Triển khai kế hoạch, chương trình xây dựng pháp luật theo thẩm quyền, Bộ TT&TT đã xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản. Theo đó, Nghị định 119 góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; mở rộng thẩm quyền cho lực lượng thanh tra Sở TT&TT; có tính cảnh báo, răn đe cao hơn; tăng cường chế tài bảo vệ trẻ em;…
Theo đại diện Thanh tra Bộ TT&TT, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt như: Tạm giữ tên miền quốc gia; tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn từ 01 đến 12 tháng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 đến 12 tháng.
Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông giải đáp thắc mắc của các đại biểu dự hội nghị.
Ngoài các hình thức xử phạt nêu trên, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP, như: Buộc cải chính, xin lỗi; buộc thu hồi sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí, chương trình phát thanh, truyền hình, xuất bản phẩm vi phạm các quy định của pháp luật; buộc tiêu hủy sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí, chương trình phát thanh, chương trình truyền hình, xuất bản phẩm vi phạm quy định của pháp luật;…
Về mức phạt đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, khoản 1 Điều 4 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP quy định: Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm là 200.000.000 đồng đối với tổ chức và 100.000.000 đồng đối với cá nhân.
Theo khoản 2 Điều 6 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP, các hành vi: Mạo danh nhà báo, phóng viên để hoạt động báo chí; lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên can thiệp, cản trở hoạt động đúng pháp luật của tổ chức, cá nhân có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Theo quy định hiện hành tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP, mức phạt đối với hành vi tương tự chỉ từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Như vậy, mức phạt theo quy định mới đã tăng gấp đôi so với quy định hiện nay.
Ngoài ra, hành vi sử dụng thẻ nhà báo đã bị sửa chữa, tẩy xóa để hoạt động báo chí cũng có cùng mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Riêng đối với hành vi lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên để trục lợi thì mức phạt theo quy định mới tại Nghị định số 119/2020/NĐ-CP là từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng, tăng hơn nhiều so với mức phạt hiện nay là từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới 63 Sở TT&TT tỉnh/thành phố
Những hành vi vi phạm khác, như: Sử dụng thẻ nhà báo đã hết hạn sử dụng để hoạt động báo chí; phóng viên nước ngoài, trợ lý báo chí của phóng viên nước ngoài hoạt động báo chí tại Việt Nam mà không có thẻ phóng viên nước ngoài hợp lệ do Bộ Ngoại giao Việt Nam cấp; nhà báo hoạt động báo chí không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí của cơ quan báo chí đang công tác;… có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Tại hội nghị, Thanh tra Bộ và các đơn vị liên quan đã giải đáp những thắc mắc trong quá trình triển khai Nghị định của các Sở TT&TT. Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ TT&TT cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TT&TT, các Sở TT&TT tăng cường hoạt động giám sát, phát hiện các dấu hiệu vi phạm từ sớm để chấn chỉnh, nhắc nhở các cá nhân, tổ chức và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến những nội dung mới của Nghị định đến các đối tượng quản lý để chủ động phòng ngừa các hành vi vi phạm./.