Nắm bắt cơ hội chuyển đổi số trong nông nghiệp

Thứ bảy, 01/10/2022 09:23

Chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu của các ngành, các lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp. Cùng với việc nhân rộng các mô hình khởi nghiệp thành công, thì chuyển đổi số ngành nông nghiệp còn đòi hỏi phải triển khai đồng bộ, toàn diện và nông dân phải

110h7.jpg

Thời gian qua, việc thực hiện chuyển đổi số bước đầu được áp dụng trong các lĩnh vực như: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, lâm nghiệp đã mang lại những kết quả khả quan. Đã có nhiều nông dân xuất sắc, dẫn dắt hàng triệu hội viên nông dân cùng chuyển đổi số. Nhiều nông dân đã thu được tiền tỷ trên chính những mảnh vườn, thửa ruộng, vuông tôm, chuồng trại của mình.

Tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp vừa qua, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, tín hiệu đáng mừng là hiện nay các địa phương đều nhắc đến chuyển đổi số như là một giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo phát triển hai sàn thương mại điện tử cho nông dân thành hai sàn thương mại điện tử nông nghiệp lớn nhất hiện nay. Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cũng đã hoàn thành mục tiêu tạo gian hàng số cho 2,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Không chỉ cung cấp nền tảng số, hướng dẫn cách lên sàn, Tổng công ty còn hỗ trợ các hộ gia đình đồng bộ các giải pháp từ tiếp thị, truyền thông, đóng gói, vận chuyển, thanh toán. Hiện, nông dân có thể dễ dàng tiếp cận thông tin, công nghệ như một doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu đến hộ nông dân, thậm chí đến từng cây trồng, con vật nuôi.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chia sẻ, giá trị của chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ là câu chuyện ứng dụng công nghệ tạo thêm những giá trị thặng dư cho nền kinh tế, mà là giúp hàng chục triệu hộ nông dân tiếp cận, cập nhật tri thức mới, mở ra cách nghĩ mới, cách làm mới, sẵn lòng thay đổi, để hòa nhịp xu thế phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, các nhà khoa học xã hội chỉ ra vấn đề tồn tại là nhiều nông dân Việt Nam chưa hiểu thế nào là chuyển đổi số, không nắm được những việc cần phải làm để tiến hành chuyển đổi số. Khi họ bước vào công cuộc chuyển đổi số thì đầy gian nan, thách thức mặc dù biết đây là cơ hội rất lớn để làm cuộc “đại thay đổi” cho ngành nông nghiệp cũng như các hộ sản xuất. Quy mô ứng dụng chuyển đổi số còn hạn chế, chưa đồng bộ giữa các vùng, miền, địa phương. Chuyển đổi số sao cho hiệu quả, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi lãi suất thấp để đầu tư chuyển đổi số trong nông nghiệp như thế nào, dự báo về cung cầu thị trường,… đang là những băn khoăn của nông dân.

Chuyển đổi số ngành nông nghiệp về lâu dài phải bắt đầu từ nông dân và phải dựa trên nền tảng số, dữ liệu số. Mọi chính sách phải hướng đến nông dân, nông thôn, doanh nghiệp, hợp tác xã. Ở chiều ngược lại, nông dân, nông thôn, doanh nghiệp, hợp tác xã cũng phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Đồng thời, người đứng đầu phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, cách làm phù hợp, bám sát thực tiễn, điều kiện, hoàn cảnh của nền nông nghiệp Việt Nam để đạt hiệu quả cao, sức lan tỏa rộng và mang lại lợi ích cho nhiều nông dân, nông thôn, doanh nghiệp, hợp tác xã.

Ông Lê Tân Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết, trong quá trình thực hiện chuyển đổi số cần sớm có định hướng tổng thể từ Trung ương đến địa phương. Mỗi địa phương thuê một đơn vị tư vấn và sử dụng một phần mềm ứng dụng có thể gây lãng phí nguồn lực khi sau này có phần mềm dùng chung toàn quốc. Vì vậy, cần có định hướng và xác định những nhiệm vụ trọng tâm như phân cấp và chia lộ trình để làm một cách tổng thể từ Trung ương đến cấp xã, giúp cho các địa phương có thể xây dựng kế hoạch thực hiện tốt.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn là cơ hội, chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu nông dân sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất. Chuyển đổi số không phải là cải tiến, mà là sự sáng tạo mang tính “xóa bỏ” cách làm cũ. Mỗi bước đi cần thận trọng, với điểm xuất phát thấp, nguồn lực hạn chế, chuyển đổi số nông nghiệp không được phép sai lầm. Làm ngay, nhưng phải từng bước chắc chắn và làm không ngừng. Tất cả mọi khâu, mọi công việc cần phải số hóa đồng loạt. Mỗi chủ thể phải biết cần làm gì trước, công nghệ nào ứng dụng trước, tránh lạm dụng xảy ra quá tải và lạc hướng.

Năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn hai lĩnh vực đột phá là trồng trọt và chăn nuôi để đẩy mạnh chuyển đổi số. Đồng thời, sẽ đẩy mạnh việc hình thành nền tảng dữ liệu số nông nghiệp phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của Bộ, ngành ở Trung ương và địa phương, phát triển thương mại điện tử, dịch vụ nông nghiệp số,... Trước mắt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ ban hành kế hoạch chuyển đổi số của ngành năm 2022 để các đơn vị tổ chức thực hiện đúng tiến độ theo kế hoạch, bảo đảm chất lượng, tạo đà cho các năm tới. Trong đó, nhiệm vụ rất quan trọng là tổ chức xây dựng, trình phê duyệt “Đề án Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” làm cơ sở để toàn ngành triển khai chuyển đổi số, tạo động lực mới, đột phá, nâng cao hiệu quả sản xuất; thu hút sự tham gia của mọi thành phần trong chuỗi sản xuất từ người nông dân, nông thôn, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xây dựng chương trình khung đào tạo về công nghệ số, chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Với kế hoạch cụ thể và những bước đi thận trọng, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đang đón nhận cơ hội chuyển đổi số để tạo ra những bước đổi mới cơ bản cho nông nghiệp Việt Nam.

 

Theonhandan.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top