rắc rối nếu có Mobile Money.
Mới đây, có chuyện một người bán hàng ở TP. Hải Dương (tỉnh Hải Dương) phải liều vào khu đang bị phong tỏa có người nhiễm Covid-19 để thu nợ tiền hàng gây xôn xao trong dư luận. Người phụ nữ này đã bất chấp nguy hiểm khi có thể bị lây nhiễm, có thể truyền bệnh cho người thân trong gia đình cùng nhiều người khác, chỉ để thu tiền nợ một khoản tiền hàng nhỏ khoảng 200.000 đồng. Có thể với nhiều người, 200.000 đồng chỉ là số tiền nhỏ, không đáng phải chấp nhận rủi ro như vậy, nhưng với người nghèo thì chưa hẳn và việc thu nợ tiền hàng là cần thiết.
Tuy nhiên, nếu dịch vụ Mobile Money đã đi vào hoạt động, thì việc thu nợ tiền rượu của người phụ nữ bán hàng rất đơn giản. Sẽ không có chuyện phải bất chấp quy định, lẻn vào khu phong tỏa làm gì. Chỉ cần ở nhà và nhận tiền trả nợ trên điện thoại di động. Các cơ quan chức năng cũng giảm bớt sự vất vả, căng thẳng khi phải đối phó với những tình huống trớ trêu như thế này. Nếu như dịch vụ Mobile Money (tiền di động) đã đi vào hoạt động, thì việc thu nợ sẽ không nguy hiểm đến như vậy.
Ngày 9/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông, thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money), kéo dài trong 2 năm. Cho đến thời điểm này các DN vẫn đang trong quá trình chuẩn bị và dịch vụ Mobile Money chưa chính thức đi vào hoạt động. Hệ thống Mobile Money hoạt động rất đơn giản. Tiền được nạp vào điện thoại di động, dưới dạng tài khoản viễn thông, được dùng để thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ từ vài nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng. Hệ thống hoạt động thông qua tin nhắn văn bản, trên điện thoại di động.
Theo thống kê, hơn 50% dân số Việt Nam hiện chưa có tài khoản thanh toán tại ngân hàng, nhất là người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó, không có một ngân hàng nào ở Việt Nam phục vụ những khoản thanh toán nhỏ lẻ hàng ngày.
Lấy ví dụ, một người sống tại Hà Nội, muốn chuyển tiền về cho gia đình ở một bản làng xa sát biên giới, số tiền 200.000 đồng để góp giỗ. Hiện nay phổ biến nhất là người đó phải ra ngân hàng làm thủ tục, chờ 30 phút và chuyển 200.000 đồng. Sau đó, người nhà ở quê sẽ đi lại mất vài giờ để nhận tiền, với tổng chi phí tính ra có khi chiếm đến một nửa, thậm chí là ngang bằng số tiền cần chuyển. Vì vậy, sẽ không chuyển nữa. Nếu như có Mobile Money thì việc này hết sức đơn giản. Chỉ cần rút điện thoại ra và bấm là xong.
Với lợi thế của mình các đơn vị triển khai dịch vụ cần mở rộng nhiều điểm để người tiêu dùng dễ dàng sử dụng. Về cơ bản, Mobile Money hướng đến thị trường ngách, với người dân miền núi, vùng sâu vùng xa, các vùng nông thôn, nơi đa phần chưa có thẻ ngân hàng cũng như điều kiện sử dụng các dịch vụ thanh toán hiện đại. Mobile Money giúp người dân thanh toán linh hoạt những sản phẩm dịch vụ tài chính, thanh toán tiền trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, tài chính, an sinh xã hội,... với giá trị nhỏ. Có thể được nhận, lưu trữ, chi tiêu từ tài khoản trên điện thoại di động của bất cứ ai, ở bất cứ đâu có tín hiệu điện thoại di động mà không cần thông qua bất kỳ trung gian nào. Tại những vùng không có Internet, hoặc với người dùng điện thoại phổ thông, họ có thể sử dụng tài khoản Mobile Money của mình để thanh toán thông qua tin nhắn SMS.
