Nền tảng fintech HENO và tham vọng dẫn đầu xu hướng “đẹp trước, trả sau”

Thứ hai, 21/11/2022 18:30

Ra đời để giải quyết bài toán giúp khách hàng "đẹp trước, trả sau", không phải chờ đợi khi sử dụng dịch vụ nhưng do mới phát triển ở Việt Nam, nên những ứng dụng tiên phong như HENO đã gặp nhiều khó khăn khi phải thuyết phục đối tác về sự khác biệt của mô hình "Mua trước, trả sau" so với trả góp truyền thống.

 Ra đời để xoá bỏ nỗi lo phải chờ đợi khi sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, làm đẹp

Tại thị trường Việt Nam, hệ sinh thái fintech đang phát triển nhanh chóng, trong đó mô hình mô hình "Mua trước trả sau" (Buy Now, Pay Later - BNPL) đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong 12 tháng qua ở Việt Nam. Theo đó, khoản thanh toán BNPL trong nước dự kiến đạt giá trị 491,3 triệu USD trong năm nay và đạt mức tăng trương 137,3% hàng năm. 

Điều này đã dẫn đến việc thời gian qua, các ứng dụng "Mua trước, trả sau" cũng đã liên tục được ra mắt tiêu biểu như HENO - giải pháp thanh toán trả sau dịch vụ chăm sóc sức khỏe (CSSK) và làm đẹp, Slash - ứng dụng mua sắm trả sau… hay Fundiin, nền tảng mới nhận đầu tư 1,8 triệu USD vào tháng 9/2021.

Chia sẻ về lý do ra mắt sản phẩm vào cuối năm 2021, ông Phạm Nam Anh, Giám đốc vận hành HENO cho biết, đầu tiên là do đội ngũ sáng lập đều có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giải pháp y tế, CSSK cũng như fintech. Vì vậy, với quan điểm, sức khoẻ không thể chờ đợi hay không thể vì thiếu tài chính mà phải dùng tạm những dịch vụ kém chất lượng, nên đội ngũ sáng lập đã quyết định ra mắt HENO, một giải pháp thanh toán trả sau để người dùng có thể được trải nghiệm những dịch vụ y tế, CSSK với chất lượng tốt nhất mà không phải chờ đợi.

Lý do thứ 2 là do đội ngũ sáng lập HENO thấy được sự phiền toái, không thoải mái của khách hàng khi sử dụng các phương thức trả góp truyền thống, khi mà chỉ có 4,1% dân số sở hữu thẻ tín dụng, còn trả góp qua các công ty tài chính thông qua giấy tờ tùy thân, chứng minh thu nhập, nhất là đối với lĩnh vực CSSK, lại tạo cảm giác phiền phức và phải chịu thêm nhiều loại chi phí khác như phí chuyển đổi, phí xét duyệt hồ sơ, phí vận hành giao dịch,...

Chưa kể, thời gian phê duyệt trả góp của các dịch vụ truyền thống thường khá lâu, dẫn đến tình trạng "mất đơn" của các nhà cung cấp dịch vụ. "Trong khi đó, BNPL cho phép khách hàng sử dụng dịch vụ chỉ sau vài phút và mọi thao tác đều thực hiện hoàn toàn thông qua công nghệ. Điều này giúp tăng cơ hội chốt đơn và tỷ lệ khách hàng quay trở lại sử dụng dịch vụ", ông Nam Anh nói.

Ông Nam Anh cũng tin rằng, giống như các hình thức trả góp truyền thống nở rộ thời gian trước với thông điệp trả góp 0% thì trong thời gian tới, BNPL sẽ dần tạo nên xu hướng "đẹp trước, trả sau" và định nghĩa lại chính xác khái niệm "trả sau miễn phí" cho người dùng.

20221216-pg4.jpg

Khi được hỏi, tại sao HENO không hướng đến thị trường bán lẻ, khi đây vốn là mảnh đất màu mỡ cho các dịch vụ vay tiêu dùng, ông Nam Anh cho rằng, việc lựa chọn dịch vụ CSSK và làm đẹp vì nó liên quan đến triết lý sống và quan điểm của đội ngũ sáng lập cũng như có sẵn nền tảng tương đối tốt trong lĩnh vực này, để từ đó có thể tạo lợi thế cạnh tranh.

