Một cuộc tấn công ddos ngắn có thể gây thiệt hại nghiêm trọng

Thứ tư, 29/03/2023 18:50

Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục An toàn thông tin (ATTT), Bộ TT&TT nhấn mạnh: "Các đơn vị, doanh nghiệp (DN), người dùng cần ưu tiên sử dụng các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ bảo đảm ATTT, an ninh mạng (ANM) của các DN, tập đoàn công nghệ trong nước, đáp ứng yêu cầu về an toàn an ninh mạng theo đúng quy định của pháp luật…"

 Bảo đảm tỷ lệ chi cho các sản phẩm, dịch vụ ATTT đạt tối thiểu 10% trong tổng chi về CNTT

Tại "Hội nghị bàn tròn cấp cao Lãnh đạo Công nghệ thông tin và ATTT 2022" do Cục ATTT, Công ty ANM Viettel (Viettel Cyber Security - VCS) và IEC Group phối hợp tổ chức sáng 08/9, Cục trưởng Nguyễn Thành Phúc nhận định về những rủi ro an toàn an ninh mạng trong tình hình hiện này.

Theo Cục trưởng Nguyễn Thành Phúc, hiện nay trên toàn thế giới thống kê có 900 cuộc tấn công mạng, 5 mã độc mới sinh ra trong mỗi giây, phát hiện 40 điểm yếu lỗ hổng bảo mật mỗi ngày. Đặc biệt, các thiết bị di động hiện là mục tiêu của các cuộc tấn công tinh vi trên diện rộng. Tệ hại hơn, công tác đảm bảo ATTT trong chuỗi cung ứng cũng luôn bị rình rập, ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công mạng có chủ đích - đó là các cuộc tấn công mã độc tống tiền xâm nhập các hệ thống của tổ chức, doanh nghiệp (DN) đang có xu hướng ngày càng gia tăng.

Hơn nữa, trong xu hướng biến động, đầy bất ổn đó, thói quen sử dụng mạng của người dùng đang dần thay đổi, đó là việc các dữ liệu của người dùng đang được dần chuyển lên nền tảng điện toán đám mây (ĐTĐM) (cloud).

Nói rõ hơn về điều này, Cục trưởng Nguyễn Thành Phúc dẫn chứng, theo dự báo của công ty chuyên đánh giá mức độ hiệu quả của các hoạt động Research&Market, đám mây toàn cầu sẽ tăng trưởng từ 371 tỷ USD trong năm 2020 lên 832 tỷ USD vào năm 2025.

"Mặt tích cực là đám mây đang tạo ra lợi thế mới, nhưng cũng luôn tiềm ẩn những mối đe dọa mới về an toàn, ANM", báo cáo Research&Market nhận định.

Chưa dừng lại với những nỗi lo sợ trên, ở một báo cáo khác mới công bố cho thấy, có gần 80% các đơn vị tham gia khảo sát về ATTT, ANM đã gặp vấn nạn về việc bị rò rỉ dữ liệu, tấn công mạng trên đám mây, trong số đó 43% DN báo cáo đã có hơn 10 lần dữ liệu bị xâm phạm.

20230519-pg22.jpg

Đáng sợ hơn, việc dự đoán số vụ tấn công DDoS sẽ tăng gấp đôi từ con số 7,9 triệu vụ được phát hiện vào năm 2018 lên tới hơn 15 triệu vụ vào năm 2023. Trung bình mỗi giờ ngưng truy nhập Internet của một tổ chức, DN sẽ thiệt hại khoảng 300.000 USD đến 1 triệu USD.

"Vì vậy, nếu chỉ cần 1 cuộc tấn công DDoS ngắn là có thể gây thiệt hại nghiêm trọng. Nguy cơ mất ATTT là rất rõ ràng, nhưng phần lớn các tổ chức, DN chưa triển khai đầy đủ phương án bảo đảm ATTT để giảm thiểu rủi ro"Cục trưởng Nguyễn Thành Phúc nhấn mạnh.

Vì những mối nguy hại khôn lường này, Cục trưởng Nguyễn Thành Phúc đưa ra đề xuất giải pháp: Đối với các cấp lãnh đạo CNTT, ATTT cần thường xuyên tổ chức, triển khai ưu tiên việc bảo đảm ATTT cho các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý của mình theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 07/6/2019 về việc tăng cường bảo đảm an toàn, ANM nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam.

Cùng với đó, lãnh đạo là Chủ tịch, Tổng giám đốc các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng tài chính nhà nước cần quán triệt, thực hiện theo nguyên tắc chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra mất an toàn, ANM, lộ lọt bí mật nhà nước tại các cơ quan, đơn vị mình quản lý.

Đặc biệt, chỉ định, kiện toàn đầu mối đơn vị chuyên trách về ATTT mạng để làm tốt công tác tham mưu, tổ chức thực thi và kiểm tra đôn đốc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn, ANM.

Và khi thực hiện giám sát, ứng cứu sự cố ATTT mạng, bảo vệ hệ thống thông tin thuộc thẩm quyền quản lý hoặc thuê tổ chức, DN có đủ năng lực để thực hiện, kết nối chia sẻ thông tin về ATTT với Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Cục ATTT.

"Cần lựa chọn tổ chức, DN độc lập với tổ chức, DN giám sát, bảo vệ, định kỳ kiểm tra, đánh giá ATTT mạng đối với các hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên thuộc quyền quản lý hoặc kiểm tra, đánh giá đột xuất khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật", giải pháp yêu cầu.

Cùng với đó, đối với các hệ thống thông tin cấp độ 3, 4 định kỳ hàng năm thực hiệm kiểm tra, đánh giá và báo cáo Bộ TT&TT, trước ngày 14/12 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Còn đối với hệ thống thông tin quan trọng quốc gia cấp độ 5 định kỳ 6 tháng/lần thực hiện kiểm tra, đánh giá và báo cáo Bộ TT&TT để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, ưu tiên sử dụng các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ của DN trong nước, đáp ứng yêu cầu về an toàn, ANM theo quy định của pháp luật đối với hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên, các hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ điện tử.

Một nội dung quan trọng nữa Cục trưởng Nguyễn Thành Phúc nhấn mạnh chính là việc cần bảo đảm tỷ lệ chi cho các sản phẩm, dịch vụ ATTT đạt tối thiểu 10% trong tổng chi về CNTT.

Các cấp lãnh đạo CNTT, ATTT xây dựng văn hóa bảo mật đơn vị mình

Nói về ứng dụng công nghệ trong đảm bảo ATTT, ANM, Phó Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Tư vấn, Lãnh đạo mảng rủi ro công nghệ và An ninh mạng Việt Nam (E&Y) nhấn mạnh: hiện nay, các chiến lược kinh doanh mới ở các đơn vị, công ty giờ đây ngày càng nhấn mạnh việc áp dụng nhiều công nghệ và giải pháp CNTT tân tiến, bao gồm: Việc tự động hóa (robotic), Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), ĐTĐM, phân tích dự đoán (predictive analytics)…

Hơn nữa, các đơn vị, DN thường sử dụng các dịch vụ, sản phẩm giải pháp CNTT từ bên thứ ba, do đó trong quá trình sử dụng không tránh khỏi các rủi ro liên quan đến các cuộc tấn công mạng vào nội bộ, hệ thống người dùng.

"Đó là các cuộc tấn công phổ biến mang tên: ransomware, IoT, đám mây… và chính điều này đã hình thành nên các sự cố an ninh mạng gây thất thoát dữ liệu, ảnh hưởng xấu đến kết quả hoạt động kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp", Phó Tổng giám đốc E&Y nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Tổng giám đốc E&Y, hiện nay tấn công mạng hay sự cố bảo mật đã khiến nhiều công ty nhỏ đóng cửa trong vòng 06 tháng sau khi bị tấn công (60%). Tệ hại hơn các công ty này còn chịu những thiệt hại về uy tín, mất khách hàng, đối tác và tiêu hao lớn nguồn tài chính.

Vì những điều này, Phó Tổng giám đốc E&Y cho rằng việc nâng cao nhận thức, chủ động ứng phó trước các cuộc tấn công mạng trong cấp lãnh đạo CNTT và ATTT là rất quan trọng, cần được chú trọng, đổi mới, thường xuyên.

Các cấp lãnh đạo CNTTT&ATTT cần đẩy mạnh việc xây dựng văn hóa bảo mật trong hệ thống mạng, đơn vị của mình và đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các tiêu chí về quyền riêng tư ngay trong quy trình thiết kế.

Hơn nữa, cần tích hợp việc bảo mật và quyền riêng tư trong tất cả các chiến lược và quyết định kinh doanh; định kỳ tiến hành đánh giá rủi ro và bao mật; tự động hóa các quy trình bảo mật; triển khai phương pháp thiết kế cơ sở hạ tầng an ninh mạng dựa trên mô hình không có sự tin tưởng ngầm về bảo mật (Zero Trust)…

Thêm nền tảng đảm bảo ATTT trong CĐS

Cũng tại sự kiện, tự hào là đơn vị góp phần làm giàu, đa dạng các giải pháp, sản phẩm để đảm bảo ATTT, ANM mang thương hiệu Việt Nam, do Việt Nam sản xuất, Công ty An ninh mạng Viettel  đã chính thức ra mắt nền tảng Viettel SOC.

Đây là sản phẩm nhằm hỗ trợ cho các tổ chức, DN giải quyết triệt để những khó khăn trong tăng tốc vận hành, bảo đảm an toàn cho hệ thống CNTT, vì đây là yếu tố cốt lõi để có thể xây dựng và phát triển nền tảng SOC platform của Viettel Cyber Security, hướng tới việc cung cấp cho DN những giá trị thiết thực nhất

Theo ông Lê Quang Hà, Phó Giám đốc VCS cho rằng, xu hướng người dùng, đơn vị, DN đang chuyển dịch lên đám mây là rất lớn, do đó câu hỏi đặt ra là làm sao chúng ta có thể có những hệ thống giám sát đáp ứng được một cách đa dạng và linh hoạt các nhu cầu của các đơn vị từ các hệ thống phần mềm tại chỗ (on-premise) truyền thống đến các hệ thống đám mây lai (cloud hybrid), đám mây riêng (private cloud), đám mây công cộng (public cloud).

VCS đã nghiên cứu để đưa ra một giải pháp tổng thể, 1 nền tảng tổng thể cho việc giám sát ATTT, đáp ứng linh hoạt, đa nền tảng, đa mô hình cho các tổ chức, DN. 

"Chúng tôi đưa ra một giải pháp tổng thể để giúp các DN, tổ chức có thể giám sát ATTT cho các hệ thống của mình, dù là trên hệ thống on-premise truyền thống hoặc là trên hệ thống đám mây của mình như đám mây công cộng (public) đặt ở Amazon, Google Cloud, Microsoft hay các đơn vị cung cấp dịch vụ hosting đám mây trong nước.

Nền tảng SOC của VCS cung cấp nền tảng để giúp các đơn vị giám sát ở cuối mô hình hybrid để vừa giám sát hệ thống on-premise truyền thống của mình, vừa giám sát hệ thống đám mây và SOC được triển khai một cách linh hoạt ngay tại hệ thống on-premise hay triển khai trên cloud của các công ty

"SOC platform đặt trải nghiệm và an toàn của người dùng lên mức cao nhất và tin tưởng đây là giải pháp được xem là chìa khoá, là nền tảng trong đảm bảo ATTT trong CĐS", ông Lê Quang Hà nhấn mạnh./.

theo ictvietnam.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top