ảnh minh họa
Mới đây nhất, ngày 1/10/2021, Khoa Cấp cứu của Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn đã tiếp nhận bệnh nhân Đ.X.Đ (15 tuổi, ở huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội) được chuyển đến từ Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất trong tình trạng lơ mơ, đồng tử giãn tối đa. Bệnh nhân đã được đặt ống nội khí quản hỗ trợ thở và được chẩn đoán hôn mê chưa rõ nguyên nhân.
Theo chia sẻ của gia đình bệnh nhân, trước nhập viện, gia đình phát hiện thấy bệnh nhân ngã từ trên ghế đập đầu xuống nền cứng kèm theo co giật 3 - 4 lần, mỗi cơn kéo dài 3 - 5 phút.
Tại bệnh viện, sau khi tiến hành chụp CT Scaner sọ, các bác sĩ loại trừ tổn thương não. Xét nghiệm khí máu cũng cho kết quả bình thường. Bệnh nhân được an thần, tự thở qua ống thở nội khí quản. Sau khi tỉnh lại, bệnh nhân cho biết đã hút thuốc als điện tử có bơm tinh dầu. Thuốc lá này và tinh dầu do bệnh nhân tự mua.
Ở Việt Nam, trong 5 năm trở lại đây, tỉ lệ thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử tăng lên gấp nhiều lần. Nguyên nhân chính là do giới trẻ tin rằng, thuốc lá điện tử an toàn, ít độc hại hơn so với thuốc lá truyền thống. Thực chất, đây là những chất độc giết người âm thầm, tinh dầu có trong thuốc lá điện tử có thể đã được trộn rất nhiều chất độc hại bao gồm cần sa tổng hợp và cả ma túy thế hệ mới.
Thuốc lá điện tử còn gọi là thuốc làm nóng, có tác hại với sức khỏe con người, chứa nicotine là chất gây nghiện mạnh và gây hại cho sức khỏe đặc biệt là trẻ em, vị thành niên và phụ nữ có thai. Các chất độc được thấy trong dung dịch điện tử và trong khói. Tiếp xúc lâu sẽ tăng nguy cơ gây các bệnh như ung thư, tim mạch, hô hấp và các bệnh nguy hiểm khác.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, với thanh thiếu niên thường xuyên hút thuốc lá điện tử sẽ có nguy cơ nghiện thuốc lá sớm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phổi và thậm chí tác hại đến sức khỏe sinh sản. Còn với những đối tượng hút thụ động phải những khói thuốc này là trẻ em, phụ nữ có thai, sẽ bị ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ của trẻ và thai nhi.
Chính vì những nguy hiểm và hệ lụy ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển toàn diện của trẻ em nên các bậc phụ huynh nếu thấy những lọ tinh dầu, mùi thơm khác lạ trong phòng của các con hoặc trên quần áo, sách vở thì cần có biện pháp kiểm tra, phát hiện và nhắc nhở. Để ý thấy trẻ có những biểu hiện của nghiện thuốc lá điện tử như: cử động chậm chạp, ở trạng thái lơ mơ... cần có biện pháp can thiệp kịp thời. Các gia đình cần phải thường xuyên quan tâm, chăm sóc, trò chuyện, tiếp cận sinh hoạt hằng ngày của con, đặc biệt là mối quan hệ của con với bạn bè. Khuyến khích con có lối sống lành mạnh, tham gia các hoạt động thể thao, ngoại khóa... Tăng cường giáo dục trẻ em, thanh thiếu niên, trang bị kỹ năng sống, giải thích cho trẻ hiểu rõ sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, gây nên nhiều bệnh lý đáng tiếc.