Mỗi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tạo thói quen sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Chủ nhật, 25/12/2022 15:35

Cung cấp các dịch vụ công trực tuyến là bước quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính và triển khai Chính phủ điện tử. Thời gian qua, tỉnh Sơn La chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai dịch vụ công trực tuyến vào giải quyết các thủ tục hành chính, nhất là đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4, góp phần giải quyết kịp thời nhu cầu về thủ tục hành chính của tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân.

20221225-m10-dvc.jpg 

Ảnh minh họa

Nhiều lợi ích mang lại

Chỉ cần truy cập vào địa chỉ http://dichvucong.sonla.gov.vn, người dân, doanh nghiệp có thể tra cứu, nộp hồ sơ và theo dõi quá trình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) mọi lúc, mọi nơi, nhanh và tiện lợi. Ở mức độ 3, dịch vụ công trực tuyến cho phép người dân nộp hồ sơ trực tuyến; việc thanh toán phí, lệ phí và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan cung cấp dịch vụ. Còn ở mức độ 4, việc trả kết quả được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến tận tay người dân.

Triển khai dịch vụ công trực tuyến, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền; bố trí bộ phận tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ người dân tiếp cận, làm quen, sử dụng dịch vụ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại các huyện. Nâng cao các tiện ích, dịch vụ hỗ trợ, như: Tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích; liên kết với các ngân hàng để người dân thanh toán lệ phí; lắp đặt hệ thống mạng wifi miễn phí tại các khu vực đông dân cư để người dân tiếp cận dịch vụ.     

Cùng với đó, UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các đơn vị liên quan, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, kỹ thuật để đảm bảo thực hiện đồng bộ về trang thiết bị, phần mềm phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên toàn tỉnh. Đến nay, hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh được tích hợp cả cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử tỉnh đã triển khai đồng bộ giúp cho việc xử lý hồ sơ và quản lý, theo dõi, lưu trữ điện tử; tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức thực hiện toàn bộ quá trình xử lý, tra cứu kết quả giải quyết hồ sơ TTHC trên internet; kết nối, chia sẻ dữ liệu với cổng dịch vụ công quốc gia.

Cổng dịch vụ công tỉnh Sơn La hiện đã cung cấp 20 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 848 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tích hợp 276 dịch vụ công trực tuyến 3, 4 trên cổng dịch vụ công quốc gia. Ðiểm nổi bật của hệ thống dịch vụ công trực tuyến là tiết kiệm chi phí, thời gian; tăng tính công khai, minh bạch của các cơ quan cung cấp dịch vụ; tránh việc phiền hà, nhũng nhiễu của người được giao nhiệm vụ tiếp nhận và giải quyết TTHC. Lợi ích là thế, song trên thực tế, nhiều người dân và doanh nghiệp chưa thật sự hiểu và thực hiện, dẫn đến kết quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại địa phương chưa đạt như kỳ vọng.

Khó khăn trong triển khai thực hiện

Tuy đã triển khai cung cấp nhưng tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 còn rất hạn chế. Trong 9 tháng qua, toàn tỉnh tiếp nhận 17.093 hồ sơ trực tuyến ở dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (chiếm 9,83%). Thực tế cho thấy, những sở, ngành có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến cao đa số giải quyết thủ tục cho tổ chức, doanh nghiệp; còn các sở, ngành chủ yếu giải quyết hồ sơ cho cá nhân, người dân thì tỷ lệ hồ sơ trực tuyến ít. Mặt khác, ở nhiều sở, ngành, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp là do đặc thù lĩnh vực. Đơn cử như lĩnh vực đất đai có lượng hồ sơ phát sinh rất lớn, song, đa số người dân cho rằng đây là tài sản lớn nên muốn cầm trực tiếp hồ sơ, giấy tờ đi giải quyết thay vì giao dịch qua mạng. Do vậy, còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của ngành.

Anh Nguyễn Mạnh Hà, tổ 2, phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La, cho biết: Kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, thường xuyên phải thực hiện nhiều TTHC liên quan đến đất đai, vì vậy, tôi chọn đến bộ phận một cửa để thực hiện. Hồ sơ đất đai làm trực tiếp vốn đã phức tạp, thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến lại phát sinh thêm nhiều vướng mắc. Hiện, có rất nhiều hồ sơ liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà theo quy định là phải làm trực tiếp. Khi được cán bộ được hướng dẫn và thực hiện các thủ tục, hồ sơ, giấy tờ, tôi cảm thấy an tâm hơn.

