Các đại biểu tham dự Hội tập huấn tại Quảng Ninh, ngày 19 - 20/4/2022
Những giá trị của chuyển đổi số và những nội dung liên quan đến chuyển đổi số đã và đang được cập nhật tới hơn 300 cán bộ tuyên giáo công đoàn các cấp thông qua các tập huấn công tác chuyển đổi số và an toàn bảo mật thông tin do Công đoàn TT&TT tổ chức trong tháng 4/2022 tại 3 miền của đất nước.
Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ công đoàn về chuyển đổi số
Phát biểu tại tập huấn công tác tuyên giáo năm 2022 khu vực miền Bắc tại Quảng Ninh diễn ra từ 19 - 20/4/2022, bà Tăng Thị Hoa, Phó Chủ tịch Công đoàn TT&TT Việt Nam cho biết chuyển đổi số là vấn đề đang được Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm. Năm 2019, Chính phủ đã giao cho Bộ TT&TT xây dựng Đề án Chuyển đổi số quốc gia. Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến 2025, tầm nhìn đến 2030.
Hiện nay nhiều ngành, địa phương, doanh nghiệp đã bắt đầu triển khai chuyển đổi số hiệu quả đã có tác động tích cực đến đời sống, kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bà Tăng Thị Hoa, Phó Chủ tịch Công đoàn TT&TT Việt Nam phát biểu tại Hội nghị tập huấn
Đối với tổ chức công đoàn, bà Tăng Thị Hoa cho biết cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ công đoàn về chuyển đổi số, mà trước tiên là để phối hợp với chuyên môn trong chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số thành công tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chương trình chuyển đổi số quốc gia, những tác động đối với đoàn viên, người lao động khi triển khai chuyển đổi số.
Cũng theo Phó Chủ tịch Công đoàn, hiện nay với sự bùng nổ của mạng xã hội, thông tin mọi mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, đời sống rất đa dạng, phong phú. Với môi trường tương tác mở như vậy, việc bảo mật an toàn thông tin của đối tượng tham gia mạng xã hội là rất quan trọng.
Tập huấn cũng hỗ trợ các cán bộ công đoàn về bảo vệ thông tin, bảo vệ cho hệ thống thông tin trên mạng, giúp tránh bị sử dụng, truy cập, tiết lộ, phá hủy hoặc sửa đổi trái phép, nhờ đó mà thông tin được nguyên vẹn, đảm bảo tính khả dụng và bảo mật của nguồn thông tin.
Chuyển đổi tổng thể và toàn diện về cách sống, làm việc
Chia sẻ tại tập huấn, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám Trung tâm Tư vấn nghiệp vụ và hỗ trợ đánh giá hiệu quả đầu tư CNTT, Cục Tin học hoá - Bộ TT&TT cho biết chuyển đổi số là một xu thế và các nước không thể đứng ngoài cuộc. Việt Nam đã có Chương trình Chuyển đổi số quốc gia được phê duyệt theo Quyết định số 749/QĐ-TTg với mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.
Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám Trung tâm Tư vấn nghiệp vụ và hỗ trợ đánh giá hiệu quả đầu tư CNTT, Cục Tin học hoá, Bộ TT&TT
Theo đó, "Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp". Thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia có các nhiệm vụ: tạo nền móng chuyển đổi số (chuyển đổi nhận thức; kiến tạo thể chế; phát triển hạ tầng số; phát triển nền tảng số; tạo lập niềm tin, bảo đảm an toàn an ninh mạng; hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số); phát triển Chính phủ số; phát triển kinh tế số; phát triển xã hội số.
Theo ông Tuấn, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số.
Ông Tuấn cho biết: Đừng phức tạp chuyển đổi số, chuyển đổi số là những cái chúng ta đang và đã làm hàng ngày. Chuyển đổi số là gồm chuyển đổi nhận thức, chuyển đổi hoạt động của chính phủ, chính quyền, kinh tế, xã hội lên môi trường số. Chuyển đổi số là chuyển đổi thói quen; hạ tầng, thiết bị; kỹ năng và ứng dụng.
Chuyển đổi số tạo ra những giá trị mới hoàn toàn như Grab mang lại trải nghiệm cho người dùng thoải mái, hoặc tham gia nền tảng số để chuyển hàng từ địa điểm này đến địa điểm khác nhận với chi phí rẻ hơn, thuận tiện, chủ động hơn…
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã từng nhấn mạnh: "Chuyển đổi số không phải là một chi phí tăng thêm mà phải là một giá trị tăng thêm".
Chuyển đổi số ai cũng phải tham gia từ lãnh đạo, tổ chức chính trị và xã hội, cán bộ chính quyền, doanh nghiệp, các hộ gia đình và người dân.
Một số nhiệm vụ quan trọng triển khai chuyển đổi số
Để thúc đẩy, hỗ trợ và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện chuyển đổi số có những bước đột phá trong năm 2022, ông Mai Thanh Hải, Phó Trưởng phòng Thông tin và dịch vụ công trực tuyến, Cục Tin học hoá cho biết ngày 06/3/2022, Bộ TT&TT đã có văn bản số 797/BTTTT-THH hướng dẫn một số nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy triển khai chuyển đổi số năm 2022.
