Ảnh minh họa
Chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số là nhân tố đảm bảo tính pháp lý, an toàn và bảo mật cho các giao dịch điện tử. Đây là loại hình dịch vụ giúp các giao dịch dân sự diễn ra nhanh chóng, thuận tiện hơn.
Sự phát triển của dịch vụ chữ ký số đã, đang và sẽ đóng vai trò quyết định trong việc thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam. Tuy vậy, công cuộc phổ biến chữ ký số cá nhân tại Việt Nam hiện vẫn còn gặp không ít rào cản.
Việt Nam có quá ít dịch vụ để người dân sử dụng chữ ký số
Phản ánh của nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chữ ký số cho thấy, sự phát triển nhanh chóng của dịch vụ chữ ký số tại Việt Nam thời gian qua có nhiều nguyên nhân. Trong đó, không thể bỏ qua những đóng góp của Chính phủ, Bộ TT&TT cũng như Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia (NEAC) trong việc ủng hộ và tạo điều kiện thúc đẩy chữ ký số cá nhân.
Bên cạnh đó, việc sở hữu một hành lang pháp lý tương đối đầy đủ cũng là tiền đề quan trọng để mở rộng phát triển dịch vụ. Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp, hiện vẫn còn một số khó khăn nhất định trong việc phổ cập chữ ký số tại Việt Nam.
Chia sẻ với VietNamNet, đại diện Trung tâm dịch vụ chữ ký số FPT (FPT CA) cho biết, một trong những khó khăn là các dịch vụ có thể sử dụng chữ ký số để đơn giản hóa thủ tục hành chính còn ít. Nhận thức và thói quen của người dân với chữ ký số chưa cao.
Đồng tình với nhận định này, đơn vị phát triển phần mềm chữ ký số MISA eSign cho hay, khó khăn lớn nhất hiện nay là nhiều người dân chưa nhận thức được lợi ích của chữ ký số nên ngại thay đổi, vẫn giữ thói quen ký tay. Ngoài ra, các dịch vụ có giao dịch chữ ký số chưa phổ biến tại Việt Nam, do đó, cần thêm thời gian để tuyên truyền, giải thích và vận động người dân sử dụng chữ ký số.
Theo đại diện MobiCA - dịch vụ chữ ký số của MobiFone: “Nhiều người dân chưa nhận thức được rõ ràng những lợi ích của dịch vụ này như: giảm thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí, giao dịch an toàn… hoặc một số bộ phận nhỏ người dân biết lợi ích của dịch vụ nhưng vẫn còn bỡ ngỡ. Một số người chỉ sử dụng chữ ký số cá nhân với lượng giao dịch phát sinh ít trong một số lĩnh vực như tài chính ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán”.
Vì sao giá dịch vụ chữ ký số cá nhân còn cao?
Ghi nhận của VietNamNet cho thấy, giá dịch vụ chữ ký số cá nhân tại Việt Nam hiện đang ở mức cao. Theo đó, tùy vào từng doanh nghiệp, số tiền mà người dùng phải bỏ ra để duy trì dịch vụ này là khoảng từ 30.000 đồng, 50.000 đồng đến cả trăm nghìn đồng mỗi tháng.
Nhiều ý kiến cho rằng, mức phí quá cao so với khả năng chi trả của người dân đã kìm hãm sự phổ biến của chữ ký số tại Việt Nam. Nêu quan điểm về vấn đề này, đại diện MISA eSign cho hay, tại thị trường Việt Nam, một số đơn vị thu phí theo thời gian, theo số lượt ký. Một số khác lại miễn phí ở khâu này trong khi thu phí ở khâu khác…
Tuy nhiên, theo đại diện MISA eSign, về cơ bản khi định giá bất kỳ sản phẩm nào, các nhà cung cấp cũng sẽ đều căn cứ vào giá vốn của sản phẩm, mục tiêu cung cấp sản phẩm nhằm phụng sự xã hội hay vì lợi nhuận, xu hướng định giá sản phẩm và mức độ cung cầu trên thị trường.
MISA cho rằng, điểm cốt lõi để phổ cập thành công chữ ký số cho người dân là phải tìm ra nguyên nhân tại sao các cá nhân vẫn giữ thói quen ký tay mà chưa chuyển sang ký số, từ đó ưu tiên xử lý các điểm cốt lõi trước thay vì chỉ để tâm về vấn đề chi phí, bởi đây chỉ là yếu tố cộng hưởng thúc đẩy người dân sử dụng dịch vụ. Tuy vậy, MISA bước đầu đã có chính sách hỗ trợ miễn phí 1 năm sử dụng cho người dùng.
Theo đại diện FPT, dịch vụ chữ ký số phục vụ cho cá nhân hiện chưa được phổ biến như chữ ký số cho doanh nghiệp để kê khai thuế, hải quan... Do đó, giá thành còn tương đối cao vì doanh nghiệp cần nguồn thu để cung cấp dịch vụ với chất lượng ổn định, tuân thủ pháp lý.
“Các đơn vị cung cấp cũng đã có thêm nhiều sáng kiến như cấp chứng thư số với gia hạn ngắn để phục vụ cho các đối tượng có nhu cầu ký ít với giá thành thấp hơn. Trong thời gian tới, khi các dịch vụ có sử dụng chữ ký số cho người dân phổ biến hơn, chắc chắn giá thành sẽ giảm xuống nhanh chóng”, đại diện FPT khẳng định.
Trao đổi với VietNamNet, MobiFone cho hay, vì mục tiêu chung là phổ cập chữ ký số cá nhân, MobiFone cũng như các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số khác trên thị trường sẵn sàng cập nhật, hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước. Tuy vậy, việc triển khai các chính sách ưu đãi dịch vụ chữ ký số cá nhân cho người dân phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật và cân đối với quyền lợi của doanh nghiệp.
Với mức chi phí cho chữ ký số như hiện nay sẽ là bài toán khó khả thi cho việc phổ cập chữ ký số đến toàn dân Việt Nam bởi muốn phổ cập thì phí phải thấp, thậm chí là miễn phí để thu phí từ các dịch vụ khác. Chúng ta có thể học tập những mô hình kinh doanh của các big tech như Facebook, Google... Với mô hình của các big tech sẽ miễn phí dịch vụ mà họ cung cấp để phổ cập người dùng, nhưng sẽ thu phí với những người quảng cáo hay những tổ chức cá nhân sử dụng nhiều. Chẳng hạn, Google miễn phí dịch vụ email cho người dùng nhưng sẽ thu phí đối với những người muốn sử dụng dung lượng lưu trữ lớn. Google miễn phí email cá nhân, nhưng sẽ thu phí với các tổ chức doanh nghiệp. Những cách thu phí của các big tech cũng sẽ là mô hình cần nghiên cứu để chúng ta có thể phổ cập dịch vụ chữ ký số cho người dân.