Một hướng đi cho người nông dân ở Phú Lương

Thứ hai, 13/10/2014 15:17

Mơ ước nho nhỏ của anh Phạm Hồng Quang ở thôn Phú Lâu xã Phú Lương – Lương Tài – Bắc Ninh là xây dựng mô hình chăn thả bò sinh sản, bò thịt. Đối với mỗi gia đình như gia đình anh nuôi khoảng 5 cặp bò với nguồn thức ăn thiên nhiên là chủ yếu, nếu chịu khó và biết cách chăm sóc cho bò chu đáo đây sẽ là nguồn thu ổn định và khá hiệu quả.

img
Quăng lưới bắt cá tại ao nhà anh Phạm Hồng Quang - Ảnh: Thái Hưng

Đoàn công tác của Trung tâm Thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông về Bắc Ninh vào đầu tháng 10, mới bước vào đầu mùa gặt, người nông dân đang hối hả ra đồng chuẩn bị thu hoạch. Lúa năm nay được mùa, mặc dù cơn bão số 3 giữa tháng 9 vừa qua đã làm cho một số góc ruộng lúa bị đổ rạp nhưng bù lại lúa chín vàng đầy đồng trải dài hết tầm mắt.

Xã Phú Lương có diện tích 5,24 km², nhân khẩu khoảng 4000 người, mật độ dân số đạt 763 người/km². Là một xã thuần nông không có nghề truyền thống, các hộ nông dân ở đây chủ yếu làm nông nghiệp, cá và chăn nuôi gia súc gia cầm.     

Anh Phạm Hồng Quang với ao cá gia đình - Ảnh Thái Hưng

Anh Phạm Hồng Quang, sinh năm 1967 là một người nông dân sống ở đây từ nhỏ chia sẻ với chúng tôi: “Năm 1985 anh nhập ngũ, sau khi phục viên năm 1988 anh đã đi làm ăn xa nhưng không thành công nên về làng làm ruộng. Gia đình anh có 5 người hiện tại sở hữu 3077 m2 đất trong đó khoảng 1800m2 là hồ nuôi cá còn lại là đất vườn, ngoài ra anh có khoảng 1,3 mẫu ruộng (tương đương 4680 m2) trồng lúa và nuôi 2 cặp bò sinh sản thu nhập từ các công việc trên cũng tạm đủ chi tiêu cho cuộc sống”.

Đánh giá về mô hình kinh tế gia đình mình, anh cho biết: Đối với nuôi cá, gia đình anh chỉ nuôi một số loại cá như trắm, chép, mè, trôi, anh thường cho cá ăn bằng thức ăn tự nhiên như thóc, gạo, cám sát từ gạo, rau, cỏ mà gia đình anh tự tăng gia, thường anh không sử dụng cám công nghiệp nên cũng tiết kiệm và chủ động hơn trong việc chăm sóc cá. Một năm nếu thuận lợi có thể thu tới 1,5 - 2 tấn cá/1 năm. Gia đình cũng nuôi chăn nuôi 2 cặp bò sinh sản và bò thịt. Thức ăn tự nhiên là chủ yếu, hàng năm rơm rạ sau mùa gặt cũng là nguồn thức ăn vào mùa đông.

Bò sinh sản và bê do gia đình anh Quang đang nuôi - Ảnh Thái Hưng

Hiệu quả đem lại với chăn nuôi bò đẻ 1 năm 1 lứa bê có thể thu nhập 12-15 triệu cho một con bê 5 tháng tuổi; nuôi cá giá cả thị trường hiện nay có thể đạt  50-60.000 đ/kg một năm doanh thu có thể đạt từ 70 - 100 triệu đồng, đem lại lãi suất khoảng 30-40 triệu.

Đối với việc trồng lúa 1 năm 2 mùa cấy 1,3 mẫu ruộng, do chi phí giống, phân bón, thuốc trừ sâu cao nên sau khi thu hoạch lợi nhuận không cao.

• Khó khăn

Về trồng lúa anh Quang cho biết do chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu cao nên lãi suất không nhiều sau trừ hết chi phí thì chỉ lấy công làm lãi, thóc lúa, rơm rạ sau khi thu hoạch dùng để hỗ trợ trong việc nuôi trồng thủy sản và trâu bò. Việc trồng lúa phụ thuộc nhiều vào nguồn nước và hỗ trợ của chính quyền địa phương. Là một xã thuần nông nhưng người nông dân nơi đây cũng không mặn mà với việc trồng lúa do chi phí đầu vào quá cao và việc đồng áng cũng tương đối vất vả. Anh và mọi người cũng đã thử trồng cây công nghiệp khác ngoài cây lúa nhưng cũng chưa gặt hái được thành công.

Về nuôi cá anh chia sẻ thêm, anh không chọn lựa nuôi cá rô như một số gia đình khác vì giá cá rô rẻ hơn thường chỉ từ 30.000-31.000 đ/kg, muốn cá lớn, thu hoạch nhanh phải nuôi bằng cám công nghiệp nhưng chi phí đối với anh là lớn nếu vay vốn đầu tư thì sau khi trừ hết chi phí lợi nhuận thu được không còn là bao nhiêu. Nuôi cá phụ thuộc nhiều vào nguồn nước, nếu nước bị ô nhiễm là người nông dân mất trắng mặt khác phải đóng thuế như thuế nông nghiệp nên nhiều khi người nông dân cũng rất khó khăn.

Nuôi bò sinh sản nếu muốn thu lợi nhuận cao đòi hỏi phải có vốn lớn, đầu tư quy mô. Mặc dù việc chăn thả nuôi bò sinh sản có hiệu quả nhưng nếu chỉ làm kinh tế nhỏ như nhà anh thì lãi suất cũng không được cao. Việc vay vốn mở rộng sản xuất là vấn đề rất khó khăn với các hộ nông dân ở đây. Nếu làm thủ tục vay có thể anh chỉ được vay tối đa khoảng 10 -20 triệu đồng không đủ để đầu tư mở rộng.

• Cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất: 

Việc trồng lúa, nuôi cá và bò sinh sản của anh Quang chủ yếu thông qua tích lũy kinh nghiệm từ bản thân, anh cũng không có nhiều thời gian và tuổi cũng đã tương đối cao và hơn nữa anh cũng không có ai hướng dẫn nên ngại tham khảo qua sách báo, internet. Có lẽ đây chính là điểm yếu của anh và nhiều người nông dân ở đây.

Trái lại với anh Quang, nhiều mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả như gia đình anh Minh ở cùng thôn với mô hình vườn, ao chuồng liên hoàn, một năm có khả năng thu lợi nhuận khoảng 250-200 triệu đồng. Để có được kết quả này anh Minh đã học hỏi từ kinh nghiệm các mô hình sản xuất hiệu quả tại địa phương ngoài ra anh cũng tìm hiểu, tham khảo các thông tin trên sách báo, truyền hình và đài phát thanh để áp dụng vào thực tế. 

 Để việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất một cách hiệu quả qua trao đổi với nhiều địa phương, nhiều người theo chúng tôi có lẽ bà con nông dân ở đây cũng nên tận dụng một cách triệt để Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 1956) thông qua các hình thức nhân bản các tài liệu đào tạo, hướng dẫn; người đã được đào tạo sẽ đào tạo lại cho người chưa biết. Bà con nên lập ra những nhóm trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, mời những tấm gương điển hình và mô hình làm ăn có hiệu quả trao đổi để mọi người cùng học tập.

• Cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các ngân hàng chính sách:

 Chính quyền địa phương cần vào cuộc mạnh hơn đề xuất xây dựng những chính sách cho những hộ nghèo, khó khăn trong việc sản xuất kinh doanh ở địa phương. Lấy ví dụ như việc nuôi cá các hộ nông dân vẫn phải đóng thuế như thuế làm nông nghiệp nhưng khi nguồn nước khan hiếm người nuôi trồng thủy sản không được hỗ trợ tháo nước về ao, hồ như trồng lúa, cá biệt khi nguồn nước bị ô nhiễm, cá nhiễm bệnh chết thì cũng không được chính quyền địa phương hỗ trợ gì. Ngoài ra chính quyền cần đầu tư thông tin cho nông dân về thị trường, mua giống, phân bón như thế nào là chất lượng và hiệu quả. Đối với việc trồng lúa, do chi phí đầu vào quá cao nên nhiều nông dân đã trả lại ruộng cho Ủy ban, chính quyền cũng chưa có chính sách gì đáng kể để động viên khuyến khích bà con giữ ruộng trồng lúa.

Việc vay vốn từ các ngân hàng chính sách là vấn đề cần tháo gỡ với sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương với bà con nông dân tại đây. Do vốn đầu tư cho các nội dung như nuôi cá, chăn nuôi bò sinh sản là khá lớn nhưng chính sách cho vay còn chưa sát với thực tế nên việc vay vốn của bà con còn rất khó khăn, vốn vay được ít đầu tư không hiệu quả, không có lãi và lại là vòng luẩn quẩn của bà con nông dân tại đây.

Nếu địa phương không có chính sách phù hợp thì những cánh đồng như thế này sẽ dần biến mất - Ảnh Thái Hưng

Mong muốn đẩy mạnh kinh tế gia đình là ước mơ của nhiều bà con nông dân ở đây nhưng làm thế nào, bắt đầu tư đâu là câu hỏi mà nhiều người muốn có câu trả lời.

Qua trao đổi anh Quang mong muốn được bổ sung thêm kiến thức liên quan đến khoa học kỹ thuật về môi trường thông qua trao đổi phổ biến kinh nghiệm, tài liệu hướng dẫn thực tế những gì bà con nông dân ở đây đang cần. Anh muốn được hỗ trợ chính sách về vốn và kỹ thuật để tập hợp một số người cùng chí hướng xây dựng mô hình chăn thả bò sinh sản, bò thịt theo kiểu tập trung mỗi gia đình như gia đình anh nuôi 5 cặp, rủi ro trong việc nuôi bò thấp với nguồn thức ăn thiên nhiên là chủ yếu, nếu biết cách chăm sóc có thể đây sẽ là nguồn thu ổn định so với các loại khác.

Mô hình làm kinh tế nông thôn như gia đình anh Quang đang làm cũng chưa phải là mô hình kinh tế thực sự hiệu quả ở đây nhưng nếu được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương cùng với sự nỗ lực, cố gắng cũng như mong muốn của bản thân anh Quang có thể mô hình này sẽ là một hướng đi đúng cho bà con nông dân ở đây.

Chia tay với gia đình anh Quang với cái bắt tay thật chặt, còn nhiều điều muốn nói nhưng mong muốn của anh cũng là mong muốn của chúng tôi trong lần gặp tới để miền quê đổi thay từng ngày với những người nông dân chân chất như anh./.

Tiến Thắng
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top