Khó khăn đến từ việc thuyết phục khách hàng về những ưu điểm của mô hình BNPL

Hiện tại HENO đã có hơn 50 đối tác bao gồm từ bệnh viện, cơ sở gia đình, thẩm mỹ viện, nha khoa, cơ sở tiêm chủng với hơn 100 cơ sở, nằm chủ yếu ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Công ty cũng đang có khoảng hơn 300 khách hàng cùng hơn 1.000 giao dịch sau hơn 4 tháng ra mắt thị trường

Về tầm nhìn dài hạn, HENO muốn đưa mô hình kinh doanh của mình sang các nước trong khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, công ty cũng mong muốn xây dựng một hệ sinh thái các đối tác trong lĩnh vực là về y tế để mỗi người dân đều được bình đẳng trong việc sử dụng những dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp chất lượng và uy tín nhất trên thị trường.

So với dịch vụ trả góp truyền thống, những lợi thế vượt trội của mô hình BNPL là khách hàng không mất phí và thời gian xử lý giao dịch nhanh chóng (chỉ khoảng 15 phút). Đổi lại, mô hình BNPL cũng có những hạn chế nhất định và không thể thay thế được những giải pháp trước đây. Cụ thể, giới hạn của mô hình BNPL là những khoản chi tiêu có giá trị dưới 50 triệu đồng, trong khi trả góp truyền thống có thể thực hiện với số tiền hàng trăm triệu hay hàng tỷ đồng. Đồng thời, BNPL chỉ cho phép khách hàng chia nhỏ khoản tiền khoảng 6 tháng (hoặc ít hơn), ngắn hơn nhiều so với trả góp truyền thống, có thể lên đến hàng năm. 

"Do đó, có thể nói, BNPL không thay thế mà sẽ cộng hưởng với các dịch vụ trả góp truyền thống để tối ưu lợi ích cho khách hàng, nhất là với một số dịch vụ như CSSK mà HENO đang theo đuổi", ông Nam Anh nói.

Ngoài ra, theo ông Nam Anh, thị trường Việt Nam đang có khoảng hơn 10 ứng dụng theo mô hình mua trước trả sau, trong đó chỉ có duy nhất HENO tập trung chính vào lĩnh vực CSSK và làm đẹp. Còn các ứng dụng khác phát triển trên nhiều lĩnh vực hoặc nhắm chính vào thị trường bán lẻ. Sự khác biệt của HENO đến từ ứng dụng công nghệ phục vụ khách hàng giúp tăng chất lượng dịch vụ, chẳng hạn như công nghệ định danh khách hàng điện tử (eKYC) để tương tác với khách hàng 100% online không điểm chạm, hay sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn (big data) để xử lý hồ sơ trong giây lát và ứng dụng máy học (machine learning) để cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng... Với hệ thống như hiện tại, HENO tin rằng các nhà cung cấp khác sẽ mất từ 6 tháng đến 1 năm để có thể phát triển và ứng dụng. 

Điểm mạnh thứ 2 là năng lực về ngành, khi đội ngũ sáng lập đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế, CSSK và làm đẹp. Các đơn vị BNPL khác muốn đi vào lĩnh vực này cũng sẽ phải mất chừng đó thời gian để có được mạng lưới đối tác và tri thức ngành như HENO. 

"Lợi thế cuối cùng và cũng là thách thức cho HENO khi là đơn vị tiên phong, người đi đầu trong lĩnh vực này. Mục tiêu của HENO là triển khai giải pháp mà khách hàng có thể sử dụng dịch vụ BNPL tại bất kỳ nhà cung cấp dịch vụ CSSK, làm đẹp tại Việt Nam", ông Nam Anh chia sẻ thêm.

Chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn khi phát triển sản phẩm, Giám đốc vận hành của HENO cho biết, BNPL là một mô hình mới có tính sáng tạo, đúng nhu cầu của khách hàng nên sau khoảng gần 1 năm, công ty đã có tốc độ tăng trưởng rất tốt, khoảng hơn 130% mỗi tháng. Mô hình này cũng được khách hàng đón nhận rất nồng nhiệt vì những sự khác biệt so với mô hình trả góp truyền thống, nên tạo được sự tin tưởng với người dùng.

Bên cạnh đó, do đội ngũ sáng lập có kinh nghiệm về fintech và lĩnh vực CSSK, làm đẹp nên có những lợi thế nhất định trong việc phát triển sản phẩm, tiếp cận thị trường.

Còn về những khó khăn trong quá trình phát triển HENO, do đây là một mô hình mới nên đội ngũ nhân sự công ty cũng mất nhiều thời gian, liên tục thay đổi kịch bản bán hàng, để có thể giải thích, thuyết phục các đối tác về sự khác nhau cũng như những điểm lợi thế của BNPL nói chung và dịch vụ của HENO nói riêng, so với các dịch vụ trả góp truyền thống. Điều này khiến cho mô hình BNPL có một độ trễ nhất định và phải mất công sức hơn để thị trường, khách hàng có thể tiếp thu và chấp nhận một giải pháp mới. 

"Thậm chí, có khách hàng còn sợ mô hình này là lừa đảo hay chiêu trò bán hàng, khi không mất phí mà vẫn được trả góp. Phải đến khi sử dụng dịch vụ thì họ mới tin tưởng và thấy hài lòng", ông Nam Anh nói.

Cần có sự chia sẻ thông tin giữa các nền tảng BNPL để cùng hạn chế rủi ro

Ông Nam Anh khẳng định những quy định hiện nay vẫn mở cửa cho sự phát triển của mô hình BNPL ở Việt Nam. Các startup không gặp nhiều rào cản về pháp lý khi muốn tham gia thị trường. Mặc dù việc này tạo điều kiện tự do cho thị trường bùng nổ, nhưng nếu cơ quan quản lý đưa ra khung pháp lý, định nghĩa mô hình… thì sẽ giúp cải thiện mô hình chất lượng hơn, tránh việc núp bóng làm người dùng hiểu sai về dịch vụ BNPL ở Việt Nam.

Còn với các nền tảng,  cũng cần lưu ý về mặt quản lý và chia sẻ dữ liệu BNPL ở Việt Nam, vì càng nhiều đơn vị tham gia thì số lượng giao dịch sẽ càng bùng nổ. Các giải pháp BNPL cần có cơ chế quản lý, chia sẻ lẫn nhau để có thể đánh giá chính xác hồ sơ khách hàng. Việc này sẽ giúp hạn chế rủi ro cho cả nhà cung cấp và khách hàng.

"Thị trường càng có nhiều ứng dụng mà không có sự chia sẻ hành vi thanh toán của khách hàng thì các đơn vị tham gia sẽ càng gặp rủi ro khi người dùng không thanh toán được. Khách hàng cũng sẽ không kiểm soát được tài chính cá nhân, từ đó dẫn đến việc nhiều khoản "trả góp" nhỏ dẫn đến việc "nợ" lớn, không kiểm soát được lộ trình thanh toán, rơi vào vòng xoáy chi tiêu, nhất là trong trường hợp hạn thanh toán dồn dập cho các nhà cung cấp cùng vào một thời điểm", ông Nam Anh nói.

Về kiến nghị, ông Nam Anh cho rằng, nếu có một quy định riêng cho mô hình BNPL ở Việt Nam thì sẽ giúp tạo ra một luật chơi chung, một môi trường kinh doanh lành mạnh để cho các nhà cung cấp phát triển. Khi đó, quyền lợi của khách hàng cũng sẽ được đảm bảo và những rủi ro cũng được giảm xuống thấp nhất, tạo điều kiện cho sự phát triển và cung cấp dịch vụ đến nhiều khách hàng nhất./.

theo ictvietnam.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top