Chiều 3/11, “Hội nghị tư vấn thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm OCOP và sản phẩm làng nghề phù hợp nhu cầu thị trường” đã diễn ra tại Hà Nội. Hội nghị là hoạt động trong khuôn khổ Hội chợ Làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 18 (năm 2022) do Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp phối hợp với Cục Chế biến và phát triển thị trường Nông sản, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương tổ chức.
Hiện nay, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), với những sản phẩm nào đạt từ 4 sao trở lên đều cho thấy sự đầu tư của chủ thể cho bao bì sản phẩm. Còn đối với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn 2-3 sao, tiêu chí bao bì, nhãn mác mới dừng ở mức có đầy đủ các yếu tố, chưa có sự sáng tạo, nét đặc trưng riêng biệt, chưa hiển thị các tiêu chuẩn và chưa phù hợp với tiêu chuẩn thương mại quốc tế. Đối với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn 1 sao, các tiêu chí về tính hoàn thiện của bao bì, phong cách của bao bì đạt mức điểm thấp nhất, do hầu hết sản phẩm sử dụng bao bì truyền thống, không phát triển thêm hoặc không có bao bì, chỉ để trong túi/chai hoặc đóng gói thông thường. Đây là một sự lãng phí rất đáng tiếc đối với các sản phẩm đặc sản của các địa phương và cũng là “nút thắt” khiến sản phẩm khó có thể tiếp cận với các doanh nghiệp và các siêu thị.
Bà Phạm Thị Thùy Linh, Giám đốc thu mua miền Bắc Siêu thị Big C (hiện đã chuyển sang tên gọi Tops Market và GO!) cho biết, hầu hết chủ thể gặp khó khăn là chất lượng sản phẩm mặc dù đủ điều kiện theo yêu cầu, có thể truy xuất được nguồn gốc nhưng bao bì nhãn mác lại chưa được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn tem mác của Nhà nước.
Thực tế cho thấy, một thiết kế bao bì đẹp và khác biệt sẽ có khả năng liên kết cảm xúc tới khách hàng. Để làm được điều đó, trước tiên phải đáp ứng đầy đủ phần nội dung để người tiêu dùng nhận diện sản phẩm. Chính vì vậy, khi thiết kế bao bì, chủ thể OCOP cần phải tuân thủ các quy định, quy chuẩn quốc gia tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP về thi hành Luật An toàn thực phẩm, Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa…, có như thế mới thuận tiện cho hoạt động thương mại, lưu thông hàng hóa.
Điều này đòi hỏi các chủ thể phải tăng cường liên kết với các doanh nghiệp có chuyên môn về thiết kế bao bì sản phẩm. Thông qua doanh nghiệp, chủ thể sẽ nhận được những thông tin chính xác, đáng tin cậy và được cập nhật liên tục về đối tượng khách hàng của mình, từ đó xây dựng chiến lược đầu tư hợp lý nhất để đổi mới bao bì theo đúng yêu cầu của thị trường. Điển hình cho liên kết này phải kể đến chủ thể Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) với hầu hết các sản phẩm khi đưa ra đều để lại dấu ấn riêng trên thị trường, góp phần khẳng định hình ảnh riêng biệt, đồng thời truyền tải hiệu quả giá trị mà thương hiệu sản phẩm của chủ thể đem lại cho người tiêu dùng ở trong và ngoài nước.
Nhiều đại biểu tham dự Hội nghị cũng đồng tình rằng, thiết kế bao bì sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP sẽ giúp tăng doanh số. Vì lẽ đó, cần đáp ứng đủ các chức năng về bảo vệ sản phẩm, thông tin sản phẩm, vận chuyển sản phẩm, quảng bá, trưng bày và khuyến mãi, đảm bảo logo và nhận diện cơ bản, nhất là định vị sản phẩm với những hình ảnh thương hiệu mang giá trị cộng đồng, bản địa, địa phương… đặc trưng nhất./..