Đồng chí Phạm Thu Hằng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam trình bày tham luận tại Hội thảo. Ảnh: CPV
Đồng chí Phạm Thu Hằng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường): Đề xuất đẩy mạnh đầu tư, triển khai thực hiện các Đề án về củng cố quốc phòng an ninh, phát triển y tế, bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống nhân dân trên biển, đảo.
Việt Nam có bờ biển dài từ Bắc xuống Nam và hơn 3.000 đảo lớn nhỏ với nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển. Hằng năm, kinh tế biển đóng góp từ 30%-40% GDP cả nước. Tuy nhiên, cùng với phát triển kinh tế biển, sự tăng trưởng của các ngành du lịch, kinh tế hàng hải, khai thác khoáng sản và dầu khí, khai thác và nuôi trồng thủy sản, công nghiệp thì việc tập trung dân cư và quá trình đô thị hóa tại vùng ven biển đã gây ra nhiều áp lực đến tài nguyên và môi trường biển, do sự gia tăng lượng nước thải, chất thải rắn và nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên. Các áp lực này ngày càng trở nên trầm trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng và ô nhiễm xuyên biên giới.
Trong những năm gần đây, sự gia tăng rác thải nhựa trong đó có rác thải nhựa đại dương trở thành vấn đề áp lực lớn trong quản lý chất thải trên biển ở Việt Nam. Theo UNEP, năm 2018 Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa xả ra biển nhiều nhất trên thế giới, với khối lượng rác thải nhựa ra biển dao động trong khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển và đứng thứ 4 trên 20 quốc gia cao nhất . Ô nhiễm môi trường biển ảnh hưởng trực tiếp đến tài nguyên, môi trường biển, đảo và sức khỏe của người dân.
Thời gian qua, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã triển khai công tác phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực liên quan đến biển với các nội dung: trao đổi, chia sẻ thông tin; Phối hợp ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường biển, hải đảo; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên và môi trường biển, hải đảo nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, cộng đồng trong việc bảo vệ, giữ gìn, đảm bảo vệ sinh môi trường; khuyến khích phát triển, sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường…
Nhằm phát huy tiềm năng của biển trong thế kỷ XXI, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X đã thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/02/2007 “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, trong đó xác định nhiệm vụ trọng tâm là giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống nhân dân vùng biển và ven biển. Ngày 30/5/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020”. Đây là chủ trương lớn, quan trọng, bước đầu trong việc phát triển y tế trên biển, phục vụ đời sống và sức khỏe cho quân dân trên biển, đảo.
Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, đánh giá 2 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, thận trọng xem xét bối cảnh quốc tế và tiềm lực quốc gia, Đại hội hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định kinh tế biển là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đưa Việt Nam phấn đấu đến năm 2030, quy mô kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển bằng 65-70% GDP cả nước. Các đảo có người dân sinh sống có hạ tầng kinh tế, xã hội cơ bản đầy đủ, nhất là điện, nước ngọt, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục... Về các nhiệm vụ chủ yếu, phát triển bền vững kinh tế biển phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, kiểm soát khai thác tài nguyên, phục hồi hệ sinh thái biển, gắn liền với bảo đảm quốc phòng - an ninh và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo. Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển.
Sau khi Nghị quyết số 36-NQ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII được ban hành, nhằm cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương lớn, khâu đột phá và giải pháp chủ yếu đã được đề ra, ngày 05 tháng 3 năm 2020, Chính phủ đã có Nghị quyết số 26/NQ-CP ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW.
Kế hoạch xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, lộ trình thực hiện và phân công cụ thể cho các bộ, ngành và địa phương có liên quan. Kế hoạch đã đề ra 06 nhóm nội dung, giải pháp cụ thể và Kế hoạch 5 năm đến năm 2025 cho từng nhóm nội dung. Trong đó, có hai nhóm nội dung liên quan đến quốc phòng an ninh, phát triển y tế, bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống nhân dân trên biển, đảo. Đó là nội dung số 3 “Nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển” và nội dung số 6 về “Bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế”. Các nhóm nội dung này đã xác định kế hoạch 5 năm đến năm 2025 cùng với danh mục đề án, nhiệm vụ cụ thể:
Nhóm số 3 “Nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển” có nội dung cụ thể sau: Rà soát, đánh giá hiện trạng hạ tầng kinh tế - xã hội tại các đảo có người dân sinh sống; bổ sung và xây dựng đầy đủ hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là điện, nước ngọt, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục trên các đảo có người dân sinh sống còn thiếu hoặc chưa có.
Ban hành bộ tiêu chí chuẩn về y tế cho vùng biển, đảo; 100% các xã đảo độc lập có trạm y tế xã đạt tiêu chí chuẩn y tế cho vùng biển, đảo; 70% bệnh viện, trung tâm y tế huyện đảo có khả năng triển khai kỹ thuật ngoại khoa tương đương bệnh viện hạng 2 và được trang bị hệ thống trợ giúp y tế từ xa; đầu tư cho 04 trung tâm cấp cứu 115 đủ khả năng phối hợp cấp cứu, vận chuyển cấp cứu trên biển; 06 bệnh viện có trung tâm thu nhận và điều trị bệnh đặc thù vùng biển, đảo và đóng mới 01 tàu biển có chức năng là tàu bệnh viện, trang bị thêm tính năng cấp cứu y tế cho 1 - 2 tàu cảnh sát biển; 100% tàu vận tải biển - tàu viễn dương thực hiện đầy đủ các quy định quốc tế về bảo đảm y tế biển.
Để thực hiện nội dung này, Bộ Y tế được giao chủ trì thực hiện 2 nhiệm vụ là “Đề án phát triển mạng lưới y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân trên các đảo và vùng ven biển; các chế độ, chính sách bảo đảm cho cán bộ y tế tình nguyện ra công tác trên các đảo và vùng bãi ngang ven biển” và “Đề án phát triển chuyên ngành y học biển”.
Nhóm số 6 “Bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế”, đáng lưu ý với “Đề án kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trên biển, đảo” do Bộ Quốc phòng chủ trì thực hiện.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo cũng nhấn mạnh: Trong thời gian tới, Tổng cục kiến nghị Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng đẩy mạnh đầu tư, triển khai thực hiện các Đề án nêu trên theo mục tiêu đã được xác định tại nghị quyết nêu trên, khẳng định ý nghĩa quan trọng của công tác kết hợp quân dân y trên biển, đảo không chỉ góp phần giữ vững và nâng cao sức khỏe cho nhân dân và bộ đội mà còn là chủ trương đúng đắn mang ý nghĩa chính trị sâu sắc với quân và dân thực hiện công tác dân vận, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân nhằm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền của đất nước.
Nâng cao năng lực khám, chữa bệnh, góp phần đảm bảo sức khỏe cho người dân đảo Cồn Cỏ
Trình bày tham luận tại hội thảo, Trung tá, TS Lê Hoàng Việt Lâm, Đại học An ninh Nhân dân, Bộ Công an cho biết: Cồn Cỏ là đảo tiền tiêu của Tổ quốc, cửa ngõ phía Nam của Vịnh Bắc Bộ và là tiền đồn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, với tổng diện tích 230,39 ha; trong đó rừng chiếm 74% diện tích của đảo. Đảo cách bờ từ 13 đến 17 hải lý, có ngư trường rộng lớn và phong phú được các ngư dân địa phương và các tỉnh bạn ra khơi bám biển.
Trung tâm Y tế quân - dân y huyện đảo Cồn Cỏ được xác định là “đơn vị sự nghiệp công lập, có chức năng khám, chữa bệnh và y tế dự phòng cho nhân dân và lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện đảo” theo Quyết định số 2139/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Trị.
