Make in Vietnam – sáng tạo, thiết kế, chủ động sản xuất tại Việt Nam
Ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông cho biết: Make in Vietnam với nội hàm là sản phẩm công nghệ phải sáng tạo, thiết kế tại Việt Nam. Đây là cốt lõi công nghệ của một quốc gia".
Đó cũng là lý do trong năm 2020, chương trình Make in Viet Nam được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phát động rộng rãi bao gồm Giải thưởng công nghệ số Make in Vietnam và sự kiện ra mắt nền tảng công nghệ Make in Viet Nam vào thứ 6 hàng tuần.
Chương trình ra mắt các nền tảng công nghệ Make in Viet Nam nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số giới thiệu các sản phẩm tới các Bộ ban ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân. Theo Cục Tin học hóa, Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong năm 2020, đã có tổng cộng 38 nền tảng Make in Vietnam được cho ra mắt.
Các nền tảng công nghệ số Make in Vietnam tập trung hướng đến những vấn đề mà xã hội và doanh nghiệp quan tâm. Do đó, các nền tảng tham gia chương trình tập trung vào các lĩnh vực như: Đào tạo trực tuyến, hội nghị trực tuyến, điện toán đám mây, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), tư vấn sức khỏe, khám chữa bệnh, quản trị doanh nghiệp và nền tảng mã địa chỉ bưu chính.
Theo thống kê của Cục Tin học hóa, công nghệ AI là lĩnh vực có nhiều nền tảng Make in Viet Nam nhất (8 nền tảng), kế đó là điện toán đám mây (6 nền tảng) và hội nghị trực tuyến (5 nền tảng).
“Đây đều là các nền tảng, dịch vụ được tạo ra bởi những doanh nghiệp công nghệ số uy tín trên thị trường. Những nền tảng này cho phép tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có thể sử dụng ngay các công nghệ số dưới dạng dịch vụ thay vì phải tự đầu tư nghiên cứu, phát triển, vận hành. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp chuyển đổi số nhanh và thuận lợi hơn trước rất nhiều”, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa cho biết.
Ông Phạm Kim Hùng, CEO của Base chia sẻ: Khởi nghiệp cách đây 4 năm trước, các giải pháp do Base phát triển bị từ chối. Tuy nhiên, từ khách hàng đầu tiên là doanh nghiệp Việt Nam chấp nhận và làm tốt, rồi dần dần lan tỏa. Đến nay Base phát triển và hiện phục vụ 5.000 công ty lớn trong và ngoài nước. Để chiến thắng trên chính sân nhà và cạnh tranh với đối thủ nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tập trung phát triển sản phẩm tốt hơn trước. Nếu không đảm bảo chất lượng sẽ công thể cạnh tranh một cách lâu dài.
Một trong những nền tảng Make in Vietnam tiêu biểu hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số là ứng dụng quản trị doanh nghiệp hợp nhất Amis của Công ty phần mềm MISA. Đây là nền tảng quản trị toàn diện cho doanh nghiệp xoay quanh 4 mảng cốt lõi: tài chính, kinh doanh, nhân sự và điều hành. Mỗi mảng này được chia thành hàng chục ứng dụng nhỏ tương ứng với các nghiệp vụ trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp quy mô, nhu cầu đến đâu thì chọn sử dụng các ứng dụng tới đó. Việc này không chỉ tiết kiệm được chi phí mà còn đảm bảo sự liên kết chặt chẽ dữ liệu giữa các bộ phận. Hiện nền tảng đang được sử dụng cho hơn 12.000 doanh nghiệp trên toàn quốc.
Trong khi đó, nền tảng FPT akaBot gúp doanh nghiệp tự động hóa quy trình nghiệp vụ (RPA) với các “trợ lý robot ảo” có khả năng mô phỏng thao tác của con người, giúp thực hiện các tác vụ lặp đi lặp lại với số lượng lớn.
Còn nền tảng định danh điện tử VNPT eKyc giúp xác minh, nhận dạng và trích xuất thông tin chính xác từ hình ảnh và giấy tờ cá nhân. Nền tảng được nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện dựa trên các công nghệ 4.0 mũi nhọn như: công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và Nhận dạng sinh trắc học (Biometric Recognition).
Những nền tảng Make in Vietnam kể trên trước khi được giới thiệu đã được Cục Tin học hóa, Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số thẩm định và đang được hàng trăm doanh nghiệp tại Việt Nam triển khai sử dụng. Các sản phẩm thể hiện năng lực của doanh nghiệp Việt trong việc làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế... phục vụ công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số quốc gia. Do đó, chuỗi sự kiện ngày thứ 6 công nghệ giới thiệu nền tảng Make in Vietnam sẽ tiếp tục được tổ chức trong năm 2021.
Chuyển từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế chủ động
Với chiến lược Make in Vietnam, Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế một cách chủ động, để từ đó cho ra đời các sản phẩm công nghệ số Việt Nam. Khi thực hiện chiến lược “Make in Vietnam”, các doanh nghiệp sẽ phải sáng tạo nhiều hơn, thiết kế nhiều hơn, nhờ vậy phát huy động trí tuệ Việt Nam, giải quyết được bài toán Việt Nam. Giá trị gia tăng của các sản phẩm tại Việt Nam vì thế cũng sẽ cao hơn so với việc chỉ đơn thuần là gia công, lắp ráp.
Chiến lược Make in Vietnam nhằm phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, đưa Việt Nam nằm trong top 30 cường quốc về công nghệ thông tin. Đồng thời tiến hành cuộc cách mạng đổi mới sáng tạo ở quy mô toàn dân, thúc đẩy khởi nghiệp, phổ cập công nghệ số, tận dụng cơ hội cách mạng công nghiệp 4.0 để thực hiện hóa khát vọng Việt Nam hùng cường.
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2020 là năm đầu tiên thực hiện chiến lược Make in Vietnam và đã có hơn 13.000 doanh nghiệp công nghệ số ra đời, tăng 28%. Việt Nam đã có cộng đồng trên 58.000 doanh nghiệp. "Sự phát triển mạnh mẽ này cho thấy mục tiêu 100.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2030 có thể đạt được vào năm 2025. Make in Vietnam là một khẩu hiệu hành động, thay vì làm gia công, lắp ráp thì hãy làm sản phẩm. Đặc biệt là tầm quan trọng của công nghệ trong cuộc chiến chống COVID-19 trong năm 2020. Từ Ncovi, Bluezone, CoMeet, tới các nền tảng học trực tuyến, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, các nền tảng kế toán từ xa, quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ... ", ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định.
“Chiến lược của Việt Nam trong tương lai là xây dựng một Việt Nam số. Vì thế, Make in Vietnam cần một tầm nhìn dài hạn và những chiến lược giai đoạn. Lời giải vấn đề là công nghệ mở. Năm 2021 là một năm phát triển mạnh mẽ của công nghệ Việt Nam. Chính vì vậy Make in Vietnam sẽ giải quyết vấn đề Việt Nam, giúp cho Việt Nam phát triển” Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định./.