Mở thật nhanh
Trong hoàn cảnh dịch Covid diễn biến phức tạp như hiện nay, việc đi lại giữa các địa phương hết sức khó khăn và đầy rủi ro thì Mobile Money thực sự rất phát huy tác dụng. Mọi người có thể chuyển những khoản tiền nhỏ về cho gia đình, người thân, bạn bè... thật dễ dàng mà không cần phải đi lại. Việc kinh doanh cũng rất thuận tiện, bán hàng có thể nhận tiền trên điện thoại di động mà không phải gặp trực tiếp để thu nợ.
Mobile Money ra đời có thể tiếp cận đến 70% dân số cả nước, bởi ai cũng có điện thoại di động và mạng viễn thông đã phủ sóng toàn quốc. Từ cốc trà đá, vé gửi xe, bánh xà phòng, gói mì tôm đến hóa đơn điện, nước, giáo dục, y tế,... người dân sẽ rút điện thoại ra để thanh toán, thuận tiện vô cùng. Ngay tại các nước phát triển như Nhật Bản, bình quân mỗi người dân có tới 7,5 thẻ ngân hàng, thì vẫn có 40% thuê bao di động sử dụng Mobile Money để chi tiêu cho các món siêu nhỏ.
Đại dịch Covid đang đặt ra thách thức lớn cho đất nước, bởi nhiều hoạt động bị đình trệ. Nhưng thách thức cũng đi liền với cơ hội. Virus Corona lây lan thông qua tiếp xúc, đây chính là cơ hội lớn để phát triển các loại hình thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có Mobile Money.
Trong phát biểu gần đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, một điểm rất quan trọng là phải thúc đẩy nhanh thanh toán điện tử, phải mở thật nhanh để cho người dân có thể thanh toán trên di động.Theo nhận xét của các chuyên gia kinh tế, việc triển khai Mobile Money không chỉ giúp người dân vùng khó khăn tiếp cận với các tiện ích tài chính cơ bản như có tài khoản gửi và nhận tiền, thanh toán... mà còn giúp nhiều người bắt bắt đầu công việc kinh doanh của họ, nhất là trong hoàn cảnh đại dịch Covid bùng phát. Mobile Money là một giải pháp mới để hỗ trợ chuyển đổi số và là một trong những phần quan trọng của Cách mạng công nghiệp 4.0. Tất cả các quốc gia cho phép Mobile Money hoạt động đều tạo ra tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, các DN cần nhanh chóng đưa Mobile Money đi vào hoạt động. Cùng với đó, nên rút ngắn thời gian thí điểm, để nhanh chóng triển khai hoạt động này.
Để người dân dễ tiếp cận, các đơn vị triển khai dịch vụ cần mở rộng nhiều điểm để người tiêu dùng dễ dàng sử dụng cần hoàn thiện công tác định danh khách hàng với các quy định về xác minh, định danh khách hàng; đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp mã công dân. Các DN viễn thông nhanh chóng hoàn thiện việc chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, định danh khách hàng, kiểm soát sim rác... để tạo niềm tin khi sử dụng Mobile Money.
Báo cáo về dịch vụ Mobile Money của TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Nghiên cứu và Đào tạo BIDV cho thấy còn rất nhiều dư địa để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Việc phát triển các hình thức thanh toán mới, hiện đại, bao gồm cả Mobile Money phục vụ khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những người chưa có tài khoản ngân hàng là một trong những mục tiêu trọng tâm của Chính phủ tại chiến lược phát triển tài chính toàn diện.
Một trong những ưu điểm của Mobile Money là khi giải ngân qua dịch vụ này sẽ nhanh chóng hơn mô hình truyền thống. Giá trị thanh toán qua Mobile Money thường là nhỏ và siêu nhỏ, nên việc triển khai Mobile Money sẽ thúc đẩy tiếp cận tài chính cho người dân và doanh nghiệp siêu nhỏ cùng một bộ phận lớn GDP đang giao dịch bằng tiền mặt. Ngoài ra, hệ thống thanh toán này cũng có thể hạn chế các rủi ro dùng tiền mặt như: mất cắp, tiền giả, đặc biệt tại những nơi an ninh không được đảm bảom, trường hợp di chuyển, có biến động hay khẩn cấp.