Còn tại Sở Xây dựng, ông Nguyễn Gia Nguyên, Chánh văn phòng sở, chia sẻ: Hiện, sở có 46 thủ tục được thực hiện trực tuyến. Song, trong đó có nhiều thủ tục với thành phần hồ sơ là các bản vẽ, kích thước lớn, thường xuyên phải scan nên cũng rất khó để thực hiện các thao tác để chuyển sang hình thức trực tuyến.

Ghi nhận tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại một số huyện, thành phố, số lượng người dân đến nộp hồ sơ làm các TTHC vẫn khá đông, đặc biệt là ở quầy giao dịch TTHC thuộc lĩnh vực tư pháp, lao động - thương binh xã hội, tài nguyên và môi trường. Dù ít nhiều biết đến dịch vụ công trực tuyến nhưng nhiều người vẫn lựa chọn trực tiếp đến giải quyết.     

Ông Lưu Văn Tuấn, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Thuận Châu, cho biết: Từ đầu năm đến nay, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn của huyện luôn đạt cao. Tuy nhiên, tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến còn thấp so với yêu cầu đặt ra. Thời điểm hiện tại, huyện tiếp nhận 645 hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4, chỉ chiếm trên 30% so với số hồ sơ đã tiếp nhận.

Cần có những giải pháp đồng bộ   

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến thấp nhưng đa phần do công tác tuyên truyền chưa tốt, thói quen sử dụng hồ sơ giấy, đến nộp hồ sơ trực tiếp của người dân vẫn phổ biến; người dân chưa thành thạo công nghệ thông tin và không yên tâm về tính bảo mật khi giấy tờ gửi qua đường bưu điện, nên vẫn lựa chọn cách thức nộp hồ sơ và trả kết quả trực tiếp tại bộ phận một cửa. 

Bên cạnh đó, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương có dịch vụ công trực tuyến chưa chú trọng công tác chỉ đạo, đôn đốc bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ cho người sử dụng. Quy trình, các bước xử lý của nhiều TTHC chưa đơn giản, tinh gọn, đặc biệt là các hồ sơ đính kèm; chưa có các chính sách hỗ trợ hay ưu tiên cho các hồ sơ khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến nên người dân chưa thực sự quan tâm.

Ông Cầm Đức Thành, Trưởng phòng Công nghệ thông tin - Viễn thông, Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: Với chức năng tham mưu cho tỉnh trong việc quản lý Nhà nước về công nghệ thông tin và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, để nâng cao tỷ lệ tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thời gian tới, sở sẽ tham mưu chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về lợi ích về dịch vụ công trực tuyến tới người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật mạng lưới trực tuyến đồng bộ, hiện đại, có tính cập nhật cao, an toàn và đáp ứng cho mọi hoạt động truy xuất thông tin nhanh chóng, hiệu quả. Bên cạnh đó, thường xuyên bồi dưỡng, trang bị kiến thức về công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết TTHC.

Ngoài các giải pháp đưa ra, công chức, viên chức làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận một cửa các cấp cần chủ động trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện việc lập và gửi hồ sơ qua mạng đối với các dịch vụ công trực tuyến của tỉnh thông qua http://dichvucong.sonla.gov.vn. Hạn chế thấp nhất việc giải quyết hồ sơ theo hình thức trực tiếp đối với các TTHC đã cung cấp ở dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và ưu tiên giải quyết đối với các hồ sơ được người dân, doanh nghiệp nộp bằng hình thức trực tuyến (rút ngắn thời gian, hỗ trợ phí, lệ phí so với nộp hồ sơ trực tiếp để người dân và doanh nghiệp ưu tiên sử dụng dịch vụ công trực tuyến).

Phát huy vai trò của hệ thống thông tin cơ sở, tổ công nghệ số cộng đồng trong phổ biến, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ người dân thực hiện việc giải quyết TTHC trực tuyến. Cùng với đó, người dân, doanh nghiệp cũng cần nâng cao nhận thức, tin tưởng và hiểu rõ lợi ích lớn của dịch vụ công mang lại; mạnh dạn, tạo thói quen sử dụng các dịch vụ công do cơ quan, đơn vị cung cấp. Mặt khác, mỗi sở, ngành, địa phương cần quyết tâm tìm ra các giải pháp hiệu quả áp dụng trong ngành mình; tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong quá trình thực hiện; có như vậy mới cải thiện và nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh trong năm 2022 và các năm tiếp theo./.

Thanh Huyền
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top