Một số biện pháp đảm bảo an toàn khi sử dụng mạng xã hội

Thứ năm, 03/12/2020 09:32

Không ai có thể phủ nhận những giá trị mà mạng xã hội mang lại trong việc kết nối cộng đồng, chia sẻ thông tin. Tuy nhiên đi cùng với đó là những nguy cơ tiềm ẩn, đòi hỏi mỗi người tham gia mạng xã hội phải trang bị cho mình những kiến thức cơ bản nhất để đảm bảo an toàn khi sử dụng mạng xã hội.

 Phát triển bùng nổ kéo theo nhiều nguy cơ tiềm ẩn

Tại Việt Nam, mạng xã hội được ưu dùng nhất là Facebook. Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 6/2020, Việt Nam có 69.280.000 người dùng sử dụng mạng xã hội này, chiếm 70,1% toàn bộ dân số. Như vậy, so với năm 2019 là 45,3 triệu người thì hiện nay năm 2020 người dùng Facebook tại Việt Nam đã tăng 24 triệu người, tương đương tăng 53,3%.
 
Với số lượng người dùng như vậy, Việt Nam hiện đang đứng thứ 7 thế giới, lần lượt sau các nước: Ấn Độ, Mỹ, Indonesia, Brazil, Mexico và Philippines. Người dùng Facebook tại Việt Nam chủ yếu là độ tuổi còn khá trẻ từ 18 - 34 tuổi (chiếm hơn 23 triệu người), trong đó khoảng 50,7% là nam giới và 49,3% là nữ giới. Người dùng chủ yếu tham gia với các bài đăng video và hình ảnh hoặc sử dụng Facebook Messenger để nhắn tin với bạn bè, hoặc giao dịch mua bán online.
 
20201203-pg9.jpg
 
Nền tảng mạng xã hội phổ biến thứ 2 là Youtube, với trên 15% dân số sử dụng. Nội dung chủ đạo trên mạng xã hội này là các video giải trí với đối tượng độc giả chủ yếu cũng là lớp trẻ.
 
Với số lượng người dùng lớn như vậy, mạng xã hội đang tác động lên mọi mặt đời sống, trở thành kênh truyền thông, marketing hiệu quả. Tuy nhiên, kéo theo đó là nhiều nguy cơ với người sử dụng.
 
Đầu tiên là việc đảm bảo an toàn với các thông tin cá nhân. Mạng xã hội thông thường được các nhà cung cấp dịch vụ đảm bảo về bảo mật thông tin, tuy nhiên, thực tế cho thấy các nhà cung cấp cũng bị tấn công mạng đánh cắp thông tin, hoặc người dùng bất cẩn gây ra những nguy cơ lộ lọt thông tin, gây ảnh hưởng tới hình ảnh, uy tín bản thân.
 
Nhiều tin tặc cũng lợi dụng mạng xã hội để khai thác thông tin cá nhân: email, điện thoại, tên người nhà… hay nguy hiểm hơn là chiếm đoạt tài khoản rồi sử dụng nó vào các mục đích xấu.
 
Một vấn đề khác đối với các mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Google, Youtube là hầu hết các nền tảng mạng xã hội đều thu thập dữ liệu người dùng. Facebook là ví dụ điển hình cho việc biến dữ liệu người dùng thành thứ "hái ra tiền". Ngay từ bước đăng ký, Facebook đã yêu cầu người dùng cung cấp email, số điện thoại, tên, tuổi, địa chỉ...
 
Trong quá trình hoạt động, nền tảng này còn thu thập vị trí, ghi nhớ các hành động, thói quen và nội dung tìm kiếm của người dùng. Những thông tin này sau đó được dùng để phân tích nhằm phục vụ cho quảng cáo hướng đối tượng.
 
Google cũng có cách làm tương tự Facebook nhưng ở quy mô còn khủng khiếp hơn. Với hàng loạt các công cụ như Google Search, YouTube, Google Maps, Gmail,... gã khổng lồ tìm kiếm, nắm trong tay lượng dữ liệu khổng lồ từ hàng tỷ thiết bị.
 
