Những rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn trên không gian mạng
Trong đó, nguy cơ rủi ro đối với các trẻ em gái thậm chí còn lớn hơn. Một nghiên cứu về thực trạng trẻ em gái trên thế giới năm 2020 của Plan International, khảo sát hơn 14.000 trẻ em gái và phụ nữ ở 31 quốc gia, cho thấy hơn một nửa số người được hỏi đã từng bị quấy rối và lạm dụng trực tuyến, kết quả là cứ 4 người thì có một người cảm thấy không an toàn về thể chất khi tham gia môi trường Internet.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), chỉ trong một năm qua, đã có hơn 29 triệu báo cáo bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em trực tuyến. Bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em trên mạng là hình thức bạo lực trẻ em đang gia tăng nhanh nhất.
Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cũng đã chỉ ra những tác động tiêu cực của mạng xã hội đối với trẻ em. Đa số các bậc cha mẹ có con xem video trên các nền tảng như YouTube nói rằng nó giúp con họ học những điều mới và giúp chúng giải trí. Tuy nhiên, những lợi ích này có sự đánh đổi với những rủi ro tiềm ẩn nhất định. Theo nghiên cứu của Pew Research cho thấy, ít nhất 46% phụ huynh cho biết con họ đã xem nội dung trực tuyến không phù hợp.
Mạng xã hội là một cách để trẻ em cảm thấy được chấp nhận và tương tác với bạn bè của mình, cập nhật các xu hướng mới nhất, cung cấp bất kỳ sở thích trực tuyến nào mà chúng có thể có và nhận được sự hài lòng ngay lập tức với một lượt thích hoặc một bình luận ủng hộ. Và những phản hồi này có thể trở thành "chất gây nghiện" nguy hiểm cho trẻ em và thậm chí là cả người lớn.
Nâng cao nhận thức và tư duy phản biện cho trẻ em
Với thời gian tham gia môi trường trực tuyến ngày càng tăng ở trẻ em, nhiều cha mẹ lo lắng rằng những rủi ro mà các em gặp phải có thể sẽ lớn hơn lợi ích thu được. Do đó, nhiều phụ huynh đã lựa chọn giải pháp tập trung vào việc hạn chế sử dụng Internet thay vì để cho con cái họ tham gia trực tuyến một cách an toàn.
Tuy nhiên, theo báo cáo "Sự trưởng thành trong thế giới kết nối" của UNICEF, những trẻ em tham gia hoạt động trên môi trường trực tuyến nhiều hơn có khả năng quản lý và ứng phó với rủi ro trực tuyến tốt hơn.
Vì vậy, thay vì cản trở việc sử dụng Internet của trẻ em, các chuyên gia cho rằng cha mẹ nên học cách tạo điều kiện để trẻ em có được trải nghiệm trực tuyến an toàn hơn. Điều quan trọng cần ghi nhớ là không phải lúc nào rủi ro cũng dẫn đến nguy hại. Trẻ em gặp rủi ro trực tuyến có thể không bị tổn hại nếu có những kiến thức cần thiết để ứng phó và giải quyết những tình huống đó.
Giống như việc dạy trẻ em về an toàn trong thế giới ngoại tuyến, cha mẹ cũng cần dạy con hiểu về những rủi ro trực tuyến. Theo đó, một thỏa thuận giữa cha mẹ và con cái có thể là một cách tuyệt vời để bắt đầu cuộc trò chuyện, chia sẻ về những rủi ro và cách ứng xử cũng như thiết lập ranh giới lành mạnh cho thời gian sử dụng thiết bị của các em.
Bên cạnh đó, việc sử dụng các công cụ kiểm soát có thể giúp phụ huynh ngăn chặn những nội dung và ứng dụng khiêu dâm hoặc gây phiền nhiễu trên thiết bị của trẻ em. Tuy nhiên, trước khi áp dụng những biện pháp này, cha mẹ nên giải thích và đưa ra những lý do để các em hiểu, đồng thời cũng cần tôn trọng quyền riêng tư của các em.
Một trong những phương thức phổ biến nhất được tội phạm mạng, những kẻ lừa đảo và những kẻ tiếp cận trẻ em với ý đồ xấu thường sử dụng là kích hoạt cảm xúc của nạn nhân để làm giảm khả năng tư duy phản biện của họ. Do đó, để ngăn chặn các hành vi tấn công phi kỹ thuật (social engineering - nghệ thuật thao túng hành vi và tâm lý con người khiến họ tự động tiết lộ thông tin bí mật về mình) này, trẻ em và cả người lớn không nên chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên không gian mạng và cần đề cao cảnh giác với những hoạt động có tính chất kích thích cảm xúc.
Các cha mẹ nên giải thích cho trẻ hiểu rằng khi có bất kỳ tin nhắn nào khiến trẻ cảm thấy lo lắng (đã xảy ra sự cố bảo mật), vội vàng (thông báo này sắp hết hạn), tâng bốc (tôi yêu ảnh hồ sơ của bạn) hoặc hội chứng sợ bỏ lỡ (FOMO), cần phải thật sự đề cao cảnh giác.
