Ngày 19/9, phát biểu tại Diễn đàn ASEAN về ứng phó và xử lý tin sai sự thật trên không gian mạng, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) chia sẻ, tại Việt Nam, có rất nhiều vấn đề đến từ tin giả, tin sai sự thật, đặc biệt từ các nền tảng trực tuyến xuyên biên giới.
Theo ông Lê Quang Tự Do, tại Việt Nam, có 4 nền tảng lớn gồm: Zalo với 47 triệu người dùng, YouTube với 63 triệu người dùng, Facebook với 66 triệu người dùng và TikTok với gần 50 triệu người dùng.
“3 trong số 4 nền tảng này gồm Facebook, YouTube, TikTok là nơi thông tin sai lệch truyền tải rất nhanh. Thời gian qua, Việt Nam triển khai rất nhiều hành động với 3 trụ cột chính trong công cuộc phòng, chống tin giả, tin sai sự thật. Đầu tiên là hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức doanh nghiệp công và báo chí. Thứ 2, từ nền tảng trực tuyến và cuối cùng là người dân”, ông Do thông tin.
Chia sẻ về cách chống tin giả, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, Việt Nam có nhiều quy định để xử lý thông tin sai sự thật hiệu quả, như bộ Luật Hình sự, Luật An ninh mạng, các nghị định về việc quản lý cung cấp dịch vụ Internet và thông tin trực tuyến, gần đây có Nghị định 70 để quản lý quảng cáo xuyên biên giới. Hiện Việt Nam đang xây dựng Nghị định 72 để tiếp tục bổ sung những quy định giải quyết, xử lý tin sai sự thật.
Việt Nam đã triển khai 4 hành động trong việc phòng chống thông tin giả, tin sai sự thật. Thứ nhất là cập nhật khung pháp lý. Thứ 2 là giám sát trực tuyến thông tin, phát hiện và xác định thông tin sai lệch. Thứ 3 là hợp tác giữa chính phủ và các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt các nền tảng xuyên biên giới. Cuối cùng là triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức, cải thiện tính bền vững cộng đồng để đối phó với thông tin sai sự thật.
“Chúng tôi muốn tập trung vào thông tin trực tiếp, thiết lập trung tâm an ninh mạng quốc gia, với 300 triệu nội dung mỗi ngày. Điều này giúp chúng tôi quản lý thông tin các bài đăng trên mạng xã hội.
Việt Nam cũng đã thành lập trung tâm Phòng chống tin giả vào năm 2021. Chúng tôi khuyến khích người dân gửi đường link, thông tin giả, sai sự thật, từ đây phối hợp với bộ ngành, địa phương xác minh. Sau khi xác minh được tin giả, có hại, chúng tôi sẽ gửi thông tin cho cơ quan báo chí”, ông Do nói.
Cũng theo ông Do, đơn vị sẽ dừng những tài khoản không xác thực, những tài khoản truyền những thông tin sai sự thật. Sắp tới, Việt Nam sẽ yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới dừng đăng tải lại những nội dung thông tin sai sự thật. Yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới phải loại bỏ các thông tin sai sự thật, vi phạm pháp luật trong vòng 48 giờ. Trong một số trường hợp cấp bách, phải loại bỏ thông tin trong 24 giờ hoặc 6 giờ khi sự việc xảy ra.
“Chúng tôi có các chương trình nâng cao hiểu biết thông tin số cho các địa phương trên cả nước. Nhiều phiên bản sổ tay bản in, điện tử liên quan đến phòng chống tin giả trên không gian mạng. Đơn cử, sổ tay phòng chống tin giả sẽ hướng dẫn người dùng làm thế nào để xác minh đó là tin sai lệch, từ đó người dân có kiến thức, kỹ năng phòng, chống tin giả”, ông Do chia sẻ thêm.
Các nước cùng chia sẻ cách làm, kinh nghiệm sẽ tìm ra lời giải chống tin giả
Đại diện Google cho biết, tại Google có 3 hướng để chống lại thông tin sai lệch. Đầu tiên, nâng cao vai trò chất lượng thông tin trong hệ thống xếp hạng sắp xếp thông tin. Tiếp đó, Google hạn chế nội dung có hại, chất lượng thấp, đồng thời, cung cấp bối cảnh cho người dùng và hỗ trợ những hiểu biết về truyền thông. Cuối cùng, hỗ trợ hệ sinh thái về tin tức, các trang web tin tức.
“Để ngăn chặn các hành vi có hại, Google hướng dẫn cộng đồng, mỗi dịch vụ có các chính sách riêng. Google có hệ thống phát hiện thông tin sai lệch bằng các thuật toán tự động và kiểm tra thông tin từ con người”, đại diện Google chia sẻ.
Bên cạnh đó, thông qua quỹ ASEAN, Google đã đào tạo an toàn trực tuyến cho hơn 1.000 người tại các quốc gia ASEAN. Những thành viên được đào tạo sẽ giúp người dân nâng cao nhận thức về an toàn thông tin trực tuyến.
Cùng với đó, Google phối hợp với Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), Đoàn thanh niên Việt Nam tiếp cận, phối hợp thanh thiếu niên của 63 tỉnh thành, giúp nâng cao nhận thức an toàn thông tin số…
Tại diễn đàn, đại diện TikTok cho biết, TikTok có những cách kiểm duyệt như xóa nội dung, cấm tài khoản vi phạm khỏi nền tảng, quy định độ tuổi xem phù hợp với nội dung. Bên cạnh đó, công nghệ giúp xác định hành vi và tài khoản chuyên phát tán nội dung gây hiểu lầm hoặc spam để xử lý…
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, nguy cơ của tin giả, tin sai sự thật đến cộng đồng là một vấn đề mà những năm gần đây đã được ý thức một cách tương đối đầy đủ, kể cả từ những người sử dụng và những người tiêu thụ thông tin trên mạng lẫn các cơ quan quản lý những tác nhân tham gia vào quá trình này.
Theo Thứ trưởng, nếu như kinh nghiệm của nước này được chia sẻ và cộng hưởng với cách làm hay của nước kia thì sẽ tìm ra được lời giải chống tin giả ở tầm khu vực.
“Tin giả, sai sự thật là vấn đề toàn cầu và chúng ta cần có lời giải ở tầm khu vực, ở đây là khu vực ASEAN. Với vấn đề này, chúng tôi có niềm tin sẽ có cách, có câu trả lời riêng của mình để ứng phó một cách hiệu quả, từ đó đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu và quyền được bảo vệ của người tiêu dùng thông tin trong không gian mạng của khu vực”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nói thêm./.