Nâng cao kỹ năng sử dụng Trung tâm SOC để phòng chống tấn công APT

Thứ bảy, 26/09/2020 09:33

Mục tiêu chương trình diễn tập an toàn, an ninh mạng WhiteHat Drill 07 là nâng cao kỹ năng chống tấn công có chủ đích APT, đồng thời thúc đẩy các hoạt động triển khai Trung tâm điều hành SOC đi vào thực chất, hiệu quả.

2020810-u3.jpg

Ngày 7/7, chương trình diễn tập an ninh mạng lần thứ 7 - WhiteHat Drill 07 chủ đề “Giám sát và ứng phó sự cố an ninh mạng sử dụng Trung tâm điều hành SOC”  đã được Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) và Bkav chính thức khai mạc.

Diễn ra trực tuyến tại website Cộng đồng an ninh mạng Việt Nam WhiteHat.vn, chương trình WhiteHat Drill 07 kéo dài trong 3 ngày từ 7/7/2020 đến 9/7/2020. Diễn tập nhằm mục đích giúp cho cán bộ phụ trách CNTT, An toàn thông tin của các cơ quan, tổ chức có thêm kinh nghiệm, nâng cao tính chủ động phòng ngừa, vận hành các Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng SOC một cách hiệu quả và chủ động xử lý mỗi khi tấn công mạng xảy ra.
 
Từ hơn 150 đội đăng ký, Ban tổ chức chọn ra 45 đội tham gia chương trình diễn tập theo 3 bảng A, B, C, mỗi bảng có 15 đội sẽ lần lượt tham gia diễn tập trong thời gian từ 14h đến 17h các ngày 7, 8, 9/7/2020.
 
15 đội bảng A đến từ Sở TT&TT của các tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Điện Biên, Hà Nam, Lai Châu, Nam Định, Đà Nẵng, Thái Bình, Quảng Nam, Trà Vinh, Ninh Thuận, Tiền Giang và Hà Nội tham gia diễn tập trong ngày đầu tiên, 7/7/2020.

Giám sát an toàn thông tin là một trong những yêu cầu quan trọng trong việc đảm bảo an toàn thông tin theo mô hình “4 lớp” mà Bộ TT&TT đã hướng dẫn. Trong đó, nền tảng Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng SOC đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ thông tin là thành phần quan trọng nhất để đảm bảo hoàn thành 2 lớp gồm: Lớp giám sát bảo vệ chuyên nghiệp; Lớp kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT nhấn mạnh, khi ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử trở thành công tác thường xuyên, các cơ quan, tổ chức đều tăng cường triển khai hệ thống kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn, an ninh mạng của các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ phát triển Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, đô thị thông minh.
 
“Trong bối cảnh đó, Cục An toàn thông tin đã và đang nỗ lực cùng các cơ quan, tổ chức triển khai SOC tại tất cả các bộ, ngành, địa phương để chúng ta chuyển từ tình thế bị động đối phó với mỗi cuộc tấn công mạng sang trạng thái chủ động, xử lý kịp thời, khôi phục nhanh”, ông Phúc cho biết.
 
Theo ông Phúc, các cơ quan, tổ chức cần nhận thức rõ rằng để triển khai một hệ thống SOC hiệu quả, điểm mấu chốt nằm ở nhân sự. Tuy nhiên, bên cạnh việc chuẩn bị tốt về nhân lực, trang thiết bị thì việc điều phối, ứng phó an ninh mạng cũng vô cùng quan trọng.
 
“Chúng ta có con người, có thiết bị an ninh mạng nhưng trong trường hợp xảy ra sự cố mà không huy động các nguồn lực đó và không có kịch bản để ứng phó thì hệ thống về con người, thiết bị đó không đem lại giá trị. Vì vậy, các cơ quan, tổ chức cần thường xuyên tổ chức diễn tập với kịch bản cụ thể về phương án ứng cứu sự cố an ninh mạng, giống như các cuộc diễn tập về cứu hỏa, phòng cháy chữa cháy định kỳ thường niên”, đại diện Cục An toàn thông tin khuyến nghị.
 
Chia sẻ về thêm về WhiteHat Drill 07, Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Bkav, ông Ngô Tuấn Anh cho biết, trong hơn 150 đội đăng ký tham gia, Ban Tổ chức rất khó chọn ra 45 đội tham gia vào 3 Bảng diễn tập. Để đáp ứng nhu cầu, mong muốn của các cơ quan, tổ chức, thời gian sắp tới, Ban Tổ chức sẽ bổ sung thêm các buổi diễn tập khác trên toàn quốc.
 
“Chúng tôi mong muốn qua chương trình diễn tập định kỳ này, các đội tham gia sẽ có thêm kinh nghiệm thực chiến để khi những sự cố an ninh mạng xảy ra, có thể chủ động ứng phó. Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn tạo kết nối giữa các nhóm đối tượng, giữa lực lượng tại chỗ, các đơn vị giám sát và cơ quan quản lý nhà nước cũng như đơn vị kiểm tra, giám sát nhằm tạo nên mạng lưới hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình điều tra và xử lý sự cố an ninh mạng”, ông Tuấn Anh bày tỏ.

Nhiệm vụ của đội giám sát, ứng cứu sự cố tham gia diễn tập WhiteHat Drill 07 là vận hành hệ thống Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng SOC để phát hiện ra các dấu hiệu của cuộc tấn công, sau đó xử lý qua các bước theo đúng quy trình.Theo đại diện Ban Tổ chức, tình huống được đưa ra cho các đội diễn tập là 1 cơ quan, tổ chức bị tấn công có chủ đích APT, tin tặc sử dụng mã độc nằm vùng. Mã độc sau khi xâm nhập hệ thống đã tiếp tục lây lan nhằm mục đích thu thập thông tin của cơ quan, tổ chức.
 
Quy trình xử lý sự cố các đội tham gia diễn tập cần thực hiện gồm 8 bước: Ghi nhận sự cố và phân công xử lý; Phân tích và xác nhận sự cố; Thông báo; Ngăn chặn; Thu thập bằng chứng và truy tìm thủ phạm; Xử lý nguyên nhân gây ra tấn công; Khôi phục hệ thống; Hoạt động sau sự cố.
 
Trong hai ngày 8, 9/7 tới, 30 đội bảng B, C sẽ lần lượt tham gia diễn tập WhiteHat Drill 07 chủ đề “Giám sát và ứng phó sự cố an ninh mạng sử dụng Trung tâm điều hành SOC”.
Vân Anh
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top