Tác giả Jessica Lahey cũng từng giải thích trong cuốn sách nổi tiếng "The Gift of Failure" (tạm dịch: Món quà của thất bại), rằng cha mẹ bao bọc quá mức sẽ tạo ra những đứa trẻ hay lo lắng, không thích mạo hiểm và không được trang bị kiến thức và kỹ năng để tự bảo vệ mình.
Bằng cách áp dụng lăng kính "nuôi dạy con cái ủng hộ quyền tự chủ" vào thế giới trực tuyến, chúng ta nên giáo dục trẻ về những rủi ro, nhưng đồng thời, cho chúng không gian để khám phá và cho phép chúng thất bại hoặc thành công dựa trên tác động của các quyết định của chính chúng.
Điều này có nghĩa là thay vì cố gắng hạn chế mọi rủi ro có thể xảy ra trên Internet, các bậc cha mẹ và nhà giáo dục nên tập trung vào việc nâng cao nhận thức và bồi dưỡng tư duy phản biện, tự chủ cho các em. Đây là những điều kiện tiên quyết quan trọng để điều hướng hiệu quả không chỉ trong thế giới số mà còn trong thế giới thực.
Bên cạnh sự nỗ lực của các bậc cha mẹ, để có thể tạo ra một không gian trực tuyến lành mạnh, rất cần một phương pháp tiếp cận đa bên. Các chính phủ, xã hội dân sự, các nhà nghiên cứu và cha mẹ, phải cùng nhau hợp tác để có thể xây dựng được các chính sách, giải pháp phù hợp.
Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, các nhà hoạch định chính sách cần tiếp cận theo hướng đảm bảo rằng nhận thức về an toàn thông tin mạng và tư duy phản biện sẽ trở thành một kỹ năng sống cần thiết và được đưa vào chương trình giảng dạy trong trường học để trang bị cho trẻ em khả năng ứng phó với các rủi ro trực tuyến.
Chẳng hạn như ở Phần Lan, trong toán học, trẻ em có thể được dạy về cách nói dối với số liệu thống kê dễ dàng như thế nào, hay trong nghệ thuật, hình ảnh có thể được chỉnh sửa và được sử dụng để giả mạo ra sao, và trong lịch sử, các chiến dịch tuyên truyền có thể được liên kết với tin tức giả và thông tin sai lệch. Mục tiêu ở đây là để học sinh có thể tiếp nhận thông tin một cách có phản biện, từ đó nâng cao nhận thức, nhận biết về một thông tin hay sự việc có đúng hay không.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là trách nhiệm có thể được đặt lên vai trẻ em. Các chính phủ, tổ chức nên có những chính sách quản lý và yêu cầu các nhà cung cấp công nghệ và nội dung phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương.
Mới đây, Ủy ban châu Âu đã công bố các đề xuất với những quy định nghiêm ngặt hơn nhằm bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ bị lạm dụng trên không gian mạng. Theo sáng kiến mới của Ủy ban châu Âu, các nhà cung cấp dịch vụ Internet phải tăng cường khả năng phát hiện, báo cáo và xóa tất cả các nội dung độc hại. Đây được cho là một đề xuất đột phá nhằm đưa châu Âu trở thành khu vực dẫn đầu toàn cầu trong cuộc chiến chống lạm dụng tình dục trẻ em trên không gian mạng.
Hầu hết trẻ em tại các nước Liên minh châu Âu (EU) sử dụng điện thoại thông minh hằng ngày, cao gấp 2 lần so với cách đây 10 năm và bắt đầu từ độ tuổi nhỏ hơn so với trước. Theo EU, khoảng 60% vụ lạm dụng tình dục trẻ em trên mạng trên thế giới diễn ra qua các máy chủ tại EU.
Bà Dubravka Suica, Ủy viên châu Âu về dân chủ và nhân khẩu học cho biết: "Tầm nhìn của gói các đề xuất này là để trẻ em được bảo vệ, được trao quyền và được tôn trọng trên không gian mạng. Không ai được phép bị bỏ lại phía sau và vì vậy chúng tôi muốn triển khai một chiến lược Internet mới, tốt hơn cho trẻ em và giúp ngăn chặn các hành vi lạm dụng tình dục trực tuyến".
Tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) hiện đã lấy ý kiến cho dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Bộ Quy tắc ứng xử bảo vệ trẻ em trên không gian mạng ra đời nhằm đưa ra khuyến nghị về chuẩn mực hành vi, ứng xử cho người dùng trên không gian mạng để bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ tiềm ẩn. Đồng thời, phổ biến cách thức báo cáo khi có nghi ngờ về các hành vi xâm hại cho trẻ em trên không gian mạng và hơn hết là nâng cao nhận thức xã hội đối với các nguy cơ của trẻ em khi hoạt động trên không gian mạng.
Bộ Quy tắc sẽ áp dụng cho 5 nhóm đối tượng, gồm trẻ em; cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ; người dùng Internet; đơn vị truyền thông và người sáng tạo nội dung trên không gian mạng; doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng, nội dung tại Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng đã thành lập mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng với sự tham gia của các đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và nhiều tổ chức liên quan.
Mạng lưới là tổ chức phối hợp liên ngành nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và kết quả thực thi các nhiệm vụ phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng góp phần nâng cao nhận thức xã hội và tạo lập một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ.