Chuyển đổi số là quá trình không có điểm kết thúc bởi dữ liệu sẽ liên tục được cập nhật và hoàn thiện để đảm bảo tính hiệu quả và quyết định chính xác của hệ thống, theo TS. Nguyễn Thanh Hùng, Tổ trưởng Tổ thực hiện - Ban chỉ đạo Chuyển đổi số Đại học Bách Khoa Hà Nội trong Lễ ra mắt Hệ thống quản trị đại học eHUST mới đây.
Sinh viên năm nhất Bùi Văn Nam đến từ Hưng Yên cảm thấy ấn tượng trước những ứng dụng công nghệ tại Bách Khoa Hà Nội dù mới chỉ vào trường được một thời gian ngắn. Ngay khi bước chân vào cánh cổng parabol, chàng tân sinh viên đã làm quen với ứng dụng eHUST, iCTSV và trang web cổng thông tin dành cho sinh viên.
Các thông tin quan trọng về thời khóa biểu, danh sách lớp và các hoạt động khác đều được cập nhật nhanh chóng và dễ dàng truy cập trên trang web và ứng dụng eHUST. Các tân sinh viên cũng có thể tìm thấy tất cả những thông tin cần biết như hướng dẫn nhập học, lịch sinh hoạt công dân đầu khóa, học bổng, đăng ký tạm trú, khung kế hoạch học tập, nơi giải đáp thắc mắc... trên trang cổng thông tin sinh viên.
"Ở cấp 3, chúng tôi gần như không được tiếp cận các cổng thông tin hay ứng dụng điện thoại. Sau một thời gian làm quen với các ứng dụng của Trường, tôi cảm thấy rất hào hứng vì những tiện ích mà các ứng dụng này mang lại." sinh viên Bùi Văn Nam cho biết.
PGS. Huỳnh Đăng Chính, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho rằng người dùng sẽ là người đánh giá chuẩn nhất câu chuyện về tính thực tiễn của sản phẩm. "Quan trọng không phải là họ tải về, mà họ dùng trong bao lâu, dùng bao nhiêu lần và kể câu chuyện về trải nghiệm của họ cho bao nhiêu người", ông khẳng định.
Hệ thống quản trị đại học trực tuyến eHUST là một giải pháp tổng thể cung cấp các dịch vụ và tiện ích trực tuyến cho sinh viên, học viên, cựu sinh viên, giảng viên và cán bộ Bách Khoa Hà Nội. Đối với sinh viên, các tính năng của hệ thống sẽ bao phủ mọi hoạt động từ nhập học, quá trình học tập, định hướng nghề nghiệp, các dịch vụ hành chính trực tuyến, đến khi tốt nghiệp và ra trường. Đối với giảng viên và cán bộ, ứng dụng sẽ cung cấp các dịch vụ từ tuyển dụng, hoạt động chuyên môn, hành chính và quản lý điều hành (quản lý cán bộ, quản lý cơ sở vật chất, đánh giá cán bộ, hợp tác đối ngoại,…).
Đóng vai trò một nền tảng tích hợp và kết nối dữ liệu, nghiệp vụ từ các hệ thống khác nhau của nhà trường, eHUST sẽ hình thành hệ dữ liệu chuẩn hoá dùng chung, dễ dàng cho việc tích hợp các công nghệ tiên tiến một cách tiện lợi và hiệu quả.
Nguyễn Tú Uyên, sinh viên năm 4 Viện Ngoại ngữ, cho rằng ứng dụng eHUST là một cải tiến thuận tiện. Cô học sinh năm cuối thường xuyên sử dụng ứng dụng này chủ yếu để nhắc nhở lịch học theo thời khóa biểu, điểm và lịch thi. Cô cũng cho biết, do ứng dụng được cài đặt trên điện thoại nên cũng dễ dàng truy cập và sử dụng hơn trang web.
Nhân ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10/10/2022, Đại học Bách Khoa Hà Nội ra mắt phiên bản eHUST 2.0 với nhiều tính năng mới về chữ ký số, giảng dạy, nghiên cứu, tổ chức cán bộ, hợp tác đối ngoại, đồng thời tích hợp hệ thống hành chính D-Office và kênh thanh toán trực tuyến Viettel Pay.
Cụ thể, về giảng dạy, các quy trình đồ án, thực tập sẽ được cập nhật trên hệ thống giúp sinh viên có thể tìm được giáo viên hướng dẫn đồ án hoặc doanh nghiệp thực tập cùng với đề tài phù hợp với năng lực, định hướng và nguyện vọng của bản thân.
Một trong những điểm đặc biệt của hệ thống là việc đưa vào sử dụng chữ ký số và tích hợp phân hệ hệ thống hành chính D-Office tiến đến Bách Khoa không sử dụng văn bản giấy. Các tính năng hỗ trợ bảng điểm điện tử, điểm danh sinh viên trong lớp học, lớp thi trên ứng dụng eHUST sẽ giúp giảm thiểu đáng kể việc sử dụng văn bản giấy trong các quy trình hiện tại.
Ứng dụng eHUST cũng đang tích hợp các kênh thanh toán trực tuyến Viettel Pay cho các dịch vụ trong và ngoài khuôn viên trường, hướng đến Bách Khoa không sử dụng tiền mặt. Trong vấn đề bảo mật thông tin, Viettel Pay sẽ đảm bảo an toàn thông tin theo tiêu chuẩn của hệ thống ngân hàng do có liên kết chặt chẽ với Ngân hàng Quân đội MB.
Từ khi triển khai eHUST trên quy mô toàn trường, nhóm phát triển đã nhận được rất nhiều phản hồi từ phía người dùng mang tính chất đóng góp, xây dựng và động viên. "Đây cũng là động lực lớn lao cho nhóm trong việc phát triển và hoàn thiện sản phẩm. Nhóm cũng nghiêm túc đón nhận các phản hồi tiêu cực để nhìn nhận và phân tích một cách khách quan, cố gắng nâng cao chất lượng, hiệu quả của hệ thống để tăng trải nghiệm tốt cho người dùng", Tổ trưởng Tổ thực hiện - Ban chỉ đạo Chuyển đổi số Đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ.
Bách Khoa Hà Nội đã thành lập Ban chỉ đạo Chuyển đổi số để đảm bảo tiến trình chuyển đổi số, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn này của Nhà trường. Nghị quyết chuyên đề của Ban chấp hành Đảng bộ về chuyển đổi số Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã xác định các quan điểm: Chuyển đổi số là vấn đề cấp bách, là yếu tố đặc biệt quan trọng tạo nên sự phát triển đột phá trong giai đoạn hiện tại và tương lai của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Trường sẽ đặt quyết tâm chính trị cao nhất để chuyển đối số thành công và trở thành một "Đại học số".
Chuyển đổi số là một trong những giải pháp đột phá để đổi mới căn bản và hội nhập quốc tế. Theo PGS. Huỳnh Đăng Chính, công việc kết nối chỉ làm theo phương thức truyền thống sẽ không hiệu quả. Chuyển đổi số tích hợp là việc làm cốt lõi và phù hợp với xu hướng số, kinh tế số. Đây sẽ là bước đầu để Bách Khoa Hà Nội thành công trong quá trình quốc tế hóa và thu hút sinh viên quốc tế. /.