Trước những thực tế đó, nhiều chính phủ trên thế giới đã có các biện pháp mạnh tay với các mạng xã hội này. Điển hình là Trung Quốc, Triều Tiên gần như ngăn cấm hoàn toàn sự hiện diện của các nền tảng nước ngoài. Hay hồi 2018, Papua New Guinea đã chặn Facebook tới một tháng để điều tra vấn nạn tin giả và người dùng giả mạo.
 
Một số biện pháp để đảm bảo ATTT khi sử dụng mạng xã hội
 
Cấm hoàn toàn một mạng xã hội được xem là giải pháp hơi cực đoan. Đó là lý do phần lớn các quốc gia trên thế giới không chọn cách này. Bởi vậy, các chính phủ có những chính sách để buộc các mạng xã hội phải tuân thủ. Quan trọng hơn nữa là nâng cao ý thức của người sử dụng khi tham gia các mạng xã hội. Trong đó, một số kỹ năng sau đặc biệt quan trọng khi sử dụng mạng xã hội nói chung và mạng Facebook nói riêng:
 
- Hạn chế đưa thông tin cá nhân quan trọng lên mạng xã hội: Điển hình là thông tin ngày tháng năm sinh của trẻ nhỏ. Nếu đưa lên, nên để ở chế độ riêng tư, để người lạ không xem được. Cũng nên hạn chế đăng (hoặc tag) ảnh chính diện của trẻ nhỏ, người thân trong gia đình.
 
- Xác minh bạn bè: Chỉ nên kết bạn với những người thân, quen biết ở ngoài đời. Xác minh với bạn bè, người thân trước khi kết bạn trên mạng xã hội. Nên thiết lập chế độ để giới hạn những ai/ứng dụng nào được phép xem thông tin của bạn.
 
- Thiết lập an toàn cho tài khoản Facebook: Đầu tiên là mọi người dùng đều nên cài đặt chế độ cảnh báo đăng nhập. Với tính năng này, bạn sẽ nhận được một thông báo mỗi khi một ai đó (hoặc bạn vào các thời điểm) đăng nhập vào tài khoản Facebook từ một máy tính hoặc thiết bị không rõ. Thông báo này sẽ hiển thị rõ thông tin về thời gian, địa điểm và thiết bị mà tài khoản Facebook của bạn vừa đăng nhập. Qua đó giúp bạn kiểm tra được ngay nếu có ai đó chiếm tài khoản của bạn.
 
- Thiết lập quyền riêng tư: Trong phần Quyền riêng tư, giới hạn người xem cho các bài viết trong tương lai tại phần "Ai có thể thấy các bài đăng sau này của bạn?". Kiểm tra các hoạt động của tài khoản Facebook tại mục "Sử dụng nhật ký hoạt động". Ẩn các bài viết cá nhân tại dòng thời gian hoặc thiết lập chế độ chỉ cho phép bạn bè đọc.
 
- Kiểm tra lại phần hiển thị của các thông tin cá nhân: Click vào Dòng thời gian và gắn thẻ, chọn "Xem với tư cách là" để thấy được những thông tin cá nhân của mình hiển thị với Bạn bè, người lạ trên Facebook như thế nào. Truy cập Bảo mật rồi chọn "Địa điểm bạn đã đăng nhập" để xem xét các truy cập đối với tài khoản Facebook của mình. Khi xuất hiện các truy cập bất thường, click vào "kết thúc hoạt động" để ngăn chặn.
 
- Cuối cùng, nên sử dụng mật khẩu mạnh khi tham gia mạng xã hội: Tuyệt đối không đặt mật khẩu đơn giản, dễ đoán hay dùng chung mật khẩu cho nhiều tài khoản mạng xã hội. Thực hiện đổi mật khẩu định kỳ cũng là biện pháp để đảm bảo an toàn. Mật khẩu mạnh có chứa kí tự hoa, thường, đặc biệt, các số và các dấu chấm câu và sử dụng một mật khẩu cho mỗi trang web.
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top