Trung tá, TS Lê Hoàng Việt Lâm, Trường Đại học An ninh nhân dân, Bộ Công an. Ảnh: CPV
Những năm qua, vượt qua nhiều khó khăn về nhân lực, sự khắc nghiệt về thời tiết và thiếu thốn phương tiện, đội ngũ cán bộ Trung tâm Y tế quân - dân y Cồn Cỏ đã luôn chú trọng thực hiện nâng cao chất lượng công tác khám và chăm sóc sức khỏe cho lực lượng quân và dân trên huyện cũng như ngư dân đang đánh bắt cá trên ngư trường Cồn Cỏ.
Công tác đào tạo, đào tạo lại, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn, rèn luyện y đức cho cán bộ viên chức, người lao động được chú trọng, góp phần từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trong đội ngũ cán bộ y tế... Với kết quả đó, mô hình kết hợp quân - dân y đã khẳng định rõ vai trò trong việc củng cố tuyến y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân và các lực lượng quân sự trên đảo.
Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, trên cơ sở chỉ đạo của Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của huyện, Trung tâm đã chủ động xây dựng kế hoạch, dự trù trang thiết bị, thuốc, hoá chất, tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh…
Tuy nhiên, từ thực tiễn hoạt động, Trung tâm hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc, cụ thể như: Trình độ chuyên môn và số lượng nhân lực chuyên khoa của đội ngũ cán bộ y tế chưa đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh; máy móc, trang thiết bị, phương tiện phục vụ khám, chữa bệnh song cán bộ lại không có chuyên môn để vận hành…
Để quá trình tổ chức, hoạt động của Trung tâm Y tế quân - dân y Cồn Cỏ được thuận lợi, nâng cao khả năng khám, chữa bệnh và phòng ngừa dịch bệnh, tổ chức cứu hộ, cứu nạn được kịp thời, góp phần đảm bảo sức khỏe cho quân và dân trên đảo, Trung tâm đề xuất:
Một là, kiến nghị các cấp quan tâm và có chính sách, kế hoạch cụ thể trong việc sắp xếp cơ cấu tổ chức, nhân sự… để Trung tâm hoạt động ổn định, có phân cấp rõ ràng nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong tổ chức thực hiện các mặt công tác nhằm chăm lo, đảm bảo sức khỏe và tính mạng của quân và dân trên đảo một cách tốt nhất. Mặt khác, cần tổ chức cử một số cán bộ, nhân viên học các chuyên khoa sơ bộ về sử dụng các trang thiết bị y tế đã được cấp nhưng chưa có nhân lực sử dụng, tránh tình trạng lãng phí cơ sở vật chất hiện có.
Hai là, tổ chức khảo sát cơ sở vật chất của Trung tâm, từ đó cấp kinh phí để sửa chữa các hạng mục đã xuống cấp và nâng cấp các hạng mục khác nhằm đảm bảo các yêu cầu đặt ra trong khám, chữa bệnh. Đặc biệt, cần trang bị các hệ thống đi kèm cùng với máy xét nghiệm để đưa máy vào hoạt động; lắp ráp và vận hành hệ thống phòng cháy chữa cháy tại Trung tâm để đảm bảo an toàn, đúng quy định của pháp luật; bố trí 01 ô tô điện để vận chuyển bệnh nhân cấp cứu và phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, cần có cơ chế để tháo gỡ khó khăn về kinh phí đảm bảo thuốc cấp cứu và điều trị cho người không có thẻ Bảo hiểm y tế khi họ vào tránh trú trên đảo và có nhu cầu khám chữa bệnh.
Ba là, UBND tỉnh Quảng Trị, huyện đảo Cồn Cỏ tiếp tục thực hiện các chủ trương, chính sách an cư lập nghiệp hướng ra đảo với nhiều đãi ngộ thiết thực hơn để thu hút nhiều dân cư tới sinh sống, làm việc, học tập, góp phần xây dựng, bảo vệ biển, đảo; qua đó, đội ngũ quân - dân y của Trung tâm nâng cao năng lực khám, chữa bệnh, từ đó tích lũy kinh nghiệm để phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu về khám, chữa bệnh của huyện đảo./.