Ông Mai Thanh Hải, Phó Trưởng phòng Thông tin và dịch vụ công trực tuyến, Cục Tin học hoá, Bộ TT&TT
Trong đó, định hướng xuyên suốt về chuyển đổi số năm 2022 là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam, giúp người dân, doanh nghiệp thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi cũng như lợi ích của chuyển đổi số. Cụ thể là phổ cập sử dụng sàn thương mại điện tử cho người dân và các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể. Đồng thời phổ cập sử dụng nền tảng dạy học trực tuyến, trong đó chú trọng hướng dẫn người dân chủ động sử dụng các nền tảng số phục vụ việc học tập, ôn luyện các môn học về khoa học tự nhiên, ngoại ngữ, kỹ năng số, kỹ năng mềm.
Tiếp đó là phổ cập sử dụng nền tảng số hỗ trợ tư vấn sức khỏe cá nhân, kết nối trực tiếp giữa người dân với bác sĩ theo quy định của pháp luật, sử dụng nền tảng số hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa của các bệnh viện. Phổ cập sử dụng nền tảng số khác phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân như liên lạc, giải trí, du lịch, đi lại, ăn uống và bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Đồng thời phổ cập sử dụng dịch vụ công trực tuyến do cơ quan chính quyền các cấp cung cấp cho người dân, doanh nghiệp; phổ cập sử dụng nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo triển khai 22 nhiệm vụ, giải pháp quan trọng vừa mang tính trung hạn, vừa mang tính ưu tiên triển khai trong năm 2022 để thực hiện các định hướng nêu trên.
Chia sẻ về giá trị chuyển đổi số mang lại, ông Hải đã dẫn chứng một số kết quả từ triển khai thí điểm chuyển đổi số cấp xã ở các xã: Vi Hương (tỉnh Bắc Kạn), Yên Hoà (tỉnh Ninh Bình), La Bằng, Sảng Mộc, số hóa 3D, 4D khu ATK huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên), Tú Lệ, Văn Chấn (Yên Bái),...
Tại xã Yên Hoà, Huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, việc thí điểm chuyển đổi số cấp xã đã đạt được một số kết quả như 100% cán bộ công chức sử dụng chữ ký số, 100% văn bản đi được chuyển qua hệ thống, 100% hồ sơ thủ tục hành chính qua hệ thống 1 cửa điện tử. Các phần mềm chuyên ngành (quản lý tài sản, bảo hiểm, kế toán, hộ tịch,...) được trang bị; trang tin điện tử được nâng cấp; Các kênh truyền thông tới người dân được thiết lập (SMS, App công dân, Zalo, truyền thanh AI); hệ thống giám sát, điều hành thông minh xã được trang bị (giám sát, điều hành các chỉ số kinh tế - xã hội (thu chi, chỉ tiêu phát triển nông nghiêp, giám sát xử lý thủ tục hành chính, tình hình dịch bệnh,...)
Về kinh tế số, xã đã xây dựng thương hiệu; đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử về nông sản postmart.vn. Sản phẩm trạch sụn kho tiêu sau một năm sản lượng tăng 4,67 lần; thu nhập người lao động tăng 3 lần (1,5 triệu đồng/tháng tăng lên 4,5 triệu đồng/tháng). Mã địa chỉ (Vpostcode) đã tới 100% hộ gia đình,...
Tại xã Yên Hoà, công nghệ đã được ứng dụng vào trường học như như sổ liên lạc, quản lý thư viện. Ứng dụng (App Medici) trên điện thoại thông minh đã được cài đặt cho 1500, tiết kiệm 300 triệu đồng/năm. Tư vấn khám chữa bệnh từ xa qua Teleheath được triển khai.
Về thúc đẩy chuyển đổi số cấp tỉnh, ông Mai Thanh Hải đã chia sẻ một số điểm nổi bật của chuyển đổi số TP. Đà Nẵng như Đà Nẵng đã có đề án chuyển đổi số kế thừa những kinh nghiệm và kết quả cơ bản từ 10 năm triển khai chính quyền điện tử. Đà Nẵng là địa phương 12 năm liên tiếp đứng nhất về Chỉ số ICT, được tổ chức công nghiệp điện toán châu Á – châu Đại dương trao Giải thưởng thành phố thông minh 2019.
Đà Nẵng đã triển khai cổng dữ liệu mở để cung cấp dữ liệu, công khai thông tin cho người dân, doanh nghiệp tại địa chỉ https://opendata.danang.gov.vn/. Đà Nẵng đã triển khai trung tâm giám sát với 200 camera giám sát giao thông thông minh, 1800 camera an ninh chuyện dụng, 34.500 camera giám sát an ninh huy động từ người dân, doanh nghiệp.
Trong khi đó, 100% y tế các cấp triển khai ứng dụng y tế điện tử trên một nền tảng dùng chung. Đà Nẵng cũng có 98% người dân, doanh nghiệp hài lòng khi sử dụng ứng dụng Danang smart city./.