Một doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp thiết bị điện tử công nghệ cao hoạt động tại Đà Nẵng
Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm chia sẻ tại hội nghị xúc tiến đầu tư ICT Hàn Quốc vào Đà Nẵng tổ chức mới đây.
Hiện nay, Việt Nam đứng top 10 thế giới về xuất khẩu sản phẩm điện tử và thứ 2 thế giới về điện thoại, thứ 9 về gia công phần mềm. Chiến lược của Việt Nam trong thời gian tới là chuyển đổi từ gia công, lắp rắp, sang làm sản phẩm, dịch vụ theo hướng “Make in Viet Nam”.
Tháng 6/2020, Việt Nam đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia với 3 trụ cột là chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Mục tiêu tới năm 2030, Việt Nam sẽ lọt vào top 50 quốc gia đứng đầu về chính phủ số và nền kinh tế số đóng góp 30% GDP.
"Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, trong đó ưu tiên thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số, chuyển đổi số", Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết.
Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ TT&TT) thông tin thêm: Tỉ lệ lấp đầy của các khu CNTT tập trung đang hoạt động trên cả nước đạt trên 95%, cao hơn so với khu công nghiệp. 8 tỉnh, thành phố có doanh thu công nghiệp CNTT hơn 1 tỷ USD là Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và Hải Phòng.
Nhiều doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đã có khả năng cạnh tranh được với các doanh nghiệp lớn trên thị trường dịch vụ phần mềm thế giới; được các tổ chức có uy tín đánh giá và xếp hạng cao trong danh sách các điểm đến hấp dẫn nhất thế giới về dịch vụ ủy thác phần mềm xuất khẩu.
Về nguồn nhân lực, Việt Nam có hơn 1 triệu lao động trong các doanh nghiệp CNTT, trong đó lao động phần cứng chiếm 74% và gần 270.000 chuyên gia làm việc trong các lĩnh vực phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT.