Dưới đây là những điểm mới của Thông tư 05/2015/TT-BTTTT so với Thông tư 24/2010/TT-BTTTT.
Phân cấp cấp giấy phép đối với 03 trường hợp
Nhằm giảm chi phí quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong việc làm thủ tục đề nghị cấp phép, Thông tư đã quy định phân cấp cho các Trung tâm Tần số vô tuyến điện thuộc Cục Tần số vô tuyến điện cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện đối với Đài vô tuyến điện đặt trên phương tiện nghề cá; Đài truyền thanh không dây; thiết bị vô tuyến điện có công suất hạn chế, sử dụng trong thời gian dưới 15 ngày tại các lễ hội, sự kiện, triển lãm, hội chợ. Các trường hợp khác, do Cục Tần số vô tuyến điện cấp giấy phép như trước đây.
Cá nhân được cấp giấy phép sử dụng tần số đài vệ tinh trái đất
Ngoài các cơ quan báo chí, doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng phát thanh truyền hình, … Thông tư đã mở rộng đối tượng là “cá nhân” được cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện đối với đài vệ tinh trái đất, sử dụng dịch vụ thông tin vệ tinh của các doanh nghiệp viễn thông đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép của cá nhân chỉ gồm bản khai đề nghị cấp giấy phép và Hợp đồng sử dụng dịch vụ thông tin vệ tinh mà cá nhân ký với doanh nghiệp viễn thông.
Tiếp tục giảm bớt tài liệu, giấy tờ
Một số quy định mới góp phần giảm tài liệu, giấy tờ đề nghị cấp phép đó là: Những tài liệu mà tổ chức, cá nhân đã nộp trong lần đề nghị cấp phép trước đó, vẫn còn hiệu lực và không có sự thay đổi, thì tổ chức, cá nhân không phải nộp lại; tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép có thể nộp bản sao tài liệu không cần công chứng, chứng thực, nếu xuất trình đầy đủ bản chính để đổi chiếu; hộ gia đình và ngư dân có nhiều lựa chọn trong việc hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp phép, chẳng hạn ngư dân có thể nộp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá thay cho CMND/ hộ chiếu; hộ gia đình có thể đề nghị cấp giấy phép theo hình thức cá nhân hoặc đại diện hộ gia đình.
Bổ sung đối tượng phải sử dụng chung tần số
Ngoài đài vô tuyến điện liên lạc với phương tiện nghề cá, đài bờ (không cung cấp dịch vụ viễn thông), thì mạng viễn thông dùng riêng sử dụng tần số vô tuyến điện thuộc nghiệp vụ di động có công suất phát từ 10W (quy định trước đây là 5w) trở xuống phải sử dụng chung tần số, phù hợp với thực trạng thiết bị hiện nay.
Yêu cầu cung cấp thông tin về thiết bị VTĐ được chứng nhận hợp quy
Đối với việc chứng nhận hợp quy, theo quy định tất cả các thiết bị vô tuyến điện đều phải tự bảo đảm thiết bị sử dụng đã được chứng nhận phù hợp quy chuẩn, khi đăng ký cấp phép tần số không yêu cầu người dùng cung cấp bản sao giấy chứng nhận. Riêng đối với một số trường hợp như đài phát thanh truyền hình, đài truyền thanh không dây, đài bờ tàu cá, mạng viễn thông dùng riêng và các thiết bị riêng lẻ,... trong Bản khai đề nghị cấp phép tần số, tổ chức, cá nhân phải kê khai số Giấy chứng nhận hợp quy của chủng loại thiết bị.
Thực tế trong thời gian vừa qua, nhiều thiết bị vô tuyến điện không đảm bảo các chỉ tiêu kỹ thuật theo quy định, khi sử dụng đã gây nhiễu cho các hệ thống thông tin vô tuyến điện khác. Vì vậy, với quy định cụ thể này tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm mua sắm, sử dụng thiết bị vô tuyến điện đã được chứng nhận hợp chuẩn.
Ngoài ra, các mẫu bản khai, giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện quy định tại Thông tư này được hoàn chỉnh để phù hợp với những thay đổi trong việc sử dụng tần số và các quy định mới về phí, lệ phí tần số vô tuyến điện.