Nâng cao kỹ năng số để nông dân bắt nhịp với nền nông nghiệp hiện đại

Thứ tư, 02/11/2022 23:07

Chuyển đổi số trong nông nghiệp là quá trình mới mẻ và đầy khó khăn, thách thức, nhưng đây chính là cơ hội rất lớn để người nông dân tiếp cận với khoa học công nghệ và nền nông nghiệp hiện đại, từ đó nâng cao chất lượng nông sản, khẳng định vị thế của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

h20_2.jpg

Tương tự như nhiều ngành nghề kinh tế khác, nông nghiệp cũng không nằm ngoài vòng chuyển đổi số. Chuyển đổi số trong nông nghiệp giúp nâng cao năng suất làm việc, nâng cao lợi nhuận, tối ưu hóa sản xuất và đem lại cơ hội mở rộng cao hơn. Tại Việt Nam, giá trị cốt lõi của chuyển đổi số trong nông nghiệp hiện nay là đưa được những giải pháp công nghệ đột phá dựa trên nền công nghệ số đến người sản xuất nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị cao hơn, sản xuất hiệu quả hơn.

Chuyển đổi số đóng vai trò kết nối hộ nông dân với các doanh nghiệp chế biến, thương mại gắn với người tiêu dùng trong cả nước và trên thế giới. Qua đó chuyển đổi mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả sang nền sản xuất nông nghiệp hiện đại; đồng thời, ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn trồng trọt và chăn nuôi là lĩnh vực đột phá để đẩy mạnh chuyển đổi số.  Chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ là câu chuyện ứng dụng công nghệ tạo thêm những giá trị thặng dư cho nền kinh tế, mà là để giúp hàng chục triệu hộ nông dân tiếp cận, cập nhật tri thức mới, mở ra cách nghĩ mới, cách làm mới, sẵn lòng thay đổi, để hoà nhịp xu thế phát triển.

Nông nghiệp bắt nhịp xu hướng chuyển đổi số

Công tác chuyển đổi số trong nông nghiệp thời gian qua đã được nhiều địa phương quan tâm triển khai. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ, Chương trình chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, xác định đối với lĩnh vực nông nghiệp, sẽ phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Theo đó, Hà Nội sẽ tập trung phát triển ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý; giám sát nguồn gốc chuỗi cung ứng sản phẩm nhanh chóng, chính xác, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm…
 
Tại Cần Thơ, Nghị quyết chuyển đổi số thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định nông nghiệp là 1 trong 9 ngành, lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số. Trên cơ sở đó, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch về việc ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện số hóa trong nông nghiệp giai đoạn 2022-2025; trong đó đẩy mạnh ứng dụng thành tựu Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào hoạt động kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý các vùng sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc và liên kết tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế số trong nông nghiệp.
 
Nhờ đó, hoạt động chuyển đối số trong nông nghiệp và nông thôn của thành phố đã có những kết quả bước đầu đáng ghi nhận thông qua một số mô hình ứng dụng nông nghiệp 4.0 tiêu biểu như: mô hình trồng rau thủy canh theo công nghệ Israel; mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và ứng dụng điện toán đám mây; mô hình điều khiển tưới, phun thuốc bảo vệ thực vật tự động trên lúa và vườn cây ăn trái; mô hình cảm biến điều khiển môi trường chuồng trại chăn nuôi; mô hình cảm biến môi trường nuôi thủy sản...
 
Khởi động chậm hơn một chút nhưng Nghệ An đã có những bước đi đầu tiên trong ứng dụng chuyển đổi số. Cụ thể, trên cơ sở các sản phẩm được xây dựng hồ sơ quản lý chất lượng, nhãn hiệu hay xây dựng sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP, một số tổ hợp tác và hộ gia đình đã tự làm cấp mã vạch, dán mã QR để giới thiệu, bán hàng trực tuyến. Tỉnh cũng đã phối hợp với Tập đoàn Viettel để giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tại Trang Thương mại trực tuyến Vỏ sò; ký kết hợp tác với Công ty Alibaba để đưa sản phẩm vào chuỗi, tổ chức sự kiện Live tream giới thiệu cam ở Yên Thành. Nhờ mở ra hướng đi này nên các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh như cam, ổi, rau sạch… đến được với người tiêu dùng, ít xảy ra hiện tượng “giải cứu”.
 
Phát huy vai trò chủ thể của nông dân

Thực tế cho thấy, chuyển số trong nông nghiệp đang là hướng đi đúng đắn nhưng vẫn đang gặp nhiều khó khăn do mô hình sản xuất chủ yếu là nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị. Trình độ sản xuất cơ giới hóa còn thấp, các công nghệ phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp (cơ khí, chế biến sâu, dây chuyền kiểm nghiệm sản phẩm nông nghiệp...) chưa tương xứng...

Một trong những nguyên nhân quan trọng kìm hãm quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp là do trình độ nhân lực lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm số lượng lớn là nông dân không được đào tạo chuyên môn bài bản; khó tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật. Sự liên kết với nông dân còn hạn chế, nhiều sản phẩm chưa có chiến lược phát triển rõ ràng ở tầm quốc gia.

Để chuyển đổi số nông nghiệp thành công, theo nhiều chuyên gia cần thiết phải đồng hành cùng nông dân, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất. Người nông dân trong chuyển đổi số nông nghiệp không chỉ đóng vai trò chủ lực mà còn là nhóm cần được quan tâm nhất. Để thích ứng với chuyển đổi số, việc tập huấn, nâng cao kỹ năng số cho người nông dân là yêu cầu cấp thiết.

Tại Quảng Ninh, Hội Nông dân tỉnh đã vào cuộc mạnh mẽ để thúc đẩy và hỗ trợ nông dân trong công cuộc chuyển đổi số. Theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, thương mại điện tử là xu thế kinh doanh hiện đại, đồng thời là một trong những nội dung của chuyển đổi số ở lĩnh vực nông nghiệp. Thực hiện mục tiêu này, Hội đang phối hợp các sở, ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng ứng dụng khoa học kỹ thuật cho hội viên, nông dân. Trong đó, có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, kỹ năng quảng bá nông sản qua mạng, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa...
 
Cuối tháng 4 vừa qua, hơn 80 hội viên nông dân của các huyện Hải Hà, Tiên Yên, Quảng Ninh đã được tham gia hội nghị tập huấn công nghệ số, công nghệ thông tin về sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản do Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức. Tại hội nghị này, các hội viên, nông dân đã được hướng dẫn cách thức tạo tài khoản, viết bài, chụp hình, xây dựng các video quảng bá về sản phẩm, dịch vụ để đăng trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội; sử dụng phương thức thanh toán điện tử an toàn, tin cậy cho các giao dịch thương mại điện tử; phương thức, cách làm, kết nối đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử cũng như cách tạo lập các trang web, mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá nông sản…
 
Cũng nhằm nâng cao kỹ năng số cho người nông dân, vừa qua, Trung tâm hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với Bưu điện thành phố Tuyên Quang, Hội Nông dân thành phố Tuyên Quang tổ chức tập huấn thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, đào tạo hộ, cơ sở sản xuất kinh doanh đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử cho 70 cán bộ, hội viên nông dân phường Ỷ La (TP Tuyên Quang). Tại hội nghị, cán bộ, hội viên nông dân đã được phổ biến và hướng dẫn cách thức tham gia kinh doanh trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn; hướng dẫn tạo tài khoản, khởi tạo gian hàng, cách đưa sản phẩm lên gian hàng và theo dõi đơn hàng… Từ đó, nắm được các kỹ năng thực hành, đưa sản phẩm của mình lên sàn giao dịch thương mại điện tử, góp phần quảng bá, tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản thông qua sàn thương mại điện tử, giúp hội viên nông dân tiếp cận với công nghệ mới, thay đổi tư duy bán hàng và cập nhật thêm các kiến thức, kỹ năng cơ bản kinh doanh số.
 
Các lớp tập huấn giúp nông dân tiếp cận kỹ năng số đang được nhiều địa phương tích cực triển khai để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp. Theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, Hội Nông dân Việt Nam sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ nông dân trong việc nâng cao kiến thức về chuyển đổi số, thay đổi tư duy sản xuất truyền thống của nông dân sang một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm; hướng dẫn nông dân trực tiếp tham gia xây dựng các dữ liệu lớn về nông nghiệp như: cây trồng, vật nuôi, thủy sản, đất đai; cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân quyết định hướng sản xuất kinh doanh phù hợp...
 
Có thể nói, chuyển đổi số trong nông nghiệp là quá trình mới mẻ và đầy khó khăn, thách thức, nhưng đây chính là cơ hội rất lớn để người nông dân tiếp cận với khoa học công nghệ và nền nông nghiệp hiện đại, từ đó nâng cao chất lượng nông sản, khẳng định vị thế của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
 
Nguồn: dangcongsan.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top