Nâng cao công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa

Thứ năm, 27/10/2022 17:02

Chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ, mở ra nhiều cơ hội trong các lĩnh vực. Riêng về văn hóa, việc số hóa và từng bước chuyển đổi số, quảng bá các giá trị văn hóa trên không gian mạng được xem là một bước tiến quan trọng đem lại những thay đổi tích cực trong việc quảng bá hình ảnh, con người Bắc Ninh đến bạn bè trong nước và quốc tế.

20221027-m01.jpg

Các tiết mục hát dân ca quan họ Bắc Ninh thường xuyên được quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội 

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, ngành văn hóa thể thao và du lịch Bắc Ninh đã quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa cơ sở dữ liệu, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực. Rất nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã và đang được quảng bá trên các nền tảng trực tuyến. Đáng chú ý, Bắc Ninh là tỉnh đi đầu trong cả nước hoàn thiện số hóa tổng thể hệ thống di sản. Đến thời điểm này, không gian, thuộc tính của 585 di tích đã được xếp hạng và nội thất 4 di tích Quốc gia đặc biệt cùng các di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh đã được thu thập và xây dựng thành ngân hàng dữ liệu dạng số tổng thể bao gồm: Hồ sơ khoa học về di sản, cơ sở dữ liệu không gian 3D, ảnh chụp đen trắng và màu; băng, đĩa ghi hình; các văn bản pháp lý có liên quan, các quy hoạch, kế hoạch, dự án tu bổ, tôn tạo di tích...

Theo ông Nguyễn Văn Ảnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bắc Ninh: Thời gian qua, bằng phương thức sân khấu online, ngành văn hóa thể thao và du lịch đã mang đến cho công chúng cơ hội thưởng thức văn nghệ, bằng cách sản xuất các chương trình nghệ thuật phát trên sóng truyền hình và trên các nền tảng mạng xã hội như: Website báo chí, truyền thông, diễn đàn mạng xã hội Facebook, Zalo, Youtube... Thư viện tỉnh phát hành các clip giới thiệu sách mới trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội và tổ chức phát động cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc trực tuyến, tuyên truyền giới thiệu sách online... Bảo tàng cũng tăng cường giới thiệu, quảng bá di sản thông qua việc đăng tin, bài, video giới thiệu các chuyên đề để tạo sự tương tác, duy trì sự kết nối với công chúng trên website và mạng xã hội.  

Ông Nguyễn Văn Ảnh cho biết thêm: Để quảng bá hình ảnh, văn hóa Bắc Ninh, ngành văn hóa thể thao và du lịch đã triển khai và đưa vào vận hành Cổng thông tin du lịch Bắc Ninh. Cổng được tích hợp các công nghệ mới nhất, vừa truyền tải thông tin về du lịch Bắc Ninh đến với du khách, vừa là một kênh tiếp nhận, xử lý kịp thời những phản ánh của du khách đến các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Cổng đưa vào hoạt động là một trong những bước đi cụ thể của lộ trình số hóa và kinh doanh dịch vụ nội dung số trên các nền tảng công nghệ thông minh. Đây là tiền đề cho du lịch tỉnh Bắc Ninh có những bước chuyển biến mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước tiến tới mục tiêu phát triển du lịch Bắc Ninh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, là điểm đến hấp dẫn và thân thiện. Bên cạnh đó, ngành còn triển khai ứng dụng công nghệ GIS xây dựng hệ thống thông tin du lịch phục vụ công tác quản lý và phát triển ngành du lịch tỉnh. Đây là công cụ tra cứu thông tin du lịch trên địa bàn tỉnh nhằm quảng bá hình ảnh của địa phương cũng như hỗ trợ việc tìm kiếm thông tin của khách du lịch.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác số hóa cơ sở dữ liệu về văn hóa còn gặp những tồn tại, hạn chế do đặc thù và đa dạng trong các lĩnh vực, chuyên môn, nghiệp vụ của ngành. Việc kiểm soát vấn đề vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn học nghệ thuật đang ngày càng trở nên phức tạp; số hóa cơ sở dữ liệu chưa cập nhật thường xuyên, liên tục; nguồn nhân lực công nghệ thông tin còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Thời gian tới, để thực hiện tốt công tác số hóa dữ liệu lĩnh vực văn hóa, tiến tới chuyển đổi số hiệu quả, ngành văn hóa thể thao và du lịch Bắc Ninh cần xác định một số nội dung cơ bản, cụ thể trong quá trình triển khai thực hiện. Tiếp tục tiến hành số hóa di sản văn hóa, bảo tàng, triển lãm, cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin, tuyên truyền, quảng cáo, cơ sở dữ liệu thư viện…

Mặt khác, tăng cường triển khai công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về nhiệm vụ chuyển đổi số. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông trực tuyến, tổ chức các chương trình quảng bá, phát triển công chúng; hình thành hệ sinh thái số đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, tạo hạ tầng mềm phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Khi đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số phải bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ, tránh chồng chéo. Đối với các ứng dụng chuyên ngành, triệt để sử dụng các sản phẩm phần mềm theo theo ngành dọc, bảo đảm đồng bộ, tích hợp, liên thông.

Bên cạnh đó, ngành chủ động phối hợp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin,  xây dựng các ứng dụng chuyên ngành trên thiết bị di động thông minh; phát triển hạ tầng số như lắp đặt wifi miễn phí tại các khu vực công cộng, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh; phủ sóng 4G, 5G; số hoá và triển khai ảo hoá./.

Minh Phương (Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